Thế giới chịu tác động ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát?

Hà Linh |

Trong khi Mỹ đang tìm cách giảm lạm phát thì Trung Quốc lại phải đối mặt với vấn đề ngược lại là giảm phát. Giá giảm ở Trung Quốc có thể giúp giảm lạm phát ở những nơi khác, kể cả ở Mỹ, nhưng tác động tích cực có thể là nhỏ.

Hai thái cực trái ngược

Thế giới chịu tác động ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày 11/4. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tăng trong tháng 7, song ở mức vừa phải, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi chặt chẽ lạm phát để cân nhắc các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát chính của Mỹ, trong tháng 7 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 3% của tháng 6 và phá vỡ đà “hạ nhiệt” gần đây. Từ đầu năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng nâng lãi suất cho vay nhằm kiềm chế lạm phát. Đợt tăng vào tháng trước đã đẩy lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ mùa Xuân 2020. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn so với các dự báo gần đây. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ số hàng đầu về hoạt động kinh tế, đã giảm trong bốn tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục hơn 20%.

Ngày 9/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 7 vừa qua đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm do sức mua yếu. Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát và chính phủ nước này muốn kích thích tiêu dùng nội địa.

Thế giới chịu tác động ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát? - Ảnh 2.

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng ở New York, Mỹ ngày 12/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tế đánh giá Trung Quốc đang “mất đà” và nhấn mạnh rằng thị trường lao động cùng lĩnh vực bất động sản đang đối mặt với thách thức lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 21,33% trong tháng 6. Bên cạnh đó, công ty bất động sản khổng lồ Country Garden gần đây không thanh toán được hai khoản nợ, dấu hiệu mới nhất về tình trạng bất động sản của nước này.

Giảm phát có vẻ như là một xu hướng tốt vì về mặt lý thuyết, nếu giá cả giảm thì người dân sẽ có sức mua mạnh hơn. Nhưng giảm phát có thể kéo theo tác động tiêu cực đến nền kinh tế của một quốc gia. Thứ nhất, nếu mọi người tin rằng các mặt hàng sẽ có giá thấp hơn nữa vào tuần tới hoặc tháng tới, họ có thể ngừng mua sản phẩm hoặc dịch vụ, bóp nghẹt huyết mạch của nền kinh tế: chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu điều đó xảy ra, các công ty có thể phản ứng bằng cách cắt giảm nhân công, giảm lương hoặc thực hiện các điều chỉnh khác.

Thứ hai, giảm phát là thông tin tiêu cực đối với những cá nhân hoặc doanh nghiệp có nợ, chẳng hạn như thế chấp hoặc các khoản vay khác. Đó là bởi vì mặc dù giá đang giảm, giá trị của khoản nợ không thay đổi, điều này gây áp lực buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu để trả nợ.

Tác động có thể xảy ra

Thế giới chịu tác động ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát? - Ảnh 3.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở bang Oregon, Mỹ ngày 13/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Nigel Green tại công ty deVere Group vào ngày 9/8 cho rằng lạm phát tại Trung Quốc gây ra lo ngại là tình trạng này có thể vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia này.

Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định: “Giảm phát của Trung Quốc, phản ánh nhu cầu hộ gia đình yếu cũng như năng lực dư thừa ở một số bộ phận sản xuất của nước này, có khả năng gây ảnh hưởng trên toàn thế giới”.

Theo Blomberg, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia có thể mua các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn từ Trung Quốc khi nước này xảy ra giảm phát. Tuy nhiên, nhiều chính phủ sẽ không muốn tình trạng giá xuất khẩu rẻ của Trung Quốc đảo ngược thâm hụt thương mại đã được thu hẹp với Bắc Kinh. Giám đốc thương mại của Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này tuyên bố sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu nhiều hơn của châu Âu.

Vì vậy, Bloomberg cho rằng ngay cả khi giảm phát của Trung Quốc giúp ích cho người tiêu dùng ở các nước phát triển, nó có khả năng khiến chính trị trở nên rối ren hơn.

Nhưng ông Paul Cavey tại công ty tư vấn East Asia Econ cho biết: “Tại các nước phát triển, hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc không được ưa chuộng như trước”.

Về phần Mỹ, tác động từ giảm phát ở Trung Quốc với lạm phát ở nước này có thể sẽ hạn chế, do chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá nhà ở, thực phẩm, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và thường không phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo ông Prasad, có nhiều lý do khác để kỳ vọng rằng tình trạng giảm phát của Trung Quốc sẽ không tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa của Mỹ. Tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ từ đầu năm nay, với tổng thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico đạt 263 tỷ USD tính đến tháng 4.

Thế giới chịu tác động ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát? - Ảnh 4.

Giá hàng hóa được niêm yết tại cửa hàng ở New York, Mỹ ngày 12/1/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Bắc Kinh và Washington, vốn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ lâu đã được khuyến khích tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô bởi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong khi vấn đề nợ ám ảnh các thị trường mới nổi.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Bắc Kinh đã chuyển sang tăng cường bảo vệ quốc gia bằng cách bán các trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ, đồng thời giảm mức độ tiếp xúc với đồng bạc xanh và giám sát chặt chẽ các dòng vốn xuyên biên giới cũng như các cú sốc tiềm ẩn đối với thị trường tài chính trong nước.

Sự khác biệt về lạm phát và giảm phát có thể buộc cả hai quốc gia phải đưa ra các ưu tiên khác nhau trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh căng thẳng song phương vẫn tiếp diễn. Trung Quốc đã chuyển chú ý sang thúc đẩy đổi mới công nghệ và phục hồi kinh tế trong nước, vốn không đồng đều khi lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tư nhân đang bị tụt lại phía sau.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã duy trì thanh khoản thị trường dồi dào và ngần ngại hạ lãi suất chính sách.

Về phía Mỹ, Fed vẫn đang tích cực tìm cách giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% và các quyết định của họ tiếp tục thử thách các ngân hàng trong nước cũng như những thị trường mới nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại