Thông tin ngày 31/12/2021 là hạn chót để các thẻ ATM công nghệ từ đang hoạt động trên thị trường phải chuyển đổi sang thẻ chip, nếu không sẽ ngừng giao dịch - thu hút sự quan tâm của người dùng.
Phập phồng lo hết hạn
Trong thông báo gửi tới khách hàng, Ngân hàng (NH) TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết sẽ ngừng hỗ trợ thẻ ATM công nghệ từ. Cụ thể, những thẻ ATM có dải băng từ mặt sau (thẻ từ) sẽ bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Quy định này được TPBank đưa ra theo Thông tư 41 của NH Nhà nước. Để tiếp tục sử dụng thẻ ATM, NH này khuyến khích khách hàng đổi sang thẻ chip gắn contactless (phi tiếp xúc) ngay trên ứng dụng (app) TPBank với độ bảo mật được tăng cường, giúp ngăn tình trạng sao chép, gian lận và không lo bị đánh cắp thông tin.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, Thông tư 41 của NH Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 quy định về hoạt động thẻ NH, nêu rõ đến ngày 31/12/2021, có 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) tại điểm bán đang hoạt động ở Việt Nam của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Đồng thời, đến ngày 31/12/2021, có 100% số thẻ có BIN (mã số ấn định chung cho tất cả NH) do NH Nhà nước cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Các ngân hàng yêu cầu người sử dụng thẻ ATM bằng công nghệ từ phải chuyển sang thẻ ATM chip Ảnh: TẤN THẠNH
Song song đó, tại Thông tư 22 của NH Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 quy định về hoạt động thẻ NH, cũng nêu rõ từ ngày 31/3/2021, các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Thực tế, từ thời điểm 31/3/2021 đến nay, các NH thương mại đã ngừng phát hành thẻ ATM bằng công nghệ từ, chuyển sang phát hành thẻ ATM chip nội địa với độ bảo mật cao hơn, an toàn hơn.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn hàng triệu thẻ từ đang được lưu hành.
Chị Hà Thanh (nhân viên làm việc tại quận 3, TP HCM) cho biết cơ quan chị trả lương qua thẻ ATM và đây là thẻ từ. Hiện chị vẫn dùng thẻ này để giao dịch, rút tiền tại ATM nhưng không rõ sau thời điểm 31/12/2021, thẻ này có còn tiếp tục được sử dụng không?
"Nhiều người trong cơ quan tôi cũng băn khoăn về việc chuyển đổi, do chưa nhận được thông báo gì từ NH thương mại, cũng không biết chi phí chuyển đổi ra sao và trong quá trình đổi thẻ chip mới có bị gián đoạn giao dịch không?" - chị Thanh nói.
Tương tự, nhiều người dùng thẻ ATM chỉ để nhận lương hoặc mở thẻ cho cha mẹ ở quê để nhận tiền từ người thân, giờ nếu bắt buộc phải chuyển đổi sang thẻ chip thì quy trình thế nào? Nếu không chuyển đổi có bị khóa thẻ đang sử dụng không?...
Nhiều kênh cho người dùng chuyển thẻ chip
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết đến thời điểm hiện tại, NH đã hoàn tất việc nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ chip và ngưng phát hành thẻ từ ngay từ năm 2019.
Riêng về việc thẻ ATM công nghệ từ đã phát hành trước đó, khách hàng vẫn giao dịch đến thời điểm sau ngày 31/12/2021 và NH sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng giao dịch bình thường, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Quá trình chuyển đổi có nhiều khó khăn, nhiều khách hàng đồng ý sau khi NH phát hành xong lại không đến nhận thẻ chip mới. Hiện tỉ lệ chuyển đổi sang thẻ chip tại Sacombank đạt hơn 70%.
Tại NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), đại diện NH cho biết từ khi bắt đầu chuyển đổi thẻ chip nội địa, Techcombank đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ, khuyến khích khách hàng chuyển đổi; sử dụng nhiều kênh khác nhau hỗ trợ khách hàng đăng ký chuyển đổi như tại chi nhánh, qua trung tâm dịch vụ khách hàng, qua Ebanking...
Khi chuyển đổi sang thẻ chip, khách hàng có thể nhận trả thẻ qua bưu điện trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch, hạn chế di chuyển. Techcombank cũng miễn phí phát hành lại thẻ để khuyến khích khách hàng chuyển đổi sớm.
"Tính đến hết tháng 10/2021, NH đạt tỉ lệ chuyển đổi thẻ công nghệ chip ở mức khoảng 60%, dự kiến hết năm 2021, tỉ lệ chuyển đổi 66%-70% do một số nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt khách hàng vẫn chưa muốn chuyển đổi thẻ khi còn hạn, đang sử dụng" - đại diện Techcombank thông tin.
Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cả nước có khoảng 110 triệu thẻ NH. Trong đó, số lượng thẻ ATM công nghệ từ còn rất nhiều, vì tỉ lệ chuyển sang thẻ chip mới khoảng 30%-40%. Hội Thẻ Việt Nam thường xuyên khuyến cáo các NH đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng để giao dịch an toàn, bảo mật hơn.
Dù vậy, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip như quy định của NH Nhà nước là khó trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, tiến độ chuyển đổi thẻ chip bị chậm.
"Hội Thẻ Việt Nam sẽ kiến nghị NH Nhà nước lùi thời gian chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip và như vậy, các thẻ ATM công nghệ từ sau thời điểm 31/12/2021 của khách hàng đang lưu hành vẫn hoạt động bình thường" - ông Tuấn nói.
Nhiều NH thương mại cũng cho biết đã kiến nghị NH Nhà nước lùi hạn chót chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM từ đang lưu hành trên thị trường sang thẻ chip sau thời điểm 31/12/2021.
Bảo đảm quyền lợi chủ thẻ
Về việc một số khách hàng lo lắng chưa kịp chuyển đổi sang thẻ chip sau thời điểm 31-12-2021 sẽ gặp rủi ro, thẻ bị ngừng giao dịch, trả lời Báo Người Lao Động, ông Đào Minh Tuấn nhận định việc bảo đảm quyền lợi của chủ thẻ khi chưa chuyển sang thẻ chip là trách nhiệm của NH thương mại. Nếu không chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng, trường hợp khách hàng giao dịch phát sinh rủi ro, NH phải chịu trách nhiệm. Do đó, các NH thương mại cần truyền thông, khuyến khích để khách hàng thấy lợi ích bảo mật, an toàn của thẻ chip.
Bước tiến an toàn
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là định hướng của Chính phủ và NH Nhà nước đã được dự thảo từ những năm 2016-2017. Đây là một giải pháp quan trọng, cần thực hiện sớm để bảo đảm tính an toàn cho người sử dụng.
Chip là một bước tiến cao hơn so với thẻ công nghệ từ trong hoạt động kinh doanh thẻ. Với công nghệ thẻ chip, sẽ góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, sự an toàn cho khách hàng khi sử dụng.
Cụ thể, với công nghệ thẻ từ, toàn bộ thông tin khách hàng lưu trữ trên dải từ dưới dạng văn bản và được đọc qua đầu đọc khi quẹt thẻ hay cắm thẻ vào máy ATM. Kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp, sao chép thông tin và làm thẻ giả với các thiết bị ghi lén và trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.
Công nghệ chip với thông tin khách hàng đã được mã hóa sẽ giúp tăng cường tính bảo mật của thông tin và đây là lý do tại sao trên toàn cầu, việc áp dụng công nghệ chip đã được thực hiện và bắt buộc triển khai từ rất lâu. Đây cũng chính là bảo vệ quyền lợi của khách hàng và của chính NH.
Chính sách quy định bắt buộc chuyển đổi thẻ từ của NH Nhà nước là cần thiết. Chuyển đổi chip không chỉ là việc tuân thủ theo quy định, còn hướng đến sự an toàn chung cho cả thị trường.
Với mục tiêu phát triển công cụ thanh toán hiện đại và bắt kịp xu thế công nghệ phát triển của thị trường, nhất là khi yếu tố "địa lý" không còn là rào cản thì Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật chip, quy định không chỉ với chuyển đổi thẻ, thực hiện áp dụng với cả hệ thống chấp nhận thanh toán, là yếu tố để thị trường phát triển đồng đều và hướng đến mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt an toàn trên cả nước.
Sau ngày 31/12/2021, khách hàng sở hữu thẻ nội địa chưa chuyển đổi công nghệ chip vẫn có thể sử dụng thẻ công nghệ từ nhưng sẽ có một số ít phụ thuộc vào chính sách chấp nhận thẻ của từng NH thanh toán dựa trên bộ tiêu chuẩn thành viên Napas quy định.
Vì vậy, việc ban hành quy định chuyển đổi trách nhiệm của Napas đang đưa ra sẽ là yếu tố để các NH thương mại phân định rõ khi có rủi ro phát sinh.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi và chính sách chấp nhận giao dịch tạo điều kiện hơn cho các NH trong việc tiếp tục phục vụ khách hàng chung của nhau, kể cả họ tiếp tục dùng thẻ từ để giao dịch. Đây cũng là chính sách mà các tổ chức thẻ quốc tế VISA/Master đã áp dụng từ năm 2005 đến nay.
Đặng Công Hoàn (Phó Giám đốc Khối NH bán lẻ Techcombank)