Tâm lý thích khoe mẽ khiến vàng thau lẫn lộn
Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa công khai hơn 14.000 trang thông tin sao kê danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tính đến ngày 13/9/2024.
Danh sách thống kê chi tiết về ngày chuyển tiền, số tiền chuyển cũng như nội dung giao dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong những ngày tới.
Công chúng cũng kiểm tra thông tin về số tiền ủng hộ của nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng. Từ những trang sao kê công khai, nhiều tài khoản mạng xã hội bị cộng đồng mạng tố "sống ảo", cắt ghép thay đổi số tiền chuyển khoản từ vài chục nghìn lên vài chục triệu đồng, thậm chỉ cả tỷ đồng nhằm khoe mẽ.
Một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như KOL, TikToker cũng bị phát hiện có hành động thiếu trung thực. Sáng 13/9 chủ kênh Việt Anh Pí Po đăng bài xin lỗi vì cố ý che số tiền ủng hộ "hững hờ" để người xem hiểu lầm.
Dương Anh - người nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư điện tử - bị khui chuyển khoản 10.000 đồng nhưng chỉnh sửa thành 100 triệu đồng. Trước làn sóng phản đối của cư dân mạng, người này đã khóa tài khoản Facebook.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ với Tiền Phong xoay quanh câu chuyện "phông bạt" tiền chuyển khoản đang gây ồn ào mạng xã hội. Ông Phạm Ngọc Trung cho rằng vấn đề này có thể xem xét theo nhiều khía cạnh. Lý do cắt ghép số tiền rồi tung ảnh chuyển khoản giả lên mạng xuất phát từ tâm lý thích khoe mẽ, ham thể hiện của một số người.
"Có người nhân cơ hội này muốn khoe năng lực tài chính, khoe mình có lòng bao dung. Một số người lại xuất phát từ suy nghĩ thích đùa giỡn, ưa đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn ở chỗ không ít người có hành vi lừa đảo , thông qua việc chuyển khoản để gây dựng uy tín sau đó tư lợi", chuyên gia phân tích.
Hàng chục, hàng trăm cá nhân, tập thể bị phát hiện lừa dối gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn và dấy lên tâm lý hồ nghi trong cộng đồng mạng. Người dân đang ở vùng lũ khi nghe được những thông tin này cũng cảm thấy hoang mang.
"Rất đáng buồn khi những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng cũng có hành vi không trung thực. Họ duy trì sự nổi tiếng nhờ mạng xã hội và có thể nhân cơ hội này có thêm lượt tương tác, theo dõi. Vì mục đích cá nhân, họ đánh mất giá trị đạo đức, quên trách nhiệm của công dân đối với đồng bào, đất nước. Đó cũng là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết pháp luật", chuyên gia văn hóa nhận định.
Cẩn trọng với trào lưu bóc phốt
Một vài ngày trở lại đây, các hội nhóm Facebook kiểm tra sao kê như "Hồ sơ sao kê mùa bão lũ 2024", "Check sao kê, phông bạt, lừa đảo"... thu hút hàng nghìn người tham gia.
Những cuộc tranh cãi, công kích liên quan đến chủ đề chuyển khoản thật hay giả nóng hơn bao giờ hết.
Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng đó là tình trạng dễ hiểu bởi những phát ngôn mạng xã hội không dễ kiểm soát. Điều quan trọng là những người trong cuộc tranh cãi ứng xử có văn hóa hay không.
"Khi phát hiện hành vi lừa dối, cần lên án, phê phán một cách văn minh, đồng thời báo cho cơ quan chức năng. Người dùng mạng xã hội nên tránh bị cuốn vào những cuộc bóc phốt qua lại bởi sẽ xuất hiện tình trạng lợi dụng tâm lý đám đông để đánh bóng tên tuổi. Sự tác động qua lại trên mạng xã hội rất ghê gớm, có thể dẫn từ cái sai này đến cái sai khác", chuyên gia nói.
Những ngày này, thông tin tích cực cần được lan tỏa. Những tấm gương thực hiện nghĩa cử cao đẹp vì đồng bào càng phải được nhân lên. Phía sau bàn phím phải là người dùng mạng xã hội văn minh, tỉnh táo.
Ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - khẳng định giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn là truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam. Sự chung tay của mỗi người tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh.
"Không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít, miễn là từ tâm. Cắt ghép biên lai chuyển tiền là hành vi vừa vi phạm đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật. Việc làm này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, tạo nên những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận, quản lý tiền", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả, hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư cho biết nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa biên lai chuyển tiền đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.
Trường hợp hành vi chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Những thông tin tích cực, nghĩa đồng bào cao đẹp cần được lan tỏa. Ảnh: Nguyễn Thắng.Trong thời điểm cả nước hướng về người dân vùng lũ, những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn kịp thời. PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin và truyền thông có biện pháp loại bỏ những thông tin tiêu cực, sai sự thật, giữ sự văn minh trên không gian mạng.
"Công tác cứu trợ người dân rất cần sự hậu thuẫn của tình đoàn kết, trên dưới một lòng", ông Phạm Ngọc Trung nêu.