Những thiệt hại vô cùng lớn về người và của, chính là lời thức tỉnh của thiên nhiên trước sự chậm trễ của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một đám cháy rừng ở tỉnh British Columbia của Canada hôm 19/8. Ảnh: Reuters
Miền Tây Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó hơn 350 đám cháy đang diễn ra tại British Columbia.
Thủ hiến tỉnh British Columbia Daniel Eby cho biết: “Tình hình hiện tại thật tồi tệ. Chúng tôi đã lệnh sơ tán 35.000 người dân ngay lập tức, trong khi 30.000 người khác trong diện sẵn sàng rời đi ngay khi có yêu cầu".
Giới chức tỉnh British Columbia trước đó ban bố tình trạng khẩn cấp để cung cấp thêm quyền lực cho chính quyền nhằm đối phó với những mối đe dọa liên quan tới cháy rừng. Các đám cháy lớn đang vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng ứng phó và vô hiệu hóa một phần tuyến đường then chốt giữa khu vực bờ biển với phần còn lại của miền tây Canada. Thủ tướng Canada Justine Trudeau hôm 19/8 cũng tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức cấp cao để bàn cách ứng phó cháy rừng, khi gió thổi mạnh kết hợp sự oi nóng của mùa hè.
Tại Hawaii, Mỹ, đám cháy rừng nghiêm trọng bùng từ ngày 9/8 tại đảo Maui đã khiến 114 người thiệt mạng.
Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết, công tác cứu hộ và tìm kiếm những nạn nhân mất tích đang được tiến hành khẩn trương: “Phạm vi tàn phá đối với Maui rất khó diễn tả bằng lời. Hơn 2.200 tòa nhà đã bị phá hủy và 500 tòa nhà khác bị hư hại với chi phí ước tính gần 6 tỷ đô la. Hiện có 470 nhân viên tìm kiếm cứu nạn và 40 chú chó tìm kiếm đang rà soát hàng trăm tòa nhà bị cháy và tìm kiếm hơn 60% khu vực thảm họa để tìm kiếm những người mất tích”.
Tại châu Âu, khoảng 5.000 hecta rừng của Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. 7.000 người đã được sơ tán hoặc được khuyến cáo ở trong nhà. Hiện các đám cháy rừng trên quần đảo Canary đang được đánh giá là phức tạp nhất trong 40 năm trở lại đây, do sự kết hợp của thời tiết nóng, khô và gió, cũng như địa hình phức tạp.
Ở Pháp và Albani, những đám cháy rừng cũng đang hoành hành buộc chính quyền các địa phương phải huy động một lượng nhân viên cứu hộ lớn, sơ tán một lượng dân lớn đến nơi an toàn.
Theo các nhà khoa học, các đám cháy trên thế giới đang lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và dữ dội hơn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Đây là trường hợp đối với hầu hết các vùng đất liền và đã được xác nhận bởi Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), hội đồng các nhà khoa học khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong đó, khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm hành tinh nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo bà Sonia Seneviratne, nhà khoa học khí hậu của Thụy Sĩ, tính trung bình trên đất liền, các đợt nắng nóng cực đoan thường xảy ra 10 năm một lần nếu không có tác động của con người đối với khí hậu, thì nay xảy ra thường xuyên hơn gấp 3 lần. Sự thất bại trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ cực đoan leo thang, thậm chí còn nguy hiểm hơn.