Mới chính thức ra mắt được 3 tuần nhưng Samsung Galaxy Note 10 đã nhanh chóng trở thành một trong số ít smartphone được săn đón nhiều nhất hiện tại trên toàn thế giới nhờ thiết kế đẹp mắt cùng nhiều tính năng đáng giá được trang bị.
Tuy nhiên, ngay sau khi Galaxy Note 10 ra mắt được vài ngày, đã có không ít người dùng trên thế giới phản ánh về hiện tượng một điểm trắng nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện trên màn hình của máy. Điểm trắng này có kích thước khá bé, nhấp nháy liên tục và nằm ngay bên phải camera chính của Galaxy Note 10.
Chấm nhỏ bên phải camera trước của Note 10
Một vài người dùng sau khi phát hiện ra điểm trắng đã tỏ ra hoảng hốt, cho rằng đây là các điểm chết (Dead Pixel) – một lỗi thường thấy trên màn hình điện thoại và màn hình máy tính. Một số người dùng khác thì lại đặt câu hỏi, tại sao chiếc điện thoại đắt tiền giá lên tới hàng chục triệu đồng còn mới 100% của mình lại xuất hiện "lỗi" như vậy? Phải chăng Samsung không kiểm tra máy trước khi xuất xưởng?
Hoàn toàn không phải điểm chết, người dùng không phải lo lắng gì cả
Trước hết có thể khẳng định rõ, điểm trắng nhấp nháy này không phải là một điểm chết. Và đương nhiên, nếu thấy điểm trắng này xuất hiện trên màn hình máy của bạn, hãy cứ an tâm chiếc Note 10 của bạn đang hoạt đông hoàn toàn bình thường và không hề có lỗi lầm gì.
Vì thực chất, điểm trắng ở đây chính là cảm biến tiệm cận của máy đang hoạt động. Nếu bạn không biết, cảm biến tiệm cận (tên tiếng Anh Proximity Sensors) là loại cảm biến thường được đặt ở mặt trước của các smartphone. Cảm biến này có tác dụng phát hiện khi có vật đến gần cảm biến.
Cảm biến tiệm cận trên Samsung Galaxy S10
Nguyên lý hoạt động của cảm biến tiệm cận khá đơn giản. Nó sẽ phát ra một loại trường điện từ, một loại bức xạ hoặc một loại ánh sáng (ví dụ ánh sáng hồng ngoại). Sau đó, cảm biến sẽ giám sát sự thay đổi dựa trên những tín hiệu trả về để xác định xem bạn có đang để máy lại gần mặt của mình hay không.
Chẳng hạn, khi người dùng để máy sát tay để thực hiện chức năng nghe gọi, smartphone sẽ tự động tắt màn hình. Điều này có thể thực hiện được là nhờ cảm biến tiệm cận được trang bị trên máy.
Trong trường hợp của Note 10, với xu hướng màn hình đục lỗ hay giọt nước đang ngày càng phổ biến, Samsung buộc phải đặt một số cảm biến ngay bên dưới màn hình (thay vì cạnh trên của điện thoại như ở các mẫu smartphone đời cũ). Trước Note 10, một mẫu flagship khác của Samsung là Galaxy S10 cũng sử dụng cách đặt cảm biến phía dưới màn hình.
Một điểm cần lưu ý, điểm trắng nhấp nháy này sẽ chỉ xuất hiện khi bạn chuẩn bị thực hiện một cuộc gọi (nhưng chưa áp máy lên tai). Trong trường hợp bạn thực hiện cuộc gọi nhưng thông qua chế độ loa ngoài, điểm trắng sẽ không xuất hiện trên màn hình.
Bài viết tham khảo Droid-life