CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 5.100 tỷ đồng (tăng 14%) và 860 tỷ đồng (tăng 20%), lần lượt đạt 64% và 78% kế hoạch năm.
QNS là nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất tại Việt Nam với nhãn hàng Fami do Vinasoy (công ty con của QNS) quản lý. Theo công bố của công ty, tính đến tháng 8/2021, thị phần sữa đậu nành của QNS chiếm đến 91%, đem lại doanh thu 2.800 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) cho QNS trong 8 tháng đầu năm.
Sản lượng sữa đậu nành tăng 15% so với cùng kỳ trong tháng 7 và tháng 8, tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với quý 3/2020 do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại miền Trung.
Có thể thấy, việc gần như độc chiếm thị phần sữa đậu nành đã giúp QNS thoát khỏi khó khăn do mảng đường mang lại. Cho đến nay, QNS gần như là nhà sản xuất sữa đậu nành duy nhất tại Việt Nam, thị phần còn lại chủ yếu thuộc về các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong các khu dân cư.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ đường, vốn là mảng kinh doanh truyền thống của QNS dù tăng 73% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với sữa đậu nành, đạt 1.200 tỷ đồng sau 8 tháng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế mảng sữa đậu nành và đường của QNS lần lượt đạt 548 tỷ đồng và 192 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Theo ước tính của CTCK SSI, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành của QNS tăng 3,3% trong năm 2021. Năm 2022, SSI ước tính sản lượng sữa đậu nành sẽ phục hồi 6,7% nếu ngành tiêu dùng có thể phục hồi từ mức thấp trong năm 2021.
Tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính đạt 40,1%/43,3% trong năm 2021/2022 so với 44,4% trong năm 2020 do giá đậu nành, đường và chi phí đóng gói tăng mạnh.
Đối với mảng đường, sản lượng đường RS của công ty ước đạt 105 nghìn tấn (tăng 25% so với cùng kỳ) trong năm 2021 và sẽ tăng 50% lên 158 nghìn tấn trong năm 2022. Dây chuyền sản xuất đường RE bắt đầu đi vào hoạt động thương mại từ ngày 1/7 và QNS đang có kế hoạch đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và QNS, giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 2.
Giá đường được dự báo có thể tiếp tục tăng trong tới năm 2022, do dự kiến thế giới thiếu hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 (niên vụ 2020- 2021 thiếu hụt 3,1 triệu tấn).
Ngành mía đường đã trải qua nhiều năm thua lỗ sâu do cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Trong niên vụ 2020-2021, sản lượng đường sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 nghìn tấn (giảm 15% so với cùng kỳ), chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước và đạt 50% công suất sản xuất vì chỉ có 29 nhà máy còn hoạt động.