Thất thoát hơn 725 tỉ đồng tại cao tốc TP HCM - Trung Lương: Ai chịu trách nhiệm chính?

Di Lâm |

Sai phạm do bị cáo Đinh La Thăng gây ra chính là tiền đề dẫn đến hậu quả Đinh Ngọc Hệ tiến hành thành công một loạt việc làm gian dối, chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại tòa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại tòa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngày 14-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm giao quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương trái luật gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng, kết thúc ở phần xét hỏi.

Đấu giá lấy lệ

Theo đại diện VKSND TP HCM, dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, bán quyền thu phí chính là bán tài sản nhà nước. Tương tự, số tiền thu về từ việc bán quyền thu phí là tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí với mục tiêu hoàn trả ngân sách phần kinh phí đầu tư dự án. Giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT (thời điểm sai phạm xảy ra), bị cáo Đinh La Thăng là người đóng vai trò quyết định đến việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Xuất phát từ động cơ cá nhân cũng như quan hệ quen biết từ trước, bị cáo Đinh La Thăng liên hệ bị cáo Dương Tấn Minh (khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long thuộc Bộ GTVT, ủy viên Hội đồng Bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án. Sau đó, bị cáo chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (do Hệ thao túng) trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc.

Đại diện VKSND TP HCM xác định bị cáo Nguyễn Hồng Trường (lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT) cùng 5 cán bộ dưới quyền bị cáo Thăng đã làm trái quy định về bán đấu giá tài sản nhà nước. Cụ thể, 6 bị cáo xây dựng giá, phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khi không thành lập hội đồng định giá tài sản; không kiểm tra năng lực tài chính thực tế của doanh nghiệp.

Dù doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng tài chính, không đủ điều kiện nộp hồ sơ nhưng các bị cáo vẫn công nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá... Từ đó, doanh nghiệp do Đinh Ngọc Hệ thành lập dễ dàng mua quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Đại diện cơ quan công tố kết luận hành vi do bị cáo Thăng, Trường cùng thuộc cấp gây ra là tiền đề dẫn đến hậu quả Đinh Ngọc Hệ thực hiện một loạt việc làm gian dối; bắt đầu từ việc tạo lập hồ sơ doanh nghiệp tham gia đấu giá đến che giấu cơ quan chức năng doanh thu ở tất cả trạm thu phí trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Lợi dụng điều này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trục lợi hơn 725 tỉ đồng. Đại diện VKSND TP HCM cho rằng bị cáo Thăng là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Cài phần mềm "qua mặt" Bộ Giao thông Vận tải

Trong phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa chất vấn bị cáo Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh - công ty trúng đấu giá) nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, thu chi các khoản tiền liên quan đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Bị cáo Hoan khai nhận bị cáo là cháu, gọi Đinh Ngọc Hệ là cậu ruột. Giữ chức vụ giám đốc nhưng bị cáo không góp vốn, không điều hành hoạt động trong công ty. Bị cáo khẳng định bản thân chưa từng liên hệ hay thỏa thuận việc mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và bị cáo không "nhúng tay" vào toàn bộ quá trình đấu giá quyền thu phí.

"Vì mối quan hệ gia đình nên bị cáo đứng tên cổ phần góp vốn. Trên thực tế, bị cáo chỉ là nhân viên kế toán, làm công ăn lương. Bị cáo không hưởng bất kỳ lợi ích nào từ việc đứng tên công ty giúp cậu" - bị cáo Hoan trình bày. Ngoài ra, bị cáo Hoan nói rằng bị cáo không biết những bị cáo khác gian dối trong quá trình thu phí đường cao tốc.

Trái lại, đại diện cơ quan công tố cho rằng bị cáo Hoan có hàng loạt hành vi giúp sức bị cáo Hệ chiếm đoạt tiền nhà nước. Đại diện VKSND TP cho rằng có đủ căn cứ cáo buộc bị cáo Hoan tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ sử dụng pháp nhân doanh nghiệp (do Hệ đứng sau thao túng, trong đó có Công ty Yên Khánh) mua đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực tài chính của 2 doanh nghiệp nhằm tạo sự tin tưởng, đủ điều kiện tham gia đấu giá. Hợp đồng bắt buộc Tổng Công ty Cửu Long bàn giao nguyên trạng thiết bị thu phí về Công ty Yên Khánh. Doanh nghiệp sẽ báo cáo Tổng Công ty Cửu Long về doanh thu thu phí, tình hình bảo quản cơ sở vật chất, tài sản.

Dù biết rõ quy định nhưng bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo cấp dưới cắt giảm, che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí bằng mọi thủ đoạn. Thực hiện chỉ đạo từ Đinh Ngọc Hệ, nhân viên tận dụng phương pháp thu phí "thủ công", không qua hệ thống phần mềm quản lý.

Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu số tiền thu về từ cách làm trên. Với động cơ cắt giảm doanh thu nhiều hơn trên phần mềm quản lý, những bị cáo dưới quyền Đinh Ngọc Hệ nâng cấp, can thiệp vào phần mềm thu phí mà trạm thu phí sử dụng.

Các đối tượng thiết lập, cài đặt phần mềm sao chép, đè lượt xe có mệnh giá vé nhỏ cho lượt xe mệnh giá vé lớn từ làn khác sang nhằm thay đổi mệnh giá vé. Sau đó, các bị cáo xóa hết dữ liệu trên 10 máy chủ lưu trữ dữ liệu về tình hình thu phí thực tế. Theo kết quả xác minh, số tiền bỏ ngoài hệ thống sổ sách là khoảng hơn 725 tỉ đồng.

Hôm nay (15-12), HĐXX tiếp tục xét hỏi.

20 bị cáo hầu tòa

Đại diện VKSND TP HCM truy tố bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT), 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ nhà nước) tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc", cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 12 bị cáo khác bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại