Sau 6 tháng đầu năm khủng hoảng, các chính phủ trên toàn thế giới đang kỳ vọng vào một sự phục hồi kinh tế. GDP của các nước phát triển đã giảm khoảng 10% chỉ trong nửa đầu năm 2020. Cùng với đó, rất nhiều thứ cũng đã thay đổi – bao gồm cả việc đeo khẩu trang đã trở thành một điều bình thường mới. Với các nhà kinh tế, những người luôn ám ảnh với việc chuyển đổi mọi thứ sang đơn vị GDP, đang tính toán xem việc đeo khẩu trang trên diện rộng có thể đóng góp ra sao đối với việc phục hồi nền kinh tế.
Ý tưởng là việc đeo khẩu trang có thể phần nào thay thế cho việc cách li toàn xã hội. Người dân khi đeo khẩu trang có thể di chuyển bằng phương tiện công cộng, các cửa hàng có thể được mở lại trong khi đảm bảo các biện pháp giãn cách cần thiết.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã tính toán rằng cứ mỗi 15% dân số đeo khẩu trang tăng lên sẽ làm giảm 1% mức tăng số ca nhiễm hàng ngày. Điều này sẽ giúp giảm sự cấp thiết của các biện pháp cách li có thể ảnh hưởng tới 5% GDP. Dựa trên kết quả này, The Economist ước tính rằng mỗi người Mỹ đeo khẩu trang hàng ngày sẽ tránh cho nền kinh tế giảm 56,14 USD (khoảng 1,3 triệu đồng) – nếu so với giá 10.000 đồng cho mỗi chiếc khẩu trang thì điều này không tệ chút nào.
Những lợi ích kinh tế này gợi ý rằng các chính phủ nên cương quyết hơn để xoay chuyển những người dân còn chống đối việc đeo khẩu trang. Tại Anh, những người mua sắm không đeo khẩu trang có thể bị phạt từ 100 tới 3.200 bảng Anh (khoảng 3 triệu – 97 triệu đồng).
Tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người dân không đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt ở mức 200.000 đồng mỗi trường hợp. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Tuscany còn cung cấp khẩu trang miễn phí cho người dân. Có lẽ các chính phủ nên mạnh tay hơn nữa – ví dụ như trả tiền cho người dân để họ đeo khẩu trang.