Những fan hâm mộ thời trang đều không xa lạ gì với chương trình "The Face".
Đây là show thực tế tìm kiếm gương mặt người mẫu quảng cáo nổi tiếng trên thế giới, được thành lập bởi công ty Shine America và có sự góp mặt của siêu mẫu Naomi Campbell ở vị trí cố vấn sản xuất lẫn huấn luyện viên.
3 HLV của The Face US mùa thứ nhất.
The Face Việt Nam mùa thứ nhất vừa lên sóng tập đầu ngày 18/6/2016.
"The Face" lần đầu ra mắt vào tháng 1 năm 2013 trên Oxygen - kênh truyền hình cáp của Mỹ. Dù có tuổi đời chỉ mới 3 năm nhưng chương trình đã nhanh chóng trở thành đối thủ nặng ký của "American's Next Top Model", một show thực tế tìm kiếm người mẫu có lịch sử 15 năm đang dần đi vào lối mòn nhàm chán.
Cho đến thời điểm này, "The Face" đã chính thức được bán bản quyền ra nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Anh, Úc, Thái Lan và mới đây là Việt Nam với tên gọi "Gương mặt thuơng hiệu".
Những khác biệt khi "The Face" được "mang về"
Tháng 10 năm 2015, khi thông tin Cát Tiên Sa mua bản quyền "The Face" được tung ra, rất nhiều fan đã chờ đợi ngày lên sóng.
Điểm nhấn nổi bật của chương trình thực tế này chính nằm ở format mang đậm tính chuyên môn cùng những màn huấn luyện khắc nghiệt nhưng hiệu quả của các giám khảo là siêu mẫu dành cho thí sinh.
Đồng thời khán giả còn cảm thấy hào hứng hơn khi được tận mắt chứng kiến các giám khảo cùng nhau đối đáp trong từng màn giành thí sinh về đội của mình hay thẳng thắn nhận xét về cách huấn luyện lẫn nhau.
The Face Việt Nam có nhiều khác biệt so với format gốc.
Tuy nhiên khi phiên bản "Gương mặt thương hiệu" phát sóng tập 1 và tập 2, nhiều fan ruột của "The Face" các bản quốc tế đã bày rõ sự thất vọng bởi thể lệ có những sự thay đổi khiến chương trình mất đi điểm nhấn thú vị.
Đầu tiên là thử thách mặt mộc ngay đầu chương trình. Ở phiên bản gốc và các phiên bản khác, các thí sinh tuyệt đối tẩy trang kĩ lưỡng, không ngần ngại phô ra những điểm xấu xí trên khuôn mặt như mụn, tàn nhang, môi thâm tím…
Đây là thử thách để các huấn luyện viên thấy được vẻ tự nhiên và những nét thô trên khuôn mặt thí sinh.
Còn ở "The Face Việt Nam", nhiều thí sinh vẫn lộ rõ đường kẻ chân mày, son môi thậm chí là vẫn còn đeo lens hay tạo khối gương mặt… sau khi tẩy trang.
Các fan của "The Face" than phiền rằng điều này hoàn toàn trái ngươc với tinh thần của bản gốc và làm mất đi sự thú vị ở thử thách mang tên "mặt mộc".
Sau khi tẩy trang, nhiều thí sinh Việt Nam vẫn còn lớp phấn nền, mascara, đường kẻ chân mày và son môi.
Điều này khác hẳn những phiên bản quốc tế.
Khác biệt thứ hai đó là ở bản quốc tế, ngay trong tập 1 trước khi chia đội các cô gái sẽ phải bước vào một số thử thách cam go để tìm ra top 12.
Ở phiên bản Việt Nam sau khi tìm ra top 15 mới bắt đầu chính thức lao vào các cuộc chiến để tìm kiếm suất vào "nhà chung" top 12. Đó cũng là lí do "Gương mặt thương hiệu" hai tập đầu tiên bị chê là dài dòng, lê thê và đi ngược với bản gốc.
Một khác biệt khác đó chính là việc lựa chọn thí sinh về 3 đội của 3 huấn luyện viên. Ở các phiên bản do Naomi Campbell chủ xị, 3 huấn luyện viên sẽ đối mặt lần lượt với các cô gái trong phòng kín.
Nếu huấn luyện viên thích thí sinh nào thì sẽ giơ tấm bảng có đề tên đội của mình để thí sinh đó lựa chọn. Thí sinh nào không có ai giơ bảng tên thì tức là đã bị loại.
Lựa chọn thí sinh bằng việc đưa bảng tên như bản gốc sẽ khiến chương trình gọn nhẹ hơn nhiều.
Trái ngược với format "phòng kín" ở bản gốc, nhà sản xuất Việt Nam lại đổi kịch bản theo kiểu… ồn ào hơn rất nhiều. 25 cô gái sẽ cùng xuất hiện trước mặt các huấn luyện viên, cả 3 sẽ đưa ra từng lựa chọn của mình.
Nếu huấn luyện viên khác cũng thích thí sinh đó và muốn chọn về đội của họ thì quyền quyết định cuối cùng cũng sẽ nằm ở thí sinh.
Điều này dẫn đến màn chọn đội trở nên... y hệt cái chợ, và khiến khán giả cảm thấy thiếu điểm nhấn. Lẽ ra đất diễn tập 1 nên chú trọng ở kỹ năng của các thí sinh chứ không phải từ những màn chặt chém, đấu khẩu ồn ào của 3 HLV.
Điểm khác biệt nổi bật nhất so với bản gốc của "The Face Vietnam" chính là chương trình đã mạnh dạn áp dụng luật chơi mới, điều mà các phiên bản trên toàn thế giới chưa từng thử nghiệm.
Mỗi huấn luyện viên sẽ có 1 quyền loại và thay thế (nếu cần). Bất kỳ thí sinh nào nếu người đó có tư cách đạo đức không tốt, không chấp hành những nội quy… thì huấn luyện viên có quyền loại mà không cần cho thí sinh đó trải qua bất cứ phần thử thách nào.
Đồng thời, huấn luyện viên vừa sử dụng quyền loại người này có thể gọi trở lại 1 thí sinh đã rời khỏi nhà chung để thay thế (tuy nhiên thí sinh đó phải thuộc đội của huấn luyện viên khác).
Bộ sậu huấn luyện viên liệu đã đủ kinh nghiệm?
Ở những phiên bản quốc tế, "The Face" quy tụ những huấn luyện viên là các supermodel, các topmodel hàng đầu như Naomi Campbell, Karolina Kurkova, Anne V, Coco Rocha, Lydia Hearst, Erin O’Connor, Caroline Winberg, Nicole Trunfio…
Tại Việt Nam, ngay khi vừa thông báo thành phần ban giám khảo gồm 3 cái tên đình đám là ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Phạm Hương và Top 11 Miss World 2015 Lan Khuê, chương tình ngay lập tức nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo dân mạng.
Hồ Ngọc Hà được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm nhất so với 2 HLV còn lại nhưng vẫn chưa thể so với những siêu mẫu kỳ cựu ở Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng lẽ ra BTC phải mời những siêu mẫu, người mẫu kỳ cựu như Hà Anh, Thanh Hằng, Xuân Lan hay Võ Hoàng Yến… mới đúng với tinh thần của bản gốc. Bởi ba huấn luyện viên phải là những người có thâm niên, có kinh nghiệm và có đủ tầm để cầm trịch mỗi đội.
"The Face" phiên bản gốc được đánh giá hay không chỉ là do tính cạnh tranh cao giữa các siêu mẫu nổi tiếng thế giới, mà còn hấp dẫn nhờ tính chuyên nghiệp và bài bản. Khi mang về Việt Nam, cả 3 HLV chẳng có ai có kinh nghiệm người mẫu kỳ cựu và thực sự ấn tượng nên bị đánh giá là "làm chưa tới".
Hà Hồ, một cựu người mẫu đã rời sàn runway từ năm 2004. Phạm Hương, một cô hoa hậu mới nổi và dù có 6 năm trong nghề mẫu nhưng lại thuộc dạng "có tiếng nhưng không có miếng". Lan Khuê, một người mẫu có trình độ chuyên môn tương đối ổn nhưng tuổi đời còn khá trẻ, chưa thể gọi là huấn luyện viên kỳ cựu.
Bộ 3 huấn luyện viên chưa đồng đều về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong nghề.
Xét về khía cạnh làm HLV, về trình độ quan sát, sự tinh tế, khả năng ăn nói và sự chuyên nghiệp, có thể nói Phạm Hương và Lan Khuê còn rất nhiều thiếu sót so với một người làm giải trí cũng như gắn bó với dòng người mẫu quảng cáo lâu năm như Hà Hồ.
Đặc biệt điều này đã thể hiện rõ qua 2 tập đầu phát sóng. Fan của "The Face" phản ứng với phiên bản Việt khi một người ở vị trí HLV như Phạm Hương lại sai những điều cơ bản như: dạy thí sinh catwalk mà chỉ chú trọng… biểu cảm?!
Hay khi Phạm Hương gồng mình ép các thí sinh catwalk theo kiểu mình xà giống như phong cách của cô, hoặc hướng dẫn thí sinh bước ngang theo kiểu váy dạ hội trong khi thử thách lại là mặc bodysuit.
Phạm Hương đẹp và giỏi, nhưng chưa thể hiện được nhiều ở vai trò HLV.
Nếu như ở bản gốc, các huấn luyện viên tự mình làm tất cả mọi thứ để đào tạo thí sinh trong đội, thì việc Hồ Ngọc Hà nhờ siêu mẫu Xuân Lan hỗ trợ team mình cũng bị một số khán giả cho rằng không hợp lý.
Bởi điều đó khác gì tự chứng minh bản thân nữ ca sĩ không đủ kinh nghiệm và thực lực để hướng dẫn, thị phạm thí sinh?
Đấy là nói chuyện năng lực của huấn luyện viên, chưa nói đến việc không ai trong số Hà Hồ, Lan Khuê hay Phạm Hương đủ sức hút, đủ cá tính để làm nên một "vai ác dữ dội", một "Naomi Campbell phiên bản Việt".
Team Hà Hồ hay Team Xuân Lan??
Ảnh chế của fan "The Face" sau khi xem "Gương mặt thương hiệu".
Bên cạnh một số điểm bất hợp lý, những chi tiết khác trong 2 tập đầu của "Gương mặt thương hiệu" cũng được mang ra mổ xẻ.
Đó chính là những màn quảng cáo lộ liễu từ nhà tài trợ, sự xuất hiện của An Nguy, hay biên tập chương trình quá nhấn nhá vào hoàn cảnh thí sinh (Nguyễn Thị Thành), khiến người xem buồn ngủ và ức chế vì "quá nhiều nước mắt".
Hay hài hước hơn, nhiều người còn cho rằng vai trò MC của Vĩnh Thụy hết sức mờ nhạt, anh trông chả khác gì… pho tượng đang nói lí nhí, hình ảnh này không mang chút quyền lực nào của một host thực thụ.
MC Vĩnh Thụy hoàn toàn mờ nhạt.
Nước mắt - drama không thể thiếu của các chương trình thực tế Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, dù không được như kỳ vọng nhưng "The Face Việt Nam" cũng đã tạo nên một cơn sốt nho nhỏ đối với khán giả giữa một mùa hè… bội thực các chương trình thực tế.
Tuy nhiên chương trình liệu có giữ được sức hút lâu dài đến cuối mùa, đến những mùa khác hay không, thì lại là câu chuyện khác cần thời gian trả lời.