Sau khi vướng nghi vấn về tem mác và đóng cửa loạt cửa hàng ở Hà Nội, nhiều khách hàng của SEVEN.am vẫn đang ngóng chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Những tranh cãi và nghi ngại quanh thương hiệu thời trang cao cấp này chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Các vị khách không giấu sự thất vọng vì chi tiền triệu, đặt niềm tin vào SEVEN.am nhưng thương hiệu này lại vướng nghi án không minh bạch về xuất xứ sản phẩm. Số ít lại lo lắng về chính sách đổi trả hàng trong những ngày hệ thống SEVEN.am tạm ngưng hoạt động.
Chị Thùy Anh, trú tại Đống Đa, Hà Nội cho hay, chị là một khách hàng thân thiết của SEVEN.am đã nhiều năm. Dù đang trong quá trình điều tra nhưng lòng tin của vị khách này dành cho Seven.AM đã giảm bớt vài phần.
"Chúng tôi chấp nhận bỏ số tiền không nhỏ để mua thiết kế, mua thương hiệu, nhưng nếu điều tra đúng là họ lấy hàng Trung Quốc rồi cắt tem mác, gắn tem SEVEN.am vào thì thật khó để chấp nhận, đó là lừa dối khách hàng", chị Dung bức xúc nói.
Trên mạng xã hội, tài khoản H.T không khỏi thất vọng và cho rằng, nếu đúng SEVEN.am lừa dối khách hàng, biến sản phẩm của Trung Quốc thành hàng Việt thì đó là hành động đáng lên án.
Tranh cãi xung quanh câu chuyện tem mác của SEVEN.am "nóng" mạng xã hội.
Chị Nguyễn Lan Hương, trú tại Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết, chị đã tìm đến cửa hàng SEVEN.am trên đường Tôn Đức Thắng vào chiều 12/11 để đổi size chiếc váy trị giá 1,8 triệu đồng, tuy nhiên, cửa hàng hẹn chị quay lại vào một hôm khác.
Trong ngày 13/11, vị khách này cũng nhiều lần gọi lên số điện thoại chăm sóc khách hàng của SEVEN.am nhưng không ai nhấc máy.
"Tôi lo nếu quá hạn thì sẽ không được hỗ trợ đổi trả. Giờ giữ lại cũng không mặc vừa nên có lẽ tôi sẽ bán đi, chấp nhận giá rẻ còn hơn không.
Sự việc không chỉ đáng tiếc cho một thương hiệu mà tôi khá yêu quý mà còn vô tình làm ảnh hưởng đến niềm tin với hàng Việt, đặc biệt là lĩnh vực may mặc, thời trang. Tôi mong là sớm có kết quả điều tra để khách hàng được đảm bảo quyền lợi ", Nguyễn Lan Hương (trú tại Lê Văn Lương, Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều vị khách chờ đợi SEVEN.am hoạt động trở lại để hỗ trợ chăm sóc khách hàng.
Từ sáng 12/11, nhiều cửa hàng của SEVEN.am tại Hà Nội đóng cửa không bán hàng.
Liên quan đến sự việc gần đây, đặc biệt là động thái bất ngờ đóng cửa chuỗi cửa hàng Hà Nội vào hôm 12/11, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu SEVEN.am) cho biết, sau khi làm việc với cơ quan chức năng ngày 11/11, hệ thống Seven.AM tạm đóng cửa trong khi chờ kết luận cuối cùng, công ty này cũng sẽ thông báo khi có thông tin chính thức về sự việc.
Việc kiểm tra chuỗi cửa hàng SEVEN.am được thực hiện sau khi báo chí phản ánh thương hiệu này nhập thêm hàng hóa Trung Quốc nhưng thay nhãn mác thành SEVEN.am trên một số sản phẩm như khăn, quần áo, đồ lót.
Kiểm tra 5 cửa hàng của hệ thống trên địa bàn Hà Nội gồm 146-148 Tôn Đức Thắng, 11 Kim Đồng, 146 Thái Hà, 135 Trần Phú (Hà Đông) và 506 Nguyễn Văn Cừ, tuy xuất trình đăng ký nhãn hiệu Seven.Am còn hạn sử dụng, giấy chứng nhận hợp quy nhưng các đơn vị này "nợ" hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm.
Trong ngày 11/11, Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 9.000 sản phẩm của SEVEN.am và gửi 3 mẫu hàng của thương hiệu này đi giám định.
Trước đó, liên quan đến sự việc, ông chủ chuỗi cửa hàng là diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh thừa nhận, một số mác cổ của sản phẩm được cắt vì khách hàng kêu ngứa, mác sườn vẫn được giữa lại. Ông Hải Anh khẳng định, sản phẩm nào doanh nghiệp không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am và nhân viên bán hàng đều nói rõ với khách đó là hàng Trung Quốc.