Thầy giáo bị khiển trách vì phạt HS thụt dầu, có quá nặng?

NGUYỄN QUYÊN |

Nhiều giáo viên băn khoăn trước việc xử lý kỷ luật thầy giáo.

Sáng 5-5, ông Lê Ngọc Khanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa, Long An, xác nhận với PV sự việc trên. Theo ông Khanh, sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Long An.

Theo đó, vào giờ thể dục, 13 học sinh không đem theo quả cầu nên thầy Nguyễn Việt Hưng phạt các em thụt dầu.

Liên quan hình thức xử lý kỷ luật đối với thầy Hưng, ông Lê Văn Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau khi phụ huynh phản ánh, thầy Hưng cũng đã đến gia đình xin lỗi. Hội đồng sư phạm nhà trường đã kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở để thầy không còn sử dụng hình phạt trên.

Thế nhưng sau đó phụ huynh lại tiếp tục gửi đơn lên chính quyền địa phương. Trước tình hình đó, nhà trường đã họp bàn và đưa ra hình thức kỷ luật theo đúng quy định của ngành giáo dục

“Quy định về đạo đức nhà giáo có nêu rõ giáo viên không được xúc phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người học. Thế nhưng thầy Hưng đã vi phạm khi phạt học sinh thụt dầu.

Ngoài ra, nhà trường còn căn cứ theo Nghị định 27 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức. Căn cứ vào những quy định trên, sáng 2-5, trường đã thành lập hội đồng kỷ luật, thống nhất kỷ luật thầy Hưng ở mức độ khiển trách”.

“Bản thân là hiệu trưởng, tôi cũng không muốn phải xử lý kỷ luật đối với nhân viên của mình. Nhưng một khi họ đã vi phạm khiến phụ huynh phải khiếu nại, tố cáo, tôi cũng phải xử lý theo luật” - ông Đức nói.

Trước thông tin thầy giáo bị kỷ luật khiển trách vì phạt học sinh thụt dầu, nhiều nhà giáo đã bày tỏ sự trăn trở.

Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Trường THPT Tenlơman, quận 1, nói: “Bản thân tôi không đồng tình với mức xử lý kỷ luật mà thầy Hưng phải chịu.

Nói hình phạt thụt dầu nhưng thực tế giống như một bài tập rèn luyện thể lực, hơn nữa đây lại là giờ thể dục. Mong muốn của giáo viên lúc nào cũng muốn tốt cho học sinh.

Nếu nhà trường trao quyền cho phụ huynh, học sinh quá nhiều thì giáo viên sẽ không còn biết phải giáo dục như thế nào khi các em vi phạm”.

Tương tự, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, bày tỏ: Hiện nay vì tác động của dư luận nên trước một sự việc xảy ra, một số lãnh đạo nhà trường có suy nghĩ nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến trường.

Cho nên đôi khi có những lãnh đạo họ chọn giải pháp an toàn là kỷ luật khiển trách. Thế nhưng khiển trách cũng là một trong ba mức độ kỷ luật. Khi bị kỷ luật, ngoài việc họ bị cắt thi đua của năm học đó, giáo viên còn bị ghi vào hồ sơ, không được tăng lương và còn rất nhiều hệ lụy đằng sau.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, nói: “Tại sao trường không tổ chức một cuộc họp có sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và thầy thể dục? Dựa trên ý kiến các bên, nhà trường hãy đưa ra quyết định của mình về việc xử lý thầy giáo.

Sự việc ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn ở cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề của nhà quản lý. Nhưng ở đây, tôi thấy việc xử lý kỷ luật ở mức khiển trách là quá nặng đối với thầy giáo”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại