Mới chỉ hơn 30 tuổi, Kim Yo-jong là người thân duy nhất của Chủ tịch Kim hiện đang công khai đảm nhận một vị trí trong chính giới Triều Tiên.
Trong hai năm 2018-19, bà Kim nhận được sự chú ý của thế giới khi dẫn đầu một đoàn đại biểu Triều Tiên tới dự Thế vận hội Mùa đồng 2018 tại Pyongyang, Hàn Quốc. Sau đó, bà thường xuất hiện với sứ mệnh chính là đảm bảo cho mọi thứ xoay quanh anh trai mình diễn ra một cách hoàn hảo nhất có thể, bao gồm cả việc giữ gạt tàn cho ông Kim tại một ga tàu trong chuyến đi tới Việt Nam tham dự thượng đỉnh Mỹ-Triều với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, năm nay sự hiện diện của bà Kim trở nên rõ ràng và công khai hơn, khiến vị thế và tầm ảnh hưởng của bà tại Triều Tiên ngày càng lớn mạnh.
"Trước đây, bà Kim Yong-jong được truyền thông khắc họa là em gái của Kim Jong-un, nhân viên hậu cần hoặc một trong những quan chức tháp tùng", bà Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích tình báo Triều Tiên trong chính phủ Mỹ, nhận định. "Hiện tại, người Triều Tiên biết rằng có nhiều điều về bà Kim hơn thế".
Bà Kim Yo-jong từng đứng phía sau các cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên – một vai trò dẫn tới quyết định của Mỹ đưa bà vào danh sách trừng phạt vào năm 2017 dành cho các quan chức cấp cao bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Hồi tháng 3, truyền thông Triều Tiên đăng tải thông cáo đầu tiên của bà Kim, trong đó bà chỉ trích chính quyền Hàn Quốc. Kể từ đó, bà liên tục có những bài viết, thông cáo trên truyền thông, bao gồm cả lời đáp trả những phát biểu của Tổng thống Trump. Tuần trước, bà Kim cũng đưa ra lời cảnh báo rằng Triều Tiên muốn cắt liên lạc với Hàn Quốc.
Theo nhà phân tích Lee, các thông điệp của bà Kim mang phong cách đặc biệt, cho thấy sự khéo léo và nhấn mạnh cả vị thế quyền lực của bà.
"Ngoài những từ ngữ cứng rắn và mỉa mai, chúng có thể rất khôn khéo một cách chua cay theo cách mà các thông điệp khác chưa từng có", bà Lee nhận xét.
Khi truyền thông Triều Tiên công bố hôm thứ 3 (9/6) rằng đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên sẽ bị ngưng hoạt động, bà Kim Yo-jong và một chính trị gia theo trường phái cứng rắn khác là ông Kim Yong-chol được cho là đã "ăn mừng" quyết định trong một cuộc họp.
Theo chuyên gia về Triều Tiên từ tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Stimson là ông Michael Madden, sự giải thích hiếm hoi về quy trình làm chính sách lần này đã khắc họa bà Kim như "một người rất độc lập". Điều đó có thể sẽ khiến các nhà phân tích quốc tế phải thay đổi cách nhìn, sau khi từng hoài nghi về ảnh hưởng của bà trong một xã hội mà nam giới chiếm ưu thế tại Triều Tiên.
"Họ rõ ràng có kỳ vọng rất cao dành cho bày ấy", ông Madden nói. "Không cần phải là nhà lãnh đạo tiếp theo mà là người nắm quyền chi phối mọi thứ".