Ông chính là Chu Văn An, được người đời suy tôn là "vạn thế sư biểu" - người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Chu Văn An sinh ra trong gia đình nghèo ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì, Hà Nội). Sinh thời, Chu Văn An xác định đi học để làm nghề dạy học. Khi được thầy khuyên bảo, ông xách lều chõng đi thi và đỗ thái học sinh (tiến sĩ).
Dù đỗ đạt cao, Chu Văn An từ chối làm quan, về nhà mở trường dạy học. Với ông, giáo dục là quốc sách hàng đầu như khi trả lời vua Trần Minh Tông: “Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Xin bệ hạ cho thần được về nhà mở trường dạy học, góp phần bồi bổ sự học của nước nhà” .
Được nhà vua chuẩn tấu, ông về mở trường bên sông Tô Lịch dạy học. Phẩm giá, đức độ, danh tiếng của thầy không ngừng vang xa. Học trò tứ phương lũ lượt kéo về xin học.
Trở thành thầy giáo, Chu Văn An phát động cuộc cải cách giáo dục đúng nghĩa. Ông bắt tay vào soạn bộ Tứ thư thuyết ước, gồm 10 quyển. Đây chính là bộ giáo trình giảng dạy đầu tiên của nước ta. Ông cũng là người khởi xướng chủ trương học đi đôi với hành, như chính lời ông nói: “Học chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có làm mới biết nhưng cái biết trong cái làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc”.
Tiếng thơm vang đến kinh thành, quan tư đồ Trần Nguyên Đán trực tiếp đến thọ giáo. Vua Trần Minh Tông thêm một lần mời ông ra giúp nước, lần này không phải để làm quan mà là dạy học. Được tin Chu Văn An nhận lời, vua Trần Minh Tông mừng rỡ, giao giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Mấy chục năm làm việc ở Quốc Tử Giám, Chu Văn An cống hiến hết mình cho giáo dục. Bên cạnh những học trò xuất sắc như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, ông trực tiếp giảng dạy cho rất nhiều hoàng tử. Bốn người trong số đó sau này lên ngôi vua, gồm vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông.
Theo sách Những người thầy trong sử Việt, tể tướng Phạm Sư Mạnh một lần về thăm thầy, gặp phiên chợ quê, người mua kẻ bán tấp nập. Để dọn đường cho kiệu quan đi qua, quân lính vung roi, thét loa huyên náo cả vùng.
Chuyện đến tai thầy Chu, lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông chỉ thẳng vào mặt và trách rằng: "Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ, thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu lên nhìn mọi người?". Nói rồi, ông phủi áo đi vào nhà trong. Tể tướng Phạm Sư Mạnh vừa sợ, vừa ân hận, cứ quỳ gối bên hiên chờ thầy tha lỗi, rồi mới dám về.
Từ đó về sau, mỗi khi về thăm thầy, quan hành khiển chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như người dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.
Khi Trần Dụ Tông lên ngôi, vua ham thích vui chơi, trễ nải việc chính trị, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, đời sống nhân dân khổ cực cơ hàn, đất nước suy vong. Trước thảm cảnh đau lòng ấy, Chu Văn An dâng “thất trảm sớ”, đòi chém đầu 7 tên nịnh thần trong triều được vua sủng ái.
Khi không nhận được hồi âm, biết tình hình không thể lay chuyển, Chu Văn An treo áo mũ ở cửa Huyền Vũ (phía Bắc thành Thăng Long), cáo quan về núi Phượng Hoàng ở Chí Linh, Hải Dương quy ẩn. Ông sống những năm tháng cuối cùng ở đây với biệt danh Tiều Ẩn (tiều phu ẩn dật trong rừng).
Tuy ở chốn lâm tuyền nhưng tấm lòng người thầy giáo vẫn đau đáu vận mệnh quốc gia. Triều đình cũng không quên nhân tài mẫu mực. Khi triều chính có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế Chu Văn An đều tâu bày thẳng thắn, hy vọng giữ vững kỉ cương, làm cho quốc thái, dân an.
Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, Chu Văn An tuy tuổi đã cao, ông vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gì ông cũng không nhận.
Ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Chu Văn An mất tại nhà riêng, thọ 79 tuổi.