Thế giới hiện đại chúng ta đang sống có những đôi trẻ lầm lì với smartphone thay vì líu ríu với nhau trong quán cà phê. Những đứa bé mải mê vùi đầu trên YouTube. Những thanh niên chăm chỉ "check in" để chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Họ được bố mẹ chia sẻ những hình ảnh đầu đời trên mạng xã hội với cả thế giới.
Có một thế hệ công chúng mới ra đời được gọi là "Thế hệ Facebook" (Facebook generation), "Người bản địa kỹ thuật số" (Digital natives) "Nhóm tuổi luôn trực tuyến" (Instantly online age group"), "Những đứa trẻ dotcom" (Dotcom children)… Những đặc tính của thế hệ này phá vỡ mọi biên giới về kinh tế, xã hội và sự hình thành một xã hội toàn cầu. Điều này dẫn tới thực tế một thế hệ dù ở những vùng địa lý và văn hóa khác nhau, dễ dàng có chung sự ảnh hưởng, tham gia cùng sự kiện hay những quy trình và xu hướng tương tự thông qua kết nối internet.
Thế giới của họ dường như không tồn tại biên giới và quen với khái niệm "không bàn phím", cùng sự ra đời của internet, của điện thoại thông minh (smartphone) vào năm 2007 và máy tính bảng (tablet) vào năm 2010.
Chúng ta thường xuyên đặt những câu hỏi như điều gì đang xảy ra với con cái chúng ta? Tại sao, những người trẻ đang tỏ ra khác biệt. Mạng xã hội đang làm thay đổi căn bản hành vi của lớp trẻ.
Chúng ta cho rằng mạng xã hội một mặt mang đến cho giới trẻ công cụ và phương tiện để kết nối và tiếp nhận thông tin nhanh hơn nhưng ngược lại những mặt trái của mạng xã hội cũng đang là vấn đề đáng báo động. Mạng xã hội Facebook đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội của thế hệ trẻ và cách chúng tương tác với nhau.
Một trong những hậu quả đó chính là sự vô thức nhận biết về tác động của những gì các công dân số tương tác với nhau. Nhiều bạn trẻ cho rằng internet hay mạng xã hội cho họ những viên đá vô hình và quyền tự do hành xử bản năng trên không gian số. Trong cuốn sách "Thiện, ác và smartphone", tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã nêu lên thực trạng của văn hóa lăng nhục công cộng thời mạng xã hội tại Việt Nam: "Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt".
Với dân số gần 100 triệu người, trung bình 100 người Việt Nam có 143 chiếc điện thoại di động. Số lượng người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh chiếm 80% dân số. Số tài khoản Facebook ở Việt Nam là 64 triệu và Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng. Những con số này cho thấy Việt Nam là một quốc gia có nhu cầu tương tác, kết nối xã hội cao. Thế hệ trẻ nhanh chóng thích nghi với lối sống hiện đại và công nghệ mới để hội nhập với thế giới. Việt Nam là một trong 22 nước có lượng người truy cập mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt đối tượng sử dụng mạng xã hội có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Facebook cũng như một số trang mạng xã hội khác đã tạo nền tảng thuận tiện cho giới trẻ xây dựng danh tính số của họ với sự linh hoạt và tính đa dạng của các nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình tương tác trực tuyến có liên quan đến những rủi ro. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2008, tác giả Livingstone lập luận rằng thế hệ trẻ, với sự giúp đỡ của các trang mạng xã hội như Facebook, "có nhiều bạn bè nhưng ít cảm giác được sự riêng tư và tự mê hoặc bản thân mình khi tự thể hiện mình".
Những người trẻ đang từng bước tham gia vào lực lượng lao động và họ sống trong một thế giới mà lằn ranh giữa thế giới thực và thế giới số đang dần bị xóa nhòa. Cũng theo nghiên cứu của tạp chí Forbes, trung bình, thế hệ Z ở Việt Nam sử dụng 2,77 loại mạng xã hội mỗi tuần, và khoảng gần 50% số người được hỏi cho rằng lượng "thích" trên mạng xã hội cho thấy sự nổi tiếng và mức độ được chú ý của mỗi cá nhân.
Thomas Davenport và John Beck trong cuốn "The Attention Economy" đã từng nói: "Trong thế giới ngập lụt thông tin ngày nay, thứ tài nguyên khan hiếm nhất không phải ý tưởng hay nhân tài, mà đó là sự chú ý". Đây chỉ là một trong những định hướng nói lên sự thay đổi của truyền thông hiện tại.
Độ tuổi bắt đầu sử dụng mạng xã hội sau 13 tuổi - độ tuổi có những chuyển biến về tâm lý. Việc trang bị hành trang, nguồn lực cho danh tính số và kỹ năng sử dụng các công cụ số là điều cần thiết đặt ra cho một thế hệ công dân số thông minh.
Quay trở lại câu chuyện của cô gái người Malaysia, nếu cộng đồng mạng tỉnh táo để biết rằng lời nói hay mọi hành động, cử chỉ của mình trên mạng xã hội đều có thể tác động tới thế giới thật; và những người chưa đủ trưởng thành khi sử dụng mạng xã hội đều dễ bị tác động bởi những nội dung họ tương tác, tạo ra thì có lẽ đây không phải là một câu chuyện buồn mà chúng ta đọc trên tin tức đâu đó.
Tự do ngôn luận không thể biện minh cho những hành vi lăng nhục tập thể, bắt nạt trực tuyến hay quan tòa bàn phím. Từ ngữ có sức mạnh nên hãy nghĩ trước khi bạn sử dụng nó, đặc biệt là trước màn hình. Thế giới thật hay thế giới ảo đều có những tác động như nhau.
Từ ngữ có sức mạnh nên hãy nghĩ trước khi sử dụng nó, đặc biệt là trước màn hình.