Vụ việc Frode Berg bị bắt được xem là vụ đầu tiên và duy nhất cho đến nay, một thất bại cay đắng do sai lầm của Cơ quan tình báo quân đội Na Uy (E14).
Điệp viên bất đắc dĩ Frode Berg
Điệp viên Na Uy Frode Berg luôn khẳng định rằng ông chẳng muốn làm điệp viên nhưng đã bị E14 đẩy ông vào công việc nhiều rủi ro, nguy hiểm, khiến ông bị bắt, bị cầm tù tại Moscow trong gần 2 năm qua. Mặc dù đã được trả tự do hơn 1 tháng trước, nhưng Berg vẫn cảm thấy ấm ức vì bị E14 lợi dụng vào mục đích thu thập tình báo mà không quan tâm đến sự an nguy của cá nhân ông.
“Tôi bị cơ quan tình báo quân đội Na Uy ép buộc. Tôi đã tin tưởng họ sẽ không đưa tôi đi làm việc nguy hiểm ở Nga. Nhưng họ vẫn làm thế với tôi” - Berg bộc bạch.
Điệp viên Frode Berg.
Nhìn kiểu gì thì Berg cũng chỉ là một tay chơi nhỏ trong một chiến dịch tình báo thất bại. Nhưng câu chuyện của ông vẫn bộc lộ mức độ quyết liệt của phương Tây trong cuộc săn tìm thông tin bí mật từ Nga.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Berg là một người lính đồn trú ở Kirkenes, làm nhiệm vụ canh gác dọc biên giới và sau trở thành thanh tra. Đôi khi Berg chỉ đứng cách những người lính Xôviết vài bước chân nhưng không nhìn nhau. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Berg và các đồng đội trao đổi các quân trang, quân dụng và thực phẩm với binh sĩ bên phía Nga.
Nhận thấy láng giềng của Na Uy đã khác hẳn lúc trước, trở nên dễ dãi hơn, nên Berg cũng ngày càng đi sang Nga nhiều hơn. Ông làm việc cho Pikene pa Broen, một tổ chức mua bán tranh xuyên biên giới Nga -Na Uy, làm công việc tổ chức festival quốc tế thường niên.
Thế rồi vào năm 2015, một chính khách ở Oslo nhờ Berg làm giúp một việc: Gửi 3.300 USD bằng tiền mặt qua đường bưu điện cho một địa chỉ ở Moscow trong chuyến sang Nga kế tiếp. Người chính khách này không có gì bí mật cả, và Berg cũng biết ông ta làm việc cho Cơ quan tình báo quân đội Na Uy E14.
“Điều rất quan trọng là anh có thể làm việc này cho tôi, Berg. Anh là một người Na Uy tốt”, người “chính khách Oslo” nói với Berg. Do tin tưởng ông ta nên Berg đồng ý thực hiện công việc mà không hỏi gì thêm.
Thế là Berg đã trở thành “điệp viên bất đắc dĩ” một cách tình cờ có chủ ý. Ông ngày càng đi lại nước Nga nhiều hơn trước để thực hiện những việc mà người “chính khách Oslo” nhờ cậy. Ban đầu, Berg không hề biết rằng mình đang làm một điệp viên, nhưng sau nhiều chuyến đi và thực hiện một việc lặp đi lặp lại, Berg dần nhận ra mình đã làm công việc của một điệp viên.
Vào mùa xuân năm 2017, Berg đã định từ bỏ công việc nguy hiểm này. Nhưng rồi sự cám dỗ không thể cưỡng lại của chuyến đi được đài thọ đến Moscow nhân dịp Giáng sinh lung linh sắc màu đã khiến Berg siêu lòng, và ông đã đồng ý thực hiện phi vụ cuối cùng.
Ngày 5-12-2017, những người đàn ông mặc thường phục đã ập đến tóm lấy Berg khi ông vừa bước chân ra khỏi khách sạn Metropol tráng lệ. Ông được đưa lên một chiếc Volkswagen và chở đến văn phòng của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB). Tại đây, các sĩ quan an ninh Nga đưa cho Berg xem một tấm hình của một quan chức tình báo Na Uy và nói rằng ông ta là người phụ trách quản lý chiến dịch tình báo mà Berg đang thực hiện. Berg xác nhận mình biết người này (đó chính là “chính khách Oslo”).
Các sĩ quan tình báo Nga cũng đưa ra tên tuổi một số sĩ quan tình báo mà Berg đã tiếp xúc khi đến Moscow, và ông cũng xác nhận mình biết tất cả họ. “Chúng tôi tôn trọng ông, nhưng chúng tôi phải bắt giữ ông” - một sĩ quan FSB nói với Berg. Ông bị cáo buộc tội gián điệp theo khoản 276 của Luật tình báo Nga và sẽ bị giam trong nhà tù Lefortovo, Moscow”.
Vụ việc Berg bị bắt đã làm rung chuyển thị trấn nhỏ bé Kirkenes quê hương ông. Đó là một thị trấn chỉ vỏn vẹn có hơn 3.500 cư dân, nằm bên miệng núi lửa ở cực bắc Na Uy. Nơi đây có quan hệ kinh tế mật thiết với nước Nga hơn châu Âu do giáp biên giới với nước Nga. Đối với NATO, Kirkenes là “tiền đồn” trong cuộc đối đầu Đông - Tây vì thị trấn này giáp ranh với Bán đảo Kola, nơi đồn trú Hạm đội Phương Bắc của Nga và có kho vũ khí hạt nhân lớn của Liên Xô/Nga.
Nữ điệp viên Ingeborg Lygren.
Nhưng nhiều người dân ở Kirkenes xem nước Nga trước hết là một đối tác giúp cho kinh tế của họ phát triển, đặc biệt là ngành khai thác hải sản. “Chúng tôi muốn phát triển vùng này thành một vùng của sự hợp tác, phá bỏ các bức tường ngăn chia và xây dựng những nhịp cầu” – ý kiến của Marit Jacobsen, Phó ban Thư ký vùng Barents Na Uy phụ trách phát triển các dự án hợp tác với Nga.
Và Berg được biết đến là người góp công rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới Nga – Na Uy. Vì thế cư dân Kirkenes bất bình khi biết tin ông đã làm điều trái ngược với niềm tin do chính ông gầy dựng nên. Và họ cũng phẫn nộ vì Na Uy đã lợi dụng chính công dân mình để thu thập thông tin tình báo cho NATO.
Sau khi Berg bị bắt, những người bạn của ông ở Kirkenes vẫn tin rằng ông vô tội và đã bị người Nga gài bẫy hoặc là nạn nhân của một kế hoạch sai lầm nào đó. Torbjorn Brox Webber, cha sở Kirkenes cho rằng, sai lầm của Berg chính là dính líu quá sâu với tình báo. Tháng 4-2019, Berg bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa ở Moscow và bị tuyên án 14 năm tù. Trước đó, tháng 12-2018, sĩ quan cảnh sát Aleksey Zyitnyuk, người đã giao tài liệu cho Berg đã bị xét xử và tuyên án 13 năm tù.
Cuộc trao đổi điệp viên kỳ lạ
Vài tháng sau khi bị tuyên án, nhận thấy có cơ hội được trả tự do thông qua một cuộc trao đổi tù nhân, Berg khai nhận thông qua luật sư rằng ông đã làm việc cho tình báo Na Uy trong vai trò “người đưa thư”, khiến những người ủng hộ ông cảm thấy bị sốc thật sự.
Nikolai Filipchenko, một trong hai điệp viên Nga được thả trong vụ trao đổi tình báo “tay ba” giữa Nga với Na Uy và Lithuania.
Nhưng họ không hề biết rằng, Berg được đối đãi tử tế hơn hẳn các tù nhân khác trong nhà giam Lefortovo. Ông được xem truyền hình mỗi ngày, trở thành fan hâm mộ ngôi sao nhạc pop Olga Buzova và đọc tin tức về tội phạm hàng ngày trên báo Moskovsky Komsomolets. Các sĩ quan FSB thường xuyên ghé thăm ông, hỏi ông thích gì nhất. Berg bảo “McDonalds”, và thế là họ đặt mua mang vào tận phòng giam cho ông. Đôi khi quản giáo trại giam cũng rót cho ông cả rượu cognac.
Điều ấn tượng nhất đối với Berg chính là việc thay vì cố tra khảo để moi thông tin ở ông, các sĩ quan tình báo Nga lại tỏ ra cho ông thấy họ nắm rõ mọi thứ về ông và cơ quan tình báo Na Uy mà ông làm việc.
Trong khi đó ở Na Uy, một chiến dịch mang tên “Hãy giúp Frode trở về nhà!” đã được phát động ở Kirkenes và khắp Na Uy. Nhưng trở về bằng cách nào? Để đưa Berg trở về, chính phủ Na Uy gặp phải khó khăn lớn là không hề giam giữ điệp viên Nga nào, vậy làm sao kiếm được người để trao đổi với nước Nga? May thay, đồng minh NATO Lithuania đang giam giữ 2 điệp viên Nga và đã đồng ý cho Na Uy “mượn” để trao đổi theo một thỏa thuận 3 bên.
Và Berg đã được trả tự do vào hạ tuần tháng 11-2019. Sau khi trở về Na Uy, Berg tiếp tục khiến nhiều người thót tim khi thông tin trên báo chí rằng ông đã “nghe các sĩ quan FSB gọi tên một số người làm việc cho tình báo Na Uy”, có nghĩa là Na Uy cũng đang có nội gián làm việc cho Nga. Thị trưởng Rune Rafaelsen của Kirkenes thảng thốt: “Vậy đó là những ai?”.
70 năm do thám và thất bại
Câu chuyện của Berg là thất bại cay đắng nhất của tình báo Na Uy trong gần 70 năm do thám nước Nga, chủ yếu là tìm kiếm các bí mật quân sự, nhất là bí mật về tàu ngầm. Trong thập niên 1950, các điệp viên Na Uy chủ yếu vào Liên Xô bằng đường bộ để thu thập thông tin. Họ mang theo ống nhòm và máy chụp ảnh để thu thập hình ảnh về những cuộc tập hợp binh sĩ gần biên giới.
Nổi tiếng nhất là nữ điệp viên Ingeborg Lygren. Năm 1955, Lygren được cử đến Moscow làm việc bên trong Đại sứ quán Na Uy trong vai trò thư ký. Trước khi đến Moscow, Lygren từng làm phiên dịch viên tiếng Nga cho Ủy viên Biên giới Nga - Na Uy của Na Uy và có kiến thức khá sâu rộng về nước Liên Xô cũng như Ba Lan. Thời đó, quan hệ giữa Na Uy và Liên Xô khá căng thẳng, và ở thị trấn Kirkenes quân đội được huy động tăng cường và hoạt động tình báo hướng Đông đã được đẩy mạnh hết mức.
Lygren được cử đến Moscow không chỉ để phục vụ cho ngành ngoại giao Na Uy mà còn cho E14 và cả CIA. Công việc của bà là đóng vai cầu nối giữa CIA và những “tài sản” người Nga đã được CIA tuyển mộ. Vai trò này khá giống với Berg. Bà có nhiệm vụ chuyển tiếp những bức thư từ Na Uy gửi đến Moscow qua đường bưu chính và điều hành các điểm thả tài liệu bí mật.
Vụ Berg bị bắt đã làm rung chuyển thị trấn nhỏ bé Kirkenes.
Những thông tin thu thập được từ đường dây của Lygren ban đầu làm cho CIA hài lòng. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn thì Lygren bị cơ quan tình báo Na Uy bắt, không phải vì bà phản bội đất nước, mà bởi vì các lãnh đạo tình báo Na Uy nghi ngờ bà “làm gián điệp cho các cường quốc tình báo nước ngoài” sau khi các điệp viên KGB đào tẩu tiết lộ điệp viên nội gián trong các cơ quan tình báo phương Tây. Lygren sau đó được trả tự do, vụ việc được khép lại, vì an ninh Na Uy đã bắt được kẻ nội gián thật sự là Gunvor Galtung Haavik.
Trải qua gần 70 năm, tình báo Na Uy vẫn không thay đổi mục tiêu do thám nước Nga: các bí mật quân sự, trong đó quan trọng nhất là những bí mật về phát triển vũ khí tối tân của nước Nga. Điều khiến nhiều người quan tâm và thắc mắc nhất chính là tính không chuyên nghiệp của Cơ quan tình báo quân sự Na Uy E14 - giao cho một người chưa hề biết tình báo là gì như Berg thực hiện những công việc tình báo đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.
Thất bại của tình báo Na Uy còn ở chỗ họ không biết rằng ngay khi “chính khách Oslo” giao việc cho Berg lần đầu tiên vào năm 2015, ông đã bị tình báo Nga chú ý và theo dõi sát. Chính tình báo Nga đã giăng sẵn cái bẫy, cứ để cho Berg vô tư đi lại và theo dõi xem ông giao dịch với những ai ở Nga, để sau đó hốt gọn một mẻ.