Nhắc tới cụm từ “ siêu bão ”, điều hiện lên trong đầu mỗi chúng ta là hình ảnh một cơn thịnh nộ khủng khiếp mà thiên nhiên giáng xuống loài người. Mỗi trận bão đi qua, kéo theo mưa lớn, gió mạnh là nỗi ám ảnh của hàng triệu người trên thế giới, nhất là những cư dân sống ven biển.
Hiện nay, khu vực biến Đông đang phải hứng chịu một cơn siêu bão cấp 17 với tên gọi Haiyan (Hải Yến) tấn công, dự kiến gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của.
Tuy nhiên, có một thực tế là trước mỗi trận bão, thời tiết có sự biến chuyển đặc biệt, vô tình tạo ra những khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt đẹp và hiếm có.
Bão được hình thành từ dòng vận động đi lên của khí. Hiểu một cách đơn giản hơn, khi cơn bão trong thời gian định hình, chúng sẽ bắt đầu hút không khí nóng ẩm từ môi trường xung quanh. Không khí sẽ đi qua mây, được “bắn” trả lại lên tầng cao nhất rồi đi xuống mặt đất. Trong hành trình đi xuống, không khí trở nên khô và ấm hơn vì đã bị hút hết độ ẩm trước đó.
Vì không khí khô, nóng có tính chất ổn định hơn nóng ẩm nên kết quả chúng trở thành một lá chắn tạm thời cho cơn bão, ngăn chặn những phần khí không cần thiết “đột nhập” quá trình bão hình thành. Điều này lý giải cho tình trạng lặng gió khi không khí không được lưu thông một cách bình thường và bầu trời trở nên tuyệt đẹp trước khi có bão.
Siêu bão (super typhoon) là thuật ngữ chỉ các cơn bão có sức gió rất lớn, tương ứng với khả năng tàn phá cực kỳ ghê gớm. Theo quy định của Trung tâm Cảnh báo bão hải quân Mỹ thì ở Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam), cơn bão có sức gió trên 213km/h được gọi là siêu bão.
Cho tới nay, lịch sử thế giới từng ghi nhận siêu bão mạnh nhất thế giới là siêu bão Tip năm 1979 ở Tây Bắc Thái Bình Dương, sở hữu sức gió lên tới 310km/h trong vòng 1 phút liên tục.
Hậu quả và thiệt hại do các siêu bão gây ra là không thể lường trước. Trong lịch sử, siêu bão Bhola năm 1970 đổ bộ vào đồng bằng sông Hằng và Bangladesh được coi là cơn bão có sức hủy diệt nặng nề nhất khi làm ít nhất 300.000 người chết, 100.000 người mất tích và ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 1 triệu người.
Từ xa xưa, tổ tiên xưa đã có những phương pháp để dự đoán khá chính xác về các cơn bão. Ca dao tục ngữ có câu “Ráng mỡ gà trời gió, ráng mỡ chó thì mưa” hay “Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa” đều mang nội dung như vậy.
Cụ thể, trước khi trời có bão, bầu trời thường quang đãng, trong xanh nhưng không khí rất nóng bức, ngột ngạt. Nếu quan sát kỹ, những đám mây khi ấy thường có màu vàng mỡ gà, hay bầu trời có màu vàng hồng chói, đỏ thẫm. Đó chính là những dấu hiệu trời sắp có dông bão.
Không những thế, thông qua việc quan sát hoạt động của các loài động vật, người xưa cũng có thể đoán trước phần nào tình hình thời tiết. Chẳng hạn như “Tháng bảy heo may/ Chuồn chuồn bay thì bão” hoặc “Kiến đắp thành thì bão/Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa”.
Những kinh nghiệm này trên thực tế đã được khoa học ngày nay chứng minh.
Đối với những người ngư dân ven biển, người ta phát hiện bão qua một số dấu hiệu như sau: trước khi bão đến, nếu bơi hay lặn xuống nước cảm thấy nước biển nóng hơn bình thường và cá chết nổi lềnh bềnh, đồng thời nghe có tiếng réo ầm ầm từ rất xa. Căn cứ vào những dấu hiệu ấy, ngư dân có thể đoán sắp có bão xảy ra.
Một điều khá thú vị về những cơn bão đó chính là cách đặt tên của chúng. Trong thế chiến II, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ, thường là tên vợ và con gái của các nhà dự báo khí tượng.
Hiện nay, cách đặt tên này đã có sự thay đổi lớn. Theo đó, các cơn bão ở lòng chảo Tây Bắc Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam) sẽ được đặt tên theo sự đề xuất của các nước trong khu vực. Haiyan là phiên âm tiếng Anh của từ Trung Quốc, có nghĩa là chim hải âu. Hải Yến là âm Hán Việt của từ Haiyan.
Theo những thông tin mới nhất, siêu bão Haiyan có sức gió lên tới 314km/h và giật đến 379km/h. Đây là một trong những cơn bão có tốc độ gió mạnh nhất trong lịch sử.
Bão rộng đến 483km và theo đánh giá của USA Today, Haiyan là cơn bão đổ bộ vào đất liền mạnh nhất trong lịch sử nếu tính sức gió đo bằng vệ tinh. Siêu bão loại này có thể thổi tung các mái nhà dễ dàng, làm sập tường và làm tróc mái nhà do sức ép lớn mà chúng tạo ra.
Hiện nay, bão Haiyan đã đổ bộ vào Philippines, gây ra rất nhiều thiệt hại to lớn về người và của. Là siêu bão thứ 4 tiến vào đất nước này trong năm 2013, Haiyan có thể gây ra sóng thần cao đến 5m, đe dọa mạng sống của 10 triệu người tại các đảo miền Trung Philippines. Hình ảnh trên là siêu bão Haiyan được chụp từ vệ tinh.