Thay đổi không tưởng về tiêu thụ rượu bia sau một năm Covid-19 và Nghị định 100 có hiệu lực

Thái Quỳnh |

Sau một năm áp dụng Nghị định 100, lượng tiêu thụ rượu, bia bình quân của Việt Nam... tăng bất chấp việc các hàng quán bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19.

Năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ rượu toàn cầu đang có xu hướng tăng, điển hình là tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Lượng tiêu thụ rượu tăng 34% ở Đông Nam Á trong 7 năm từ 2010-2017.

Với trung bình 15 lít rượu nguyên chất được tiêu thụ trên mỗi người lớn hàng năm tính đến năm 2017, Moldova là quốc gia có mức độ cao nhất. Kuwait là quốc gia tiêu thụ ít rượu nhất, trung bình 0,005 lít mỗi năm.

Tổng lượng rượu tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm đã tăng 70% từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào năm 2017. Thậm chí, dự báo đến năm 2030, châu Âu sẽ không còn là khu vực có mức tiêu thụ rượu cao nhất nữa. Theo xu hướng giai đoạn 2010-2017, lượng tiêu thụ tăng mạnh nhất ở Việt Nam, gần 90% kể từ năm 2010.

Ngày 1/1/2020, Nghị định 100, với các quy định về phòng chống tác hại rượu bia đã có hiệu lực. Nghị định này tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đáng chú ý, đầu năm 2020, khi nghị định này chính thức có hiệu lực, Bloomberg đã dự đoán mức tiêu thụ bia giảm ít nhất là 25%. Mặt khác, nhiều công ty sản xuất rượu, bia cũng công bố mức doanh thu năm 2020 giảm khá mạnh so với các năm trước.

Ngoài Nghị định 100, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ký ban hành ngày 28/9/2020 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế nghị định 176) cũng đã có một phần các quy định về phòng chống tác hại rượu bia. Đặc biệt là đã có mức phạt đối với cả hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.

Điều 30 của Nghị định 117 quy định mức phạt như sau:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.

Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

Các hành vi như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tâp và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng

Điều 34 của Nghị định quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phạt 3-5 triệu đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Tuy nhiên, theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia năm 2020 đã tăng lên cao hơn hẳn, cho dù đây là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 100, cũng như việc các quán bia, rượu chịu ảnh hưởng liên tục của Covid-19.

Lượng tiêu thụ tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Như vậy nếu tính bình quân năm 2020, mỗi người Việt Nam tiêu thụ tới 15,6 lít rượu, bia.

Thay đổi không tưởng về tiêu thụ rượu bia sau một năm Covid-19 và Nghị định 100 có hiệu lực - Ảnh 2.

Nguồn dữ liệu: Khảo sát mức sống dân cư năm 2020

Trước đó, trong suốt giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, lượng tiêu thụ rượu bia bình quân hầu như không thay đổi nhiều. Mức tiêu thụ bình quân giao động từ 0,9 đến 1 lít/người/tháng).

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ mặt hàng này cũng có xu hướng tăng theo thu nhập. Tiêu thụ rượu, bia của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).

Theo Euromonitor International, tầng lớp trung lưu và dân số trẻ của Việt Nam đã thúc đẩy mức tiêu thụ bia tăng vọt tới 284% trong giai đoạn 2004-2018. Đây là một trong những lý do khiến Thai Beverage Pcl's mua lại 4,8 tỷ USD cổ phần của Tổng công ty cổ phần bia - rượu- nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vài năm trước đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại