Thấy gì qua thương vụ bán vốn BIDV cho KEB Hana Bank?

Ngân Giang |

Sau gần 2 năm chờ đợi, BIDV đã được Chính phủ chấp thuận đề án phát hành 17,65% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana Bank với tư cách là đối tác chiến lược.

NHNN giảm tỷ lệ sở hữu xuống 80,99%

Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ 603.302.706 cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank để nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Số cổ phần phát hành tương đương 17,65% số lượng cổ phiếu lưu hành hiện nay và bằng 15% vốn điều lệ mới sau khi phát hành.

Sau khi phát hành, tỷ lệ sở hữu của NHNN tại BIDV sẽ giảm xuống còn 80,99% từ 95,28% hiện nay. Tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược là 15%. Còn lại 4,01% thuộc sở hữu của các NĐT khác.

Cổ phiếu phát hành cho KEB Hana Bank sẽ được hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm theo quy định hiện hành về đối tác chiến lược. Thời gian thực hiện là từ quý 4/2018 đến 2019.

Hiện vẫn chưa xác định mức giá phát hành cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, giá phát hành có thể được xác định dựa trên giá bình quân 10 phiên trong vòng 6 tháng kể từ ngày có phương án chấp thuận bán cổ phần và không được thấp hơn giá trị số sách gần nhất và định giá của một đơn vị định giá độc lập.

Với thị giá đang là 30.000 đồng/cổ phiếu, giá trị thương vụ tương đương 30% vốn cấp 1 của BIDV (61.000 tỷ đồng) và tạo ra dư địa để BIDV huy động thêm 9.000 tỷ đồng vốn cấp 2 bằng trái phiếu (bằng 50% số vốn cấp 1 tăng thêm) trong bối cảnh BIDV đã không còn dư địa để phát hành trái phiếu nâng vốn cấp 2 kể từ năm 2017.

Thấy gì qua thương vụ bán vốn BIDV cho KEB Hana Bank? - Ảnh 1.

Soi kết quả 9 tháng: Hơn 3000 tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh

BIDV mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng hợp nhất với lợi nhuận trước thuế đạt 7.254 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Cho vay khách hàng tăng 11,75% so với đầu năm đạt 968 nghìn tỷ đồng. NHNN đã chấp thuận để BIDV được tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng cũng tăng 10,9% so với đầu năm đạt 953 nghìn tỷ đồng.

Chi phí dự phòng tăng 20,85% lên 14.365 tỷ đồng. BIDV bắt đầu tích cực trích lập dự phòng từ năm 2017 với mục tiêu trích lập hết cho trái phiếu VAMC trong năm 2019 và cho phần lớn nợ xấu trong năm 2020. Trong đó, 13.484 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu thông thường (tăng 69,86% so với cùng kỳ).

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 1,76% (cuối năm 2017 là 1,61%). Điều này đồng nghĩa với việc đã có 3.091 tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu được đưa vào nợ nhóm 4 và nhóm 5. Tuy nhiên nợ nhóm 2 giảm từ 3,49% xuống còn 2,74% tổng dư nợ; tương đương giảm 3.727 tỷ đồng.

BIDV đã xóa tổng cộng 11.038 tỷ đồng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm, tăng 169,35% so với cùng kỳ, tương đương 1,14% dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý 3/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại