Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa trở về sau một chuyến thăm đến thủ đô Kabul (Afghanistan), và ông nói rằng quân đội Mỹ sẽ còn ở lại Afghanistan “để giải quyết vấn đề”. Thế nhưng ai cũng thấy rằng cho dù Mỹ có ném bao nhiêu bom xuống đất nước này đi chăng nữa, 15.000 binh lính Mỹ ở đây sẽ không giúp Mỹ có được chiến thắng về quân sự.
Lực lượng này mặc dù đủ để giúp chính phủ Kabul tiếp tục hoạt động, nhưng không thể làm được nhiều hơn thế. Nếu không có sự thay đổi, kế hoạch mới của chính quyền Trump sẽ chỉ kéo dài sự bất lực của Mỹ trong khu vực, đã tồn tại từ năm 2001 tới nay.
Tại Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết mặc dù liên quân do Mỹ đứng đầu đã giải phóng toàn bộ các khu vực IS từng kiểm soát ở Iraq, song tổ chức này vẫn là “hiểm họa đối với an ninh”, và vì vậy ông muốn quân đội Mỹ sẽ ở lại đây vô thời hạn. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Joseph Votel cho biết quân đội Mỹ cũng sẽ đóng tại Syria trong một thời gian dài để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ả Rập và người Kurd “nhằm ngăn chặn sự phục hồi của IS và kiểm soát tình hình”.
Chuyên gia người Mỹ Daniel L. Davis nhận định rằng, hoạt động huấn luyện các lực lượng ở Syria gần như không giúp Mỹ ngăn chặn bất kỳ sự phục hồi của quân khủng bố và càng không giúp họ kiểm soát an ninh của đất nước. Việc đóng quân tại Iraq, Syria và Afghanistan mặc dù mang lại sự an tâm cho các chính quyền địa phương, song nó sẽ không giúp ổn định tình hình.
Trong bối cảnh đó, mỗi năm quân đội Mỹ đang chi hàng tỉ USD và chấp nhận những tổn thất lớn lao về người, thêm vào đó các hoạt động huấn luyện lại không nhằm đối phó với những đối thủ quan trọng, tất cả chỉ để thực hiện các chiến dịch quân sự mà các chuyên gia đều nhìn nhận rằng nó sẽ thất bại. Ông Davis cho biết, để chấm dứt tình trạng này, chính quyền Mỹ phải thực hiện một số bước đi.
Trước tiên, Washington phải lên một thời gian biểu hợp lý, kéo dài khoảng 24 tháng, thông báo cho Kabul và các nước đồng minh rằng họ sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự tại Afghanistan. Chính phủ Afghanistan sẽ có hai năm được hỗ trợ quân sự để chuẩn bị trước và thực hiện bất kỳ động thái nào có thể giúp họ củng cố an ninh đất nước. Sau khi kết thúc 2 năm, cứ 12 tháng Mỹ sẽ triển khai quân luân phiên một lần.
Thứ hai, Nhà Trắng cần phải yêu cầu Lầu Năm Góc rút toàn bộ quân nhân và khí tài quân sự Mỹ tại Syria trong vòng 90 ngày. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ sẽ phải yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng trình bày kế hoạch rút quân khỏi Iraq trong thời hạt 6 tháng kể từ khi mệnh lệnh được ban bố.
Ông Davis tin rằng việc Mỹ rút quân về nước sẽ không khiến khu vực Trung Đông xuất hiện “khoảng trống quyền lực” mà các thế lực khác có thể lợi dụng. Ông nói, vào thời điểm hiện tại khả năng một cường quốc trên thế giới muốn thay thế Mỹ và vướng vào những vấn đề mà Mỹ phải đối mặt.
Thêm vào đó, sự hỗn loạn ở Trung Đông đã tồn tại từ rất lâu trong quá khứ và sẽ còn tiếp diễn sau khi Mỹ rút quân. Sự hiện diện của Mỹ không làm giảm thiểu tình trạng bất ổn, thậm chí còn khiến tình hình Trung Đông trở nên xấu đi.
Ông Davis nhận định, nếu Tổng thống Mỹ không hành động các bước trên, Mỹ sẽ càng sa lầy hơn nữa ở Iraq, Syria và Afghanistan, và sẽ tiếp tục khiến nhân lực, tài lực và vật lực của Mỹ tiếp tục chảy máu. Thêm vào đó, nó sẽ khiến Mỹ khó có khả năng ứng phó với những đối thủ quan trọng hơn.
Chuyên gia người Mỹ kết luận rằng, chiến lược quân sự của Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan trong hai thập kỷ qua đều dẫn đến thất bại. Cái giá phải trả cho các chiến dịch quân sự không có cơ hội thành công là quá đắt và chính phủ Mỹ phải tìm cách xóa bỏ để tập trung cho những chính sách có lợi cho đất nước.