Thất vọng với thần dược kinh tế: 'Nước G7 duy nhất' sắp rút khỏi sáng kiến của Trung Quốc?

Thi Anh |

"Con đường Tơ lụa không mang lại kết quả như chúng tôi kỳ vọng", Bộ trưởng Ngoại giao Italy cho biết.

Thất vọng với thần dược kinh tế: Nước G7 duy nhất sắp rút khỏi sáng kiến của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nước G7 duy nhất tham gia BRI: Không được như kỳ vọng!

Thương mại giữa Italy và Trung Quốc không được cải thiện như kỳ vọng kể từ khi Rome tham gia vào Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Bắc Kinh cách đây 4 năm, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonia Tajani cho biết.

"Con đường Tơ lụa không mang lại kết quả như chúng tôi kỳ vọng", ông Tajani tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế European House Ambrosetti ngay trước khi lên đường tới Trung Quốc công du, "Chúng tôi sẽ phải cân nhắc đánh giá, Quốc hội Italy sẽ phải quyết định xem liệu có nên gia hạn tư cách tham gia của mình hay không".

Năm 2019, trong chuyến công du Rome của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Italy đã khiến Mỹ và châu Âu bất ngờ khi trở thành nước G7 đầu tiên gia nhập Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Theo báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) về BRI, dưới sự bảo trợ của sáng kiến này, các ngân hàng và công ty Trung Quốc cấp vốn và xây dựng mọi thứ từ nhà máy điện, đường sắt, cao tốc, cầu cảng cho tới hạ tầng viễn thông, cáp quang và đô thị thông minh khắp thế giới.

Không khó để nhận thấy lý do BRI thu hút Italy. Trải qua 3 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 1 thập kỷ, Italy đang tìm cách thu hút đầu tư và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, nhiều người Italy cảm thấy bị châu Âu bỏ rơi trong khi chính quyền dân túy lúc bấy giờ của Italy lại hoài nghi với EU và sẵn lòng hướng tới Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Bản thân Bắc Kinh cũng có lý do để tìm tới Rome. Italy đóng vai trò như một điểm chính dọc Con đường Tơ lụa cũ. Nước này là nơi có cộng đồng người Hoa lớn nhất châu Âu. Hai nước cũng chia sẻ các mối quan hệ thương mại thân thiết trong sản xuất vải, đồ da...

Tuy nhiên, BRI không đáp ứng được hy vọng và kỳ vọng của Italy.

Dưới sự bảo trợ của BRI, Italy ký vô số thỏa thuận với Trung Quốc về mọi lĩnh vực, từ thuế cho tới yêu cầu vệ sinh để xuất khẩu thịt lợn, di tích và tài sản văn hóa, cùng nhiều thỏa thuận thương mại nhỏ lẻ. Tuy nhiên những thỏa thuận này lại không làm thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ kinh tế Italy - Trung Quốc.

Kể từ khi gia nhập BRI, xuất khẩu của Italy tới Trung Quốc tăng từ 14,5 tỉ euro lên 18,5 tỉ euro, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Italy lại tăng ở mức độ đột biến hơn, từ 33,5 tỉ euro lên 50,9 tỉ euro.

Theo CFR, mức độ đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Âu không gia nhập BRI vượt xa đầu tư của nước này tại Italy. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại Italy giảm từ 650 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 33 triệu USD vào năm 2021.

Báo cáo dữ liệu khác cho thấy Trung Quốc đã đầu tư 24 tỉ USD vào Italy kể từ năm 2005 nhưng chỉ 1,83 tỉ USD trong số này được thực hiện sau khi Italy quyết định gia nhập BRI.

CFR nhận định, kinh nghiệm từ Italy chỉ ra rằng việc gia nhập BRI không làm cho địa vị của một nước trở nên đặc biệt với Trung Quốc, cũng không đảm bảo sẽ có thêm đầu tư hay giao thương với Trung Quốc.

Thỏa thuận lung lay: Italy sẽ rút lui?

Có lẽ chính phủ Italy đã bắt đầu cân nhắc lại xem có nên tiếp tục tham gia BRI nữa hay không khi mà sáng kiến này không còn là "thần dược kinh tế" trong mắt Rome.

Khi cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi trở thành Thủ tướng Italy năm 2021, ông đã đóng băng thỏa thuận kể trên. Hai năm đi theo lộ trình này và một chính phủ mới nắm quyền, Italy giờ đang nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc.

"Thông điệp của Italy rất rõ ràng. Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc, chúng tôi muốn hiện diện ở thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng đón nhận đầu tư của Trung Quốc, nhưng như tôi đã nói, quan trọng là phải có một sân chơi công bằng", ông Tajani nói.

Thất vọng với thần dược kinh tế: Nước G7 duy nhất sắp rút khỏi sáng kiến của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonia Tajani. Ảnh: BBC

Trong năm qua, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã xác định rằng việc tham gia BRI là một sai lầm mà bà định sửa đổi. Meloni đề cập tới việc Italy không nhận thấy có đủ lợi ích sau khi gia nhập BRI.

Bà nhấn mạnh: "Italy là nước G7 duy nhất ký thỏa thuận tham gia vào Con đường Tơ lụa nhưng lại không phải là nước châu Âu hay phương Tây có mối quan hệ kinh tế và dòng chảy thương mại mạnh nhất với Trung Quốc".

Theo Reuters, Rome nhiều khả năng sẽ không gia hạn thỏa thuận tham gia Vành đai - Con đường khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3/2024. Italy sẽ còn thời hạn tới tháng 12 để quyết định xem liệu có rút khỏi sáng kiến của Trung Quốc hay không, nếu không thỏa thuận sẽ được kéo dài thêm 5 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại