Thấy cô giáo báo con trộm đồ của bạn, cha mẹ tức tốc 'tố cáo' trẻ đến đồn công an nhưng hóa ra việc này gây ra hậu quả khôn lường

Vân Trang |

Không phải cha mẹ nào cũng có cách giải quyết tinh tế khi thấy con mình trộm đồ. Chỉ cần một lời nói không tinh tế, một câu trách móc nặng nề có thể gây thương tổn đến tâm lý trẻ cả đời.

Nhiều người thường đánh đồng việc con cầm nhầm đồ của bạn là ăn cắp vì suy nghĩ rằng không tự dưng một đứa trẻ lại có thể cầm nhầm của bạn được. Tuy nhiên đứa trẻ lúc này lại càng cần sự thấu hiểu và tâm lý vì chỉ một lời không tinh tế buông ra thì đã gián tiếp làm mất đi sự tự trọng của con.

Mới đây, chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ một câu chuyện của về cách ứng xử của cha mẹ khi nghe cô giáo báo về việc con lấy mất chiếc bàn đánh răng của bạn. Bố mẹ đã "thông đồng" với nhau, dẫn con trai lên đồn công an để dọa cậu bé sợ.

Cách làm này tuy hiệu quả nhưng theo chị Phan Hồ Điệp lại có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con vì trải nghiệm tiếp xúc với công an không hề vui vẻ và bạn thân cậu bé sau này cũng có thể nhận ra mình đã từng là "trò đùa" của cha mẹ. Bên cạnh đó, chị Điệp cũng gợi ý cho cha mẹ những cách xử lý tinh thế hơn.

Thấy cô giáo báo con trộm đồ của bạn, cha mẹ tức tốc tố cáo trẻ đến đồn công an nhưng hóa ra việc này gây ra hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Chị Phan Hồ Điệp nổi tiếng trong giới phụ huynh khi là người đứng đằng sau thành công của con trai Đỗ Nhật Nam.

Hôm nay cô giáo gọi điện cho bố A nói về việc, A đã lấy của bạn cùng lớp một cái bàn chải đánh răng.

A năm nay 7 tuổi. Bố A mặc dù bất ngờ nhưng khi A về, bố chỉ nghiêm giọng bảo: "Bố đã nghe chuyện ở lớp của con rồi. Giờ con đi cùng bố đến đồn công an nhé!". Mẹ A núp trong nhà bấm bụng cười. Vì đó là kế hoạch hai vợ chồng vừa bàn.

A run rẩy lên xe của bố. Bố chở đến đồn công an thật và dẫn vào gặp chú cảnh sát (là người quen của bố mẹ mà A không biết).

Chú cảnh sát nhìn A rồi nói rất nhẹ nhàng: "Chú nói chuyện với cháu nhé! Đừng sợ!". A khe khẽ gật đầu.

- Tại sao cháu lại lấy bàn chải của bạn?

- Vì nó đẹp ạ - A lí nhí.

- Thế bây giờ, vì chú thấy đôi giày của cháu đẹp, chú lấy nó được không?

- Không ạ - A lắc đầu.

Đúng rồi, ta không thể lấy một đồ vật ta thích nếu nó KHÔNG phải là của mình. Giờ cháu kể cho chú xem cháu còn lấy gì của bạn nữa không? Chú đang lắng nghe đây.

- Cháu… cháu lấy 20.000 của bạn M ạ.

Đến đây thì bố A sững người, bố không biết là con lấy tiền của bạn.

Chú cảnh sát bảo: "Thôi được rồi, chú ghi nhận là cháu đã trung thực nên tạm thời chú chưa bắt cháu. Nhưng chú không muốn là cháu lại phải đến đây lần nữa, cháu hiểu chứ!".

A gật đầu, nhìn chú cảnh sát đầy biết ơn.

Rồi A lên xe bố chở về. Về nhà cả bố và mẹ đều không nhắc thêm một lần nào về kỉ niệm "đau thương" ấy của A.

Bạn nghĩ gì khi đọc tình huống có thật trên? Bạn có thích cách giải quyết của bố mẹ A không?

Thấy cô giáo báo con trộm đồ của bạn, cha mẹ tức tốc tố cáo trẻ đến đồn công an nhưng hóa ra việc này gây ra hậu quả khôn lường - Ảnh 2.

A đã có trải nghiệm nhớ đời với chú công an.

Có rất nhiều bạn đồng tình, nói rằng: "Cũng ổn đấy chứ. Bố mẹ đã không cần phải quát nạt, la mắng mà vẫn đạt hiệu quả. A chắc chắn sẽ sợ và không tái phạm. Bố A cũng tuyệt vời giữ được bình tĩnh.

Và cả mẹ nữa. Mẹ đã đứng đằng sau để sắp xếp mọi việc". Lời của chú cảnh sát với A cũng rất văn minh mà vẫn đầy đủ những cảnh báo cần thiết.

Có nhiều bạn không đồng tình vì: "Làm như thế khiến A có thể bị chấn động tâm lý. Một đứa trẻ 7 tuổi phải đến đồn cảnh sát là một điều quá tệ". Ngoài ra, khi lớn lên phát hiện ra rằng người ta không thể đưa đứa trẻ đến đồn cảnh sát chỉ vì nó lấy cái bàn chải đánh răng, khi đó, A sẽ thấy bố mẹ mình không trung thực. Đó có thể là điều kiện để dẫn đến những hành vi không trung thực tiếp theo.

Còn bạn, bạn nghĩ gì? Trong trường hợp đó, bạn làm gì?

Thấy cô giáo báo con trộm đồ của bạn, cha mẹ tức tốc tố cáo trẻ đến đồn công an nhưng hóa ra việc này gây ra hậu quả khôn lường - Ảnh 3.

Cách làm này tuy hiệu quả nhưng theo chị Phan Hồ Điệp lại có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con vì cậu bé sau này có thể nhận ra mình đã từng là "trò đùa" của cha mẹ.

Kỉ luật con những lúc con gây ra hành vi xấu là đương nhiên rồi. Nhưng kỉ luật thế nào để con nhận ra lỗi lầm mà vẫn không làm con tổn thương?

Điều đó cần quá trình "tu tập" của bố mẹ. "Tu tập" để không nổi nóng đánh mắng, nói những lời làm tổn thương con.

"Tu tập" để bố mẹ tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, những vấn đề mà con đang gặp phải. Ví dụ riêng với hành vi lấy đồ của bạn, những nguyên nhân có thể: Trẻ có kiểm soát hành vi kém và mong muốn hài lòng ngay lập tức/ Trẻ muốn có sự chú ý của bố mẹ/ Trẻ không được dạy rằng, ăn cắp là sai/ Trẻ học từ người lớn và không bị bố mẹ nhắc nhỏ khi lấy đồ chơi nho nhỏ của bạn mang về nhà/ Trẻ bị bỏ rơi/ Trẻ đang bị lạm dụng và cần sự giúp đỡ/ Trẻ muốn bày tỏ cảm giác lo lắng, tức giận hoặc xa lánh do bị thay đổi môi trường sống như bố mẹ ly hôn, chuyển trường.../ Trẻ muốn thử cảm giác hồi hộp, mạo hiểm, thử thách…

Với mỗi nguyên nhân lại có cách giải quyết khác nhau. Nhưng điều cơ bản vẫn là GẦN GŨI, yêu thương trẻ.

Thấy cô giáo báo con trộm đồ của bạn, cha mẹ tức tốc tố cáo trẻ đến đồn công an nhưng hóa ra việc này gây ra hậu quả khôn lường - Ảnh 4.

Có nhiều cách giải quyết tinh tế khi phát hiện con "cầm nhầm" đồ của bạn, nhưng điều cơ bản vẫn phải là gần gũi và yêu thương trẻ.

Với trường hợp trên, sẽ tuyệt vời hơn nếu bố mẹ thực hiện các bước như sau:

1. Giữ bình tĩnh, tuyệt đối không gọi con là "đồ ăn trộm"- từ này thực sự khủng khiếp. Bố mẹ thẳng thắn nói rằng KHÔNG đồng tình với việc làm của con nhưng đừng thẩm vấn, giảng giải vào thời điểm đó.

2. Dạy con về sự sở hữu. Đặt các câu hỏi (như kiểu của chú cảnh sát trong câu chuyện)

3. Dạy con cảm nhận về cảm xúc của người khác: Bạn bè sẽ thất vọng/ thiếu tin tưởng và không nghĩ con là cô bé/ cậu bé tuyệt vời như trước.

4. Để con được bày tỏ suy nghĩ, giải thích về hành động.

4. Củng cố những hành vi trung thực của con.

5. Nên mời những "diễn giả" là cảnh sát khu vực đến nhà hoặc đến lớp trò chuyện với bọn trẻ về những việc làm sai luật mà trẻ có thể mắc phải.

Kỉ luật tích cực là như thế. Nó khiến bạn cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại