Thầy giáo trường chuyên: 'Áp lực lớn nhất của giáo viên là cơm, áo, gạo, tiền'

BÁ DUY |

"Khi chọn nghề giáo, hầu hết đều chấp nhận thu thập ở mức cơ bản, nhưng hiện nay, áp lực lớn nhất đối với nhà giáo là cơm, áo, gạo, tiền", thầy giáo chia sẻ.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh học (trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ), một trong 68 giáo viên vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 đã có những trải lòng về nghề giáo cũng như làm thế nào để xây dựng được môi trường giáo dục hạnh phúc.

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ngày 16/11, thầy Khánh bày tỏ, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, người thầy rất cần được trân trọng, được bảo vệ, được hỗ trợ, chia sẻ và kết nối.

Khi mạng xã hội bùng nổ, thông tin được chia sẻ nhiều chiều, chỉ một sơ suất nhỏ người thầy có thể đánh mất đi vị thế và sự nghiệp của mình. “Tôi mong muốn xã hội có sự thấu cảm, chia sẻ cùng với thầy cô. Có thể một vài tình huống không hay xảy ra nhưng nó không đại diện cho toàn bộ hình ảnh giáo viên, cho toàn bộ hệ thống giáo dục” , thầy Khánh nói.

Thầy giáo trường chuyên: Áp lực lớn nhất của giáo viên là cơm, áo, gạo, tiền - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh.

Dù khi chọn nghề giáo, hầu hết giáo viên đều chấp nhận thu thập ở mức cơ bản nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, áp lực lớn nhất với nhà giáo là "cơm, áo, gạo, tiền". Trong thời gian tới nếu chưa thể cải thiện được thu nhập, lương bổng, thầy Khánh cho rằng, giáo viên cần được cải thiện điều kiện, môi trường làm việc.

“Giáo viên chịu nhiều áp lực về sổ sách, giấy tờ cùng nhiều công việc vô hình khác và họ không có nhiều thời gian dành cho gia đình, bản thân. Điều tôi mong muốn là giáo viên cần môi trường giáo dục hạnh phúc” , thầy Khánh bày tỏ.

Một môi trường giáo dục hạnh phúc, theo thầy Nguyễn Duy Khánh đó là môi trường mà cả học sinh, giáo viên, quản lý trường học đến phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc. Học sinh được học những điều mình thích, háo hức được đến trường mỗi ngày mà không thấy áp lực bởi điểm số, thi cử. Học sinh cần được giảm bớt áp lực học tập, các kiến thức hàn lâm và thay vào đó được học nhiều hơn về sự quan tâm đến cộng đồng, tăng giáo dục trải nghiệm, giáo dục thực tế, giáo dục địa phương.

Đối với giáo viên, thầy Khánh cho rằng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ bản, giáo viên rất cần được giảm bớt các công việc hành chính, sổ sách. Làm thế nào để người thầy có thời gian tích lũy kiến thức, trau dồi chuyên môn, phát triển bản thân và đặc biệt có điều kiện để quan tâm đến từng học sinh.

Riêng với lãnh đạo trường học, thầy Nguyễn Duy Khánh khẳng định, các hiệu trưởng cũng rất cần được cởi bỏ những áp lực thành tích.

“Nhiều thành tích thi đua là vô nghĩa và làm cho lãnh đạo trường học luôn cảm thấy áp lực khi phải gồng gánh nhiều chỉ số báo cáo thành tích hằng năm. Chỉ khi lãnh đạo trường học hạnh phúc, nở nụ cười mỗi ngày đến trường thì học sinh, giáo viên ở môi trường giáo dục đó mới hạnh phúc”, thầy Khánh nhấn mạnh.

Theo thầy Khánh, những điều mà thầy suy nghĩ về môi trường giáo dục hạnh phúc không hề viển vông mà nó hoàn toàn có thể thực hiện trong thực tiễn giáo dục nếu học sinh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh biết cách điều chỉnh hành vi, thái độ.

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ngày 16/11, khi chia sẻ về những khó khăn trong công tác dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thầy Kim Thành Phong, giáo viên Trường THPT Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) bày tỏ 3 nguyện vọng: cải thiện phòng học, bàn ghế trường học; có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc để các em tập trung học hành; có thêm chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa.

"Tôi không kỳ vọng có thể được tăng lương, chỉ mong có chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng giáo viên để an tâm giảng dạy, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế" , thầy Phong nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại