Ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng sự vắng mặt của một số đại sứ phương Tây tại lễ nhậm chức tổng thống Nga lần thứ 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra câu hỏi về trách nhiệm thực sự của những người này khi làm đại diện ngoại giao tại Nga, theo hãng thông tấn TASS . “Tôi nghĩ cần phải hỏi những quốc gia và người dân của những nước đó - những quốc gia mà đại sứ không đến dự lễ nhậm chức của ông Putin rằng họ [cán bộ ngoại giao - PV] đang làm gì ở đây nếu họ bỏ lơ nghĩa vụ cơ bản là tham dự các sự kiện của chính quyền, đối thoại và phát triển quan hệ [ngoại giao]? " - bà Zakharova nói. Theo hãng thông tấn TASS, ngày 7/5, Tổng thống Putin tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5. Tất cả người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở Moscow, kể cả từ các nước mà Nga cho là không thân thiện, đều được mời đến dự lễ này. Tuy nhiên, Mỹ và một số nước châu Âu, gồm Đức, Anh, đã không cử đại diện tới tham dự.
Các cuộc tấn công giữa Israel và Hezbollah gia tăng. Ngày 8/5, Israel đã thực hiện các cuộc không kích dữ dội ở miền Nam Lebanon, trong khi lực lượng Hezbollah cũng sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tấn công các mục tiêu quân sự của Israel. Quân đội Israel cho biết, họ đã tiến hành hơn 20 cuộc không kích và pháo kích nhằm vào các cơ sở quân sự và hạ tầng của lực lượng Hezbollah, ở khu vực Ramyeh, thuộc miền Nam Lebanon. Các cuộc tấn công đã khiến 3 người ở Lebanon thiệt mạng.
Liên minh châu Âu nhất trí dùng tiền của Nga để vũ trang cho Ukraine . Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/5 đã đạt thỏa thuận về kế hoạch sử dụng hàng tỷ Euro lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga để vũ trang Ukraine và tài trợ cho việc tái thiết nước này sau xung đột. Theo đó, khoản đầu tiên dự kiến được giải ngân vào tháng 7.
Anh tuyên bố trục xuất tuỳ viên quốc phòng Nga. Anh sẽ trục xuất tùy viên quốc phòng Nga, tước bỏ địa vị ngoại giao và giảm thời hạn visa cấp cho các nhà ngoại giao Nga để đáp trả những hoạt động mà London cáo buộc Mátxcơva gây ra. Đó là một trong nhiều quyết định được đưa ra ở châu Âu ngày 8/5. Estonia triệu tập người đứng đầu Đại sứ quán Nga để phản đối việc gây nhiễu tín hiệu GPS, còn Ba Lan cáo buộc một nhóm có quan hệ với Nga thực hiện đợt tấn công tin tặc nhằm vào Ba Lan. (XEM CHI TIẾT...)
Liên minh châu Âu chuẩn bị tung đòn trừng phạt thứ 14 chống lại Nga. Theo EUobsever , các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch thông qua gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga vào tháng 7. Theo nội dung dự kiến, gói trừng phạt thứ 14 của EU không hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà ngoại giao Nga tại EU cũng như không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu hạt nhân hoặc nhôm của quốc gia này. Tuy nhiên, gói trừng phạt trên sẽ nhắm tới 52 công ty đến từ Nga và một số quốc gia khác bị nghi ngờ vận chuyển hàng cấm đến Moscow. Số hàng hóa bị cấm, bao gồm các thiết bị lắp ráp máy bay không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận dừng chuyển vũ khí cho Israel. Ngày 8/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận nước này tạm dừng cung cấp vũ khí cho Israel, trong một động thái được tin là nhằm đánh tín hiệu về việc Washington phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza. Ông khẳng định Mỹ đã rõ ràng quan điểm ngay từ đầu rằng Israel không nên tổ chức một cuộc tấn công lớn vào Rafah nếu không tính đến và đảm bảo sự an toàn cho dân thường trong vùng chiến sự.
Ba Lan muốn EU xây dựng hệ thống phòng không chung. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi EU huy động ít nhất 100 tỷ euro (108 tỷ USD) cho quốc phòng và xây dựng một hệ thống phòng không chung. Ông Tusk cho rằng, trong những năm tới, EU cần chú trọng bảo vệ biên giới châu Âu và tăng cường tiềm lực quốc phòng "đủ để răn đe các kẻ thù tiềm tàng". "Tăng chi tiêu và chi tiêu một cách phù hợp cho an ninh của châu Âu sẽ khiến chiến tranh tránh xa biên giới châu Âu trong một thời gian dài, có thể là vĩnh viễn", nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định.
Quốc hội Ukraine thông qua dự luật gia hạn thiết quân luật. Ngày 8/5, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn các dự luật gia hạn thiết quân luật và tổng động viên thêm 90 ngày. Nghị sĩ Oleksiy Goncharenko xác nhận việc Quốc hội đã phê chuẩn các dự luật trên. Theo đó, 339 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn thiết quân luật, trong khi 336 nghị sĩ ủng hộ việc kéo dài thời gian huy động quân sự.