Đã lâu rồi Yamaha nói chung và Yamaha Motor Việt Nam mới lại có một mẫu xe được nhắc đến nhiều như vậy, thậm chí cả những “fan” của đối thủ Honda cũng không thể chối từ một thực tế: Yamaha PG-1 là mẫu xe thực sự cá tính và khác biệt. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Yamaha PG-1 không phải là mẫu xe đầu tiên của phân khúc này tại Việt Nam, khi mà Honda CT125 (Trail 125) và cả Honda Super Cub Cross đều đã có mặt thông qua các nhà phân phối không chính thức.
Và điều gì sẽ xảy ra với vị thế của Yamaha PG-1 nếu như các nhà phân phối nhỏ lẻ này không “ăn quá đậm”, khiến cặp đôi underbone kiểu dáng offroad bị đội giá quá cao – thậm chí có những lúc mẫu Trail 125 còn bị đẩy lên mức gần 180 triệu đồng còn với mẫu Cross là 90 triệu đồng. (Honda Super Cub Cross có giá 48.400 Baht tại Thái Lan, tương đương 32 triệu đồng còn CT 125 có giá 88.900 tương đương 62 triệu đồng- PV). Rõ ràng Yamaha PG-1 có được vị thế như hiện nay là một phần nhờ các mẫu Honda nhập khẩu ngoài phá giá.
Sự ra mắt đúng thời điểm
Phân khúc xe máy bình dân Việt Nam tại Việt Nam vốn quá nhàm chán với các mẫu underbone dưới 125cc – hết Honda với các loại kiểu dáng “kém hấp dẫn”, từ mẫu Wave này sang mẫu Future kia, từ Sirius đến Jupiter… vốn đã quá cũ mắt. Thậm chí những người từng chứng kiến các mẫu xe này khi ra mắt, nay đã bắt đầu phải làm quen với xe ba bánh hay nhờ người khác chở.
Yamaha PG-1 ra đời vừa kịp xoa dịu nhu cầu cần một mẫu xe mới, cá tính và khác biệt. Ngoài ra, giá bán khởi điểm từ 30,4 triệu đồng thực sự là “vừa túi” với nhiều tập khách hàng, từ khách hàng trẻ cho đến những khách hàng muốn có một mẫu xe offroad đơn giản, nhẹ nhàng và dễ điều khiển. Và đó còn chưa kể những khách hàng “bám trend” – muốn là tâm điểm mỗi khi đi uống cafe hay bát phố.
Giá bán 30,4 triệu đồng cho Yamaha PG-1 là đắt hay rẻ?
Đắt hay rẻ, là tuỳ túi tiền của người dùng – Đó sẽ là một mức giá hời với người có điều kiện và là việc phải cân nhắc đối với những khách hàng trẻ chưa có thu nhập ổn định, hoặc cũng vừa sở hữu một mẫu underbone tương đương.
Trên thực tế với mức giá 30,4 triệu đồng, Yamaha PG-1 giúp bạn sở hữu một mẫu xe underbone đúng DNA của Yamaha – thiết kế trẻ trung, thể thao và thực sự thể hiện cá tính: Hệ thống giảm xóc, đôi lốp địa hình, yếm và yên xe khác biệt…, đó là những thiết kế làm nên thương hiệu cho Yamaha PG-1.
Chiếc xe này cũng sở hữu động cơ được lấy lại từ Jupiter Finn (nhiều người cho rằng là từ Sirius – cũng đúng, nhưng phải là động cơ phun xăng điện tử FI), hàm lượng công nghệ thấp: đèn pha halogen, đèn báo rẽ (xi nhan) tương đồng các dòng xe côn tay (ly hợp chỉnh tay - như XS155R, R15, MT-15), đồng hồ sử dụng thuần đèn báo không có sự xuất hiện của màn hình hay các tính năng điện tử, không một bóng đèn LED… Bộ lốp Trail do IRC Việt Nam cung cấp (nhà máy ngay gần bên cạnh Yamaha Việt Nam tại Hà Nội)
Ngoài ra, một số khác biệt về phím bấm trên tay lái bao gồm đèn xin vượt – passing, công-tắc ngắt động cơ như các dòng xe cao cấp với dung tích lớn… đều là những thiết kế thuần mang tính biểu diễn nhiều hơn là thực chất như đối với một mẫu xe nhỏ bình dân.
Sau Exciter, Yamaha Việt Nam lại có dịp tự hào với mẫu xe PG-1
Sức hút của chiếc Yamaha PG-1 đối với thị trường Việt Nam là điều Yamaha Motor Việt Nam đã dự trù, nhưng ở mức tạo thành một trào lưu, một trend tiêu dùng như điều mà Exciter đã làm cách đây 15 năm thì là điều mà hãng chưa lường được.
Từ sinh viên, học sinh, người tiêu dùng bình thường cho đến các “tay chơi” từng kinh qua các mẫu xe phân khối lớn các thể loại, đều tìm cách sở hữu một chiếc Yamaha PG-1 như một cách tăng “gia vị” cho cuộc chơi xe 2 bánh. Thậm chí việc được sờ tận tay, chụp ảnh cùng chiếc xe cũng mang tới những niềm vui thực sự khác biệt với họ.
Tuy nhiên, đón đầu cho cho làn sóng nhu cầu sử dụng này, Yamaha Việt Nam vẫn vướng phải công thức bán hàng quen thuộc – như với các mẫu xe gần đây, luôn có sự e dè, thiếu tự tin dẫn đến kế hoạch sản xuất không theo kịp nhu cầu. Hậu quả là người tiêu dùng vẫn phải mòn mỏi đợi chờ, lượng xe theo màu, theo nhu cầu vẫn về đại lý (kể cả Yamaha Town) một cách nhỏ giọt, thậm chí không có ngày về cụ thể để cung cấp tới khách hàng – một yếu tố khá nhạy cảm trong kinh doanh khi thách thức sự kiên nhẫn – điều cực kỳ hiếm hoi trong tâm lý tiêu dùng người Việt Nam.
Kinh doanh xe hay kinh doanh phụ kiện?
Xe mới, thiết kế khác biệt… nhưng Yamaha Việt Nam lựa chọn dùng giá bán để tạo ra thêm thế mạnh cạnh tranh cho chiếc Yamaha PG-1, tạo ra một sản phẩm mà bất cứ ai dùng xe máy làm phương tiện di chuyển cũng có thể sử hữu (cao hơn xe bình dân Jupiter Finn gần 2 triệu đồng, tương đương Honda Jupiter…).
Và để bù vào lợi nhuận, Yamaha Việt Nam tung ra các gói phụ kiện lựa chọn thêm, giá thành tách riêng khỏi giá bán xe. Điều này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi nộp phí thấp (lệ phí trước bạ theo giá thành xe), tuỳ biến xe theo nhu cầu và sở thích. Đây cũng là mẫu xe 2 bánh bình dân đầu tiên được đánh giá là có khả năng thích ứng tốt nhất các tùy biến theo nhu cầu của người dùng.
Các bộ phụ kiện dành cho PG-1 được chia thành ba bộ: Casual, Camper và Tracker, đủ sức thoả mãn các nhu cầu phong phú nhất của người tiêu dùng. Và thực tế, nếu như không có thêm các bộ phụ kiện, Yamaha PG-1 thực sự chỉ là một vẻ đẹp thô ráp, trần trụi, thiếu điểm nhấn.
Cả ba bộ phụ kiện này, có mức giá không hề nhỏ so với giá trị xe: Casual với giá rẻ nhất – hơn 3 triệu đồng với phụ kiện ít nhất, đơn giản nhất; Camper với giá 12 triệu cho 10 món phụ kiện, Tracker với giá hơn 9 triệu với 8 món phụ kiện (tham khảo ảnh). Chưa kể các loại phụ kiện cao cấp hơn như ống xả, cổ xả thậm chí sưởi tay, ghi-đông rộng, ly hợp chỉnh tay…, vốn đầy rẫy ở các thị trường Thái Lan, Malaysia hay… các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Một đặc điểm khá thú vị trên Yamaha PG-1 là việc thiết kế cảm biến khí thải được Yamaha đặt ngay trên cửa xả tại lốc máy chứ không nằm trên ống xả, điều ngày giúp tuỳ biến ống xả theo nhu cầu và túi tiền của người dùng mà không sợ phải điều chỉnh lại ECU - tất nhiên đừng độ ống xả của xe 400cc vì quá lớn.
Nhưng một điều tai hại là không phải bất cứ đại lý nào, hay Yamaha Town nào trên cả nước có đầy đủ các gói phụ kiện này, thậm chí là không đủ các món đồ của từng gói. Điều này dẫn tới thực tế là người tiêu dùng phải chạy đi gom đồ từ nhiều đại lý khác nhau, để có đủ số phụ kiện cần thiết. Một điều trái khoáy khi rõ ràng nhà cung cấp phải phục vụ người tiêu dùng chứ không phải ngược lại – hoặc thực tế, Yamaha Việt Nam không có định hướng kinh doanh phụ kiện.
Thêm một lần đánh sai nhu cầu của thị trường của Yamaha Việt Nam?
Yamaha GP-1 là mẫu xe phượt phố… hoặc cho những cung phượt “tráng men”
Yamaha PG-1 hội tụ đủ các yếu tố cần thiết của những tay chơi hay lang thang bờ bụi Tây Bắc hay Tây nguyên đại ngàn; xe nhẹ, chống chân dễ, bộ lốp địa hình dễ dàng chinh phục các cung đường đồi núi hay lội suối, chứ đừng nói các loại ổ gà, vỉa hè trong đô thị.
Tuy nhiên, vấn đề lớn của Yamaha PG-1 hay các mẫu underbone giá rẻ khác là dung tích nhỏ, tốc độ thấp, độ tiện nghi và bảo vệ (an toàn và sức khoẻ) không lớn… do đó chỉ thích ứng các cung đường ngắn dưới 100km – trong khi với các hành trình dài từ thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, thì Yamaha PG-1 chắc chưa phải là lựa chọn tối ưu nhất. Trong khi muốn đưa được Yamaha PG-1 vào các cung đường khó, việc phải ngốn quãng đường khoảng 300 km (từ nội đô) cùng mẫu xe này hẳn là nhiều người sẽ rất ái ngại.
Yamaha PG-1 vận hành ở dải tốc độ thấp khá tốt với hành trình giảm xóc trước lớn, tuy nhiên đạt tới ngưỡng 70km/h là việc khá bực bội và nếu muốn đi nhanh hơn, đòi hỏi người dùng phải thực sự… kiên trì với chiếc xe này.
Ngoài ra, một số đặc trưng của chiếc xe cũng khiến bạn không thoải mái; chắn bùn bằng nhựa cứng và quá gần lốp (dễ gãy và dễ bết bùn đất), không cần khởi động (khi vào các cung đường khó, nếu hết ắc-quy sẽ là một vấn đề cực lớn), giảm xóc sau quá cứng, tư thế ngồi lâu không thoải mái cho cánh tay…
Và chính vì vậy, sẽ chẳng ai ngạc nhiên khi thường xuyên gặp những chiếc Yamaha PG-1, sạch bóng, đầy xăng thong dong lượn phố…
Đã lâu lắm rồi, Yamaha Việt Nam mới có thêm một mẫu xe giúp lấy lại hình ảnh và cả thị phần của mình, những yếu tố mà kể từ sau thời kỳ đỉnh cao của chiếc Exciter đã không còn được biết đến.
Tuy nhiên, thành công này có thực sự trở thành hiện thực hay không, sẽ còn phụ thuộc nhiều vào năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng, còn nếu không Honda Super Cub Cross đã sẵn sàng, để làm một cuộc lật đổ, giống như Winner đã làm rất tốt khi chia lại miếng bánh thị phần của Yamaha Exciter, và đó là điều chắc chắn, chẳng làm Yamaha thích thú một chút nào.