Một vùng đất lạnh giá, những khu nhà xưởng kéo dài, tiếng máy móc ồn ã gầm rú phía trong và cả công nghệ làm mát hiện đại nhất - đó là những gì người ta có thể hình dung sơ bộ về "hầm mỏ" - nơi rất nhiều công ty trên thế giới đang xây dựng để đào ra loại tiền ảo hấp dẫn nhất thế giới: bitcoin.
Bitcoin thực tế là "phần thưởng" cho người dùng trong quá trình giải một chuỗi thuật toán trên trình duyệt. Về lý thuyết, bất cứ cá nhân nào, chỉ cần có thiết bị cá nhân kết nối mạng, đều có thể tham gia vào quá trình tìm thuật toán, giải quyết và nhận được phần thưởng này.
Nhưng trên thực tế, để có thể tìm ra đúng thuật toán có phần thưởng bitcoin, máy tính sẽ phải dò tìm trên không gian ảo mở rộng vô hạn, nên người dùng phải có một hệ thống máy tính đủ mạnh, cấu hình cao, đặc biệt sử dụng khá nhiều card đồ họa.
Số lượng thuật toán trôi nổi trên không gian mạng là hạn chế, do đó, số lượng bitcoin cũng hạn chế. Từ đây, cuộc chạy đua để sở hữu thứ đang có giá cao hơn cả vàng tại nhiều quốc gia được nhen nhóm. Trung Quốc, châu Phi và các nước đang phát triển được xem là thị trường đào bitcoin dễ nhất, bởi tài nguyên mạng nơi đây chưa được khám phá hết.
Genesis Mining, một công ty đóng trụ sở tại Iceland, sở hữu một mỏ khai thác lớn.
Hệ thống máy tính với hàng triệu bộ vi mạch lắp trên kệ inox chắc chắn, được làm mát bởi quạt thông gió công suất lớn đặt tại vùng đất có khí hậu lạnh quanh năm đã mang tới mức lợi nhuận 20% cho công ty này.
Chi phí lớn nhất với Genesis Mining là giá điện, trung bình 260 USD cho mỗi bitcoin đào được.
Ở Hong Kong, thay vì làm mát bằng quạt, "thợ mỏ" dùng dung dịch làm mát 3M - một dung dịch tổng hợp có nhiệt độ sôi cực thấp và không gây tổn hại tới các chip vi mạch.
Hệ thống đào bitcoin sẽ được đưa qua dung dịch này để làm mát, nhằm tăng khả năng hoạt động cũng như tuổi thọ của máy đào.
Trong khi đó, dung dịch 3M được làm mát bằng hệ thống tản nhiệt cỡ lớn, tiêu tốn tới 50.000 USD tiền điện mỗi tháng.
Tại Tây Tạng, các hầm mỏ được xây dựng ngay trong lòng thung lũng. Cao nguyên này là nơi có khí hậu lạnh khô bậc nhất Trung Quốc, khiến nhiệt độ phía trong các hầm mỏ chỉ tối đa 35 độ C, tràn ngập gió mát dù nhà xưởng này đặt hơn 10.000 chiếc máy đào bitcoin.
Thay vì sử dụng điện lưới, nhà máy của HaoBTC - một công ty cung cấp dịch vụ ví bitcoin ở Trung Quốc - lại dùng điện than. Giá than ở đây siêu rẻ, trái ngược với giá thực phẩm.
Chi phí nhân công tại đây thấp hơn nhiều so với Hong Kong và Iceland. Eric Mu, giám đốc tiếp thị của HaoBTC cho biết, công việc của nhân viên chỉ là đảm bảo máy móc vận hành trơn tru, sửa chữa điện đơn giản. Họ được nhận gần 1.000 USD mỗi tháng, mức cao gấp đôi so với lao động làm việc tại địa phương.