Trong những ngày qua, lãi suất cho vay một số ngân hàng đã về mức 0% nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay tiền, một phần là giải quyết nguồn vốn huy động còn dư thừa chưa cho vay được, một phần là cố gắng cán đích mục tiêu tăng trưởng tín dụng để năm sau có thể được cấp room nhiều hơn. Thậm chí theo khảo sát các ngân hàng còn khuyến khích doanh nghiệp vay trong năm nay mặc dù chưa có nhu cầu, vì nguồn vốn đang dư thừa quá nhiều và cũng vì muốn đạt được một mức room tín dụng cao cho năm sau nên lãi suất mới xuống mức %, điều chưa từng có tiền tệ ở Việt Nam từ trước đến nay.
Ngân hàng cho vay lãi suất 0% tại Việt Nam mới chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mang tính chất kích cầu cho vay trong ngắn hạn, song đây cũng là câu chuyện có nhiều vấn đề cần luu ý.
Việc lãi suất 0% không phải là trường hợp hy hữu trên thế giới khi mà chúng ta đã chứng kiến rất nhiều quốc gia rơi vào tình trạng này trong lịch sử.
Chẳng hạn như Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2009, nền kinh tế rơi vào suy thoái và buộc Fed phải liên tục giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên sức cầu quá yếu đã làm cho chính sách tiền tệ dường như bị mất tính hiệu quả khi mà lãi suất về đến 0% nhưng thất nghiệp vẫn ở mức cao và nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục.
Ngưỡng 0% được xem như là ngưỡng chí tử của chính sách tiền tệ, bởi lãi suất danh nghĩa chỉ có thể về 0% chứ không thể có lãi suất danh nghĩa âm, trừ trường hợp đặc biệt ở một số nước châu Âu sau đó lãi suất có lúc về mức âm 0,25% (việc lãi suất tiết kiệm âm tức người gửi tiền phải trả thêm phí gửi tiền cho ngân hàng, còn lãi suất cho vay âm tức người cho vay phải trả thêm tiền cho người vay). Những tình huống này đều khó xảy ra trong thực tế bởi nếu vậy thì chúng ta thà giữ tiền (thuyết ưa thích tiền mặt) còn hơn là đi gửi tiết kiệm hay cho vay với lãi suất âm.
Do vậy, mức 0% xem như là mức mà NHTW có tiếp tục nới lỏng, tăng cung tiền hơn nữa cũng không có tác dụng vì lãi suất chỉ có thể xoay quanh mức 0% chứ không thể âm nhiều được.
Trường hợp tương tự và cũng nhận thấy rõ nhất là ở Nhật Bản, khi mà lãi suất của họ luôn ở mức tiệm cận 0%, chính sách tiền tệ dường như tê liệt. Cựu Thủ tướng Nhật Bản - ông Abe Shinzo đưa ra các học thuyết về kinh tế học của mình (thường được gọi Abenomic) với các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tiền trực thăng nhưng cũng không giúp Nhật Bản thoát khỏi giảm phát và bẫy thanh khoản trên.
Mỹ may mắn hơn Nhật khi đã thoát ra được mức 0% nhờ vào các gói nới lỏng định lượng dài hạn, tức không chỉ tác động đến lãi suất ngắn hạn mà họ còn tác động đến lãi suất trong dài hạn để cam kết kích hỗ trợ lãi suất thấp trong dài hạn cho doanh nghiệp và người dân. Điều này đã giúp cho niềm tin quay trở lại, mọi người mạnh dạn hơn trong chi tiêu, sức cầu hồi phục và sản lượng từ đó tăng kèm theo đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Đối với Việt Nam hiện tại, việc lãi suất danh nghĩa có thể về 0% và sự nguy hiểm của nó với nền kinh tế khi chúng ta có thể vướng vào bẫy thanh khoản đã từng được cảnh báo.. Khi sức cầu tiêu dùng và cầu tín dụng yếu thì có tăng cung tiền cũng không có tác dụng, mà hệ quả là lãi suất về tiệm cận mức 0% và lúc này chính sách tiền tệ có nới lỏng thêm cũng không có tác dụng nhiều.
Theo tôi, cũng không quá bất ngờ bởi duy trì chính sách nới lỏng quá lâu mà nền kinh tế không hấp thụ tốt thì lãi suất sẽ giảm về mức 0% như trong lịch sử các nước trên thế giới. Song, tôi đánh giá nhờ kỳ vọng vào việc giảm lãi suất của Fed, sức cầu thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt, qua đó cầu tín dụng gia tăng và Việt Nam không rơi vào tình trạng như của Mỹ, châu Âu hay Nhật bản. Nguyên nhân là dư địa tăng trưởng Việt Nam còn nhiều giống như các nước mới nổi chứ không phải giống như các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên tránh việc đi theo vết xe đổ của họ và cần phải điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc trung lập, tức cung tiền vừa đủ theo nhu cầu của nền kinh tế, nếu nền kinh tế không hấp thụ hết thì nên hút bớt tiền về theo hướng bơm hút linh hoạt cùng tín hiệu thị trường. Đừng vì mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn mà làm ảnh hưởng đến sự ổn định cũng như tăng trưởng trong dài hạn.
Lưu ý không phải cứ tăng cung tiền là kinh tế tăng trưởng, bởi tính trung lập của chính sách tiền tệ trong dài hạn cũng như các biến số thực của nền kinh tế như sản lượng hay tỷ lệ thất nghiệp sẽ không phụ thuộc vào cung tiền danh nghĩa trong dài hạn. Việc tăng cung tiền chỉ có tác dụng kích thích kinh tế trong ngắn hạn khi nó tác động lên lượng cầu hàng hóa và dịch vụ từ đó tác động lên sản lượng ngắn hạn, nhưng lạm dụng cung tiền quá nhiều không những không thúc đẩy tăng trưởng mà còn có thể gây ra lạm phát cao trong nền kinh tế, hoặc đưa nền kinh tế vào suy thoái và bẫy thanh khoản khi sức cầu yếu và không thể hấp thụ được.
Nếu chỉ tăng cung tiền có thể giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong dài hạn thì chắc hẳn tất cả các quốc gia đều giàu có cả rồi. Chính sách tiền tệ không phải là cây đũa thần, và bất kể NHNN theo đuổi chính sách như thế nào thì sản lượng và thất nghiệp luôn ở mức tự nhiên của chúng trong dài hạn.
* PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM.