Đây là nguyên văn status của MC Thảo Vân đăng trên Facebook, chia sẻ về chuyện cho cậu con trai 12 tuổi tiền tiêu vặt hàng tuần:
"Mình vẫn đang băn khoăn chuyện cho con tiền ăn quà chiều hàng ngày. Thật không biết nên thế nào nữa. Tối nay hai mẹ con nói chuyện.
Tít kể: Chiều học xong đói lắm mẹ ạ. Trưa con ăn no rồi, nhưng lúc ấy vẫn đói. Ra cổng trường thấy các anh chị ngồi ăn bánh mì thịt xiên mà rỏ dãi! Lúc ấy đói lắm, con chỉ ước có 5 nghìn cũng được, để mua bánh mì không với nước sốt, vẫn ngon! Nhưng bây giờ bác ấy không bán thế nữa rồi, ít nhất phải 10 nghìn.
Mà mẹ biết không, hàng bác ấy bây giờ ít người hơn, tại bên cạnh có một nhà mới, bán tất cả các thứ, cái gì cũng có nên đông lắm! Hàng bác kia bây giờ chỉ còn những người thích ăn bánh mì thôi, cũng thương mẹ nhỉ. Vắng đi bao nhiêu.
Mà thương nhất là hàng một bác ở phía cuối đường, mọi khi các anh chị toàn mua bỏng rồi nhân trần, trà đá... Bây giờ cũng mua ở đây hết mẹ ạ, khổ thật!
Lớp con có bạn ngày nào cũng có tiền để mua gì đấy, thích thế, ngày nào cũng một cốc đá bào tận 20 nghìn đấy mẹ ạ, mà các bạn lớp con mua gì cũng chia mọi người, nhưng con thì toàn phải xin, có nhiều lúc được mỗi một miếng bim bim thôi, thèm chết đi được!
Mai mẹ cho con 20 nghìn nhé, con mua bánh mì thịt 3 xiên. Còn chia cho các bạn nữa mà. Bây giờ con lớn rồi, nhanh đói lắm, mẹ phải cho con tiền để con ăn chứ...'.
Con cứ kể cứ kể, và mình cứ quặn lòng, không dám cho Tít nhìn thấy nước mắt. Nghĩ thương quá! Đói có phải tội của con đâu nhỉ?
Mỗi ngày nên cho con bao nhiêu đây? Cho rồi con có quen tiêu tiền quá không? Lúc nãy vẫn cứng rắn bảo Tít là mẹ chỉ cho con 1 tuần 10 nghìn, con lấy 20 nghìn là hết luôn 2 tuần đấy. Nhưng sau đó có nói là để mẹ cân nhắc thêm.
Thực ra bạn Tít hay quên, xin mẹ thế nhưng hầu như ít lấy, thế nên tiền hàng tuần của Tít mẹ vẫn giữ suốt. Thật sự thương quá...".
Khi đọc xong dòng tâm sự đó của MC Thảo Vân, bạn nghĩ gì? Những băn khoăn đắn đo của một người mẹ đang tìm cách cho con tiền tiêu vặt ở mức hợp lý nhất? Một cái nhìn nhân văn của cậu bé 12 tuổi khi kể về câu chuyện cạnh tranh khách hàng của các bác bán quà vặt cổng trường?
Còn dưới đây là một số bình luận mà chúng tôi đọc được trên mạng: Đúng là một bà mẹ keo kiệt, bủn xỉn; 10 nghìn thì mua được cái gì nhỉ; Sống thế bị chồng bỏ là phải; Thảo Vân làm mẹ kiểu gì vậy, để con chết đói chết khát thế à?; Hết thời rồi phải dùng cách này để nổi sao?
Có rất nhiều người sẽ giật mình ngạc nhiên và khó hiểu, bởi sao những thứ phi lý có thể xuất hiện một cách dễ dàng đến thế!
Nhưng cũng không ít người chép miệng nhận ra đây là điều quá quen thuộc đang tồn tại trên mạng xã hội – nơi đám đông sẵn sàng dùng những lời nói độc ác địa làm vũ khí, lao vào trái tim người khác với một thái độ thản nhiên đến tàn nhẫn. Và không ít hậu quả đã xảy ra mỗi ngày, mức độ nào cũng có.
Mời các bạn theo dõi video trò chuyện của chúng tôi và MC Thảo Vân dưới đây:
Cuộc trò chuyện của MC Thảo Vân chia sẻ về những lời phán xét độc ác của một bộ phận cư dân mạng
- Trong những ngày qua, hẳn là chị đã rất phiền lòng trước những lời chỉ trích của một bộ phận dân mạng nhắm vào tình cảm của mình và bé Tít, vì đã để con thèm 1 cái bánh mì?
Phải dùng đúng từ của tôi là ĐAU ĐỚN. Tôi không hiểu tại sao tình cảm của một người mẹ với đứa con vô cùng yêu thương của mình lại bị hiểu sai và bóp méo đến thế?
Có thể những bình luận ấy đều xuất phát từ một cảm xúc rất tốt đẹp ban đầu là vì họ thương con tôi. Nhưng giá như họ tiếp tục nhân lên cảm xúc đó để trao đổi lại với tôi trên một tinh thần nhân văn thì hay biết mấy. Đằng này, họ chọn cách chỉ trích tôi bằng đủ ngôn từ nhẫn tâm.
Tôi nghĩ những người này đâu hiểu gì về cuộc sống của tôi và con trai tôi? Họ không biết tình yêu của tôi dành cho con, cũng không biết quá trình nuôi dạy con của tôi diễn ra thế nào, sao họ lớn tiếng chê trách được?
Tôi không ngờ một ngày, thay vì sự sẻ chia tôi mong muốn được nhận từ những người đã làm cha làm mẹ hoặc có kiến thức về nuôi dạy con cái, thì tôi bỗng dưng trở thành đối tượng bị chỉ trích, mổ xẻ. Họ giáng lên đầu tôi những điều ác ý và vô cùng vô lý. Lúc đầu thật sự tôi đã rất giận.
Tại sao mọi người lại nỡ làm như vậy? Tại sao họ lại có thể vội vàng như thế? Giá như trước khi phán xét tôi, họ dành ra vài phút để tìm hiểu thông tin cho chính xác. Tôi là người công chúng nên thông tin về tôi và con trai cũng nhiều trên mạng.
Không lẽ sau khi đọc xong những câu chuyện của 2 mẹ con, xem ảnh 2 mẹ con, nhất là xem chương trình mà con tôi cùng ông nội đạt giải đặc biệt "Cháu ơi cháu à" mà vẫn cho rằng tôi là một người mẹ vô cảm, độc ác, để con đói khổ?
Trong số những bình luận ấy, có những người đã làm cha mẹ, chẳng lẽ họ không suy được từ tình yêu của mình để hiểu về tình yêu của một người mẹ khác hay sao?
Giá mà họ kìm nén cảm xúc bộc phát lúc đó của mình lại một chút, thì chắc họ không nỡ vì tình thương với người con mà phán xét người mẹ, đẩy người mẹ vào một trạng thái vô cùng bất ổn như tôi gặp phải mấy ngày qua.
- Theo chị, tất cả những hành xử ác độc đó của một bộ phận cư dân mạng hiện nay xuất phát từ điều gì?
Đúng là thực tế hiện nay có hiện tượng một bộ phận dân mạng sẵn sàng chỉ trích, phán xét người khác mà không rõ "đầu cua tai nheo", cũng không phải là người trong cuộc để hiểu rõ đúng sai.
Tôi không quy kết bất cứ cái gì, tôi chỉ có cảm giác rằng mọi người nóng vội quá. Mọi người chiều cảm xúc của bản thân nhanh quá, nên đã không để lý trí của mình vào cuộc nhiều hơn, dẫn đến việc phán xét con người và sự việc một cách vô tội vạ, khiến nhiều người, nhiều việc bị kết án oan, trong khi thực tế không phải thế.
Đến khi nhận ra thì đã muộn, vì những con chữ có thể giết chết một con người, hoặc làm cho một sự việc trở nên khác biệt hoàn toàn so với câu chuyện thực lúc đầu, đáng tiếc kiểu này dạo gần đây diễn ra quá nhiều và không có xu hướng thay đổi.
Tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm với những gì mình nói ra, viết ra. Đằng sau bàn phím là những câu chuyện thật, những cảm xúc thật, vì thế phải vô cũng thận trọng.
Trong trường hợp của tôi, trái tim tôi cũng tan vỡ khi đọc những bình luận ác ý như thế về mình. Nếu tôi là một người không vững vàng, tôi có thể nghĩ đến những điều tiêu cực, rồi sử dụng chính những cảm xúc tiêu cực đó để nổi cơn điên loạn đáp trả.
Cái ác độc này được trả bằng cái ác độc khác và cứ thế xây tiếp lên. Bạn có thể tưởng tượng được chúng sẽ kinh khủng như thế nào không?
Tôi nghĩ cuộc đời này ai chọn cách hằn học, đố kị và ác ý thì đó mới chính là người chịu khổ, bởi họ không bao giờ cảm thấy vui vẻ và bình yên. Bản thân tôi sau khi câu chuyện qua đi, cuộc sống của tôi vẫn thế. Tôi vẫn yêu thương con tôi và ngược lại, không điều gì thay đổi được.
Những người hiểu chuyện cũng sẽ không vì thế mà đánh giá tôi khác đi, mà thực tế điều làm tôi có thể vững vàng chính là tất cả những người biết tôi đều hiểu câu chuyện của tôi với đúng tinh thần mà tôi muốn chia sẻ.
Cá nhân tôi luôn mong chờ một cách hành xử nhân văn hơn giữa mọi người với nhau. Dừng lại một vài giây để suy xét trước khi kết tội, sẽ hạn chế được rất nhiều việc đau lòng.
- Trở lại câu chuyện về quan điểm quản lý chi tiêu của bé Tít, tại sao chị không chọn cách thỏa mãn con như cách nhiều ông bố bà mẹ khác vẫn làm?
Tôi nghĩ tất cả các ông bố bà mẹ khác cũng sẽ giống tôi thôi, dù ai cũng thương con của mình. Tôi đủ khả năng để cho con số tiền mà ngày nào con cũng được ăn bánh mì.
Thế nhưng sau giây phút thương con đó, tôi phải nghĩ lại, có nên chăng để cháu luôn được thỏa mãn mọi điều cháu muốn? Nên chăng đôi khi cũng để cho cháu có cảm giác thèm?
Tôi nghĩ cuộc sống này người ta phấn đấu đôi khi vì những ước mơ, để đạt được những gì người ta chưa có. Những cái thèm muốn này cho dù nhỏ nhưng cũng có thể là động lực cho cháu phấn đấu. Cháu sẽ học được cách lao động, bởi tiền mẹ cho cháu cũng là tiền mẹ cháu lao động mỗi ngày, chứ không hứng từ trên trời rơi xuống. Cháu phải có trách nhiệm nhìn nhận về giá trị của những đồng tiền đó.
Tôi cũng đã từng nhiều lần chảy nước miếng vì 1 cái bánh rán ở cổng trường. Ngay cả đến bây giờ lắm lúc bụng đói cồn cào, tiền sẵn trong túi mà vẫn không dám ăn vì đang ở trong một hoàn cảnh không phù hợp.
Tít sẽ có những lúc thèm và tôi vẫn sẽ tiếp tục để cháu phải thèm. Tôi sẽ không thỏa mãn cho cháu mọi thứ mặc dù tôi có đủ điều kiện. Tôi nghĩ, không có những lúc đói thế làm sao hiểu được giá trị của những lúc no, và nếu mình chưa từng đói chưa từng thèm, làm sao mình hiểu cảm giác của người khác để biết chia sẻ hơn…
Và tôi nghĩ, đói hay thèm cũng chỉ là những cảm giác rất bình thường, và cuộc sống phải có những cảm giác bình thường đó mới đẹp được. Còn bạn muốn gì có ngay tức khắc, thì đến một lúc bạn sẽ chẳng còn thích cái gì nữa. Đó mới là điều nguy hiểm, đáng sợ.
- Cũng là quan điểm về chi tiêu của con, MC Phan Anh lại bình luận trên Facebook của chị rằng anh ấy cho con một số tiền lớn hơn khá nhiều, để con học cách tự quản lý và có điều kiện dành dụm, đem tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn?
Tôi nghĩ đó cũng là một cách hay, nhưng vấn đề là còn tùy thuộc vào con của bạn nữa. Cách của Phan Anh hay nhưng có lẽ là phù hợp với con của Phan Anh và điều kiện gia đình Phan Anh, còn với tôi và bản tính của Tít lại chưa phù hợp.
Con của Phan Anh là một cô bé rất dễ thương, biết cách tiết kiệm, biết cách chi tiêu. Còn con trai của tôi là một cậu bé để đâu quên đấy thì cho nhiều lại thành không ổn bạn ạ. Con tôi sẽ phung phí tiền hoặc sẽ dùng vào những việc tôi không mong muốn.
Tôi nghĩ rằng cách nào cũng có cái hay của nó, quan điểm của tôi vẫn là tùy điều kiện gia đình, tùy khả năng bố mẹ và đặc biệt là phù hợp với tính cách của con, với môi trường con đang tiếp xúc. Từ đó chúng ta sẽ quyết định vấn đề chi tiêu của con như thế nào cho phù hợp.
- Bé Tít có biết câu chuyện buồn lòng này của mẹ không?
Thực ra ban đầu tôi cũng không định nói cho cháu, nhưng hôm qua Tít bị cảm. Trong lúc xoa dầu vào cổ cho cháu đỡ ho thì tôi có nói với con rằng mẹ yêu con thế này mà con biết không, vừa rồi vẫn có người bảo rằng mẹ ác đấy, mẹ không thương con, mẹ kiệt sỉ, để con đói khổ.
Bạn biết cậu ấy phản ứng như thế nào không? Cậu ấy phản ứng bằng một nụ cười tủm tỉm. Tôi rất ngạc nhiên vì trước giây phút đó tôi rất tủi thân. Nhưng đến khi nhìn thấy nụ cười ấy thì mọi thứ tan biến hết.
Bởi tôi nghĩ rằng cậu bé 12 tuổi đó đang đón nhận câu chuyện một cách rất nhân văn. Cậu ta không bực tức, không khó chịu vì người ta nói xấu mẹ mình, dù cậu biết người ta nói sai.
Cậu ta cười tủm tỉm như muốn nói ối giời ạ, vô lý thế mà người ta cũng có thể nói ra. Cười tủm tỉm như là để an ủi rằng "Mẹ khổ thân thật đất, thế này mà còn bị nói như thế".
Sau đó cậu ta ôm và thơm tôi, và vẫn không nói câu nào. Giây phút ấy tôi nghĩ đâu còn gì quan trọng nữa nhỉ?
Mọi người có thể hiểu và nhận định sai, nhưng người quan trọng nhất là con tôi thì cháu đã hiểu đúng.Khi bạn hỏi câu chuyện này hôm nay đáng lẽ tôi không muốn nói nữa đâu, nhưng rồi tôi nghĩ rằng có rất nhiều ông bố bà mẹ khác, trong lúc này lúc khác đã phải chịu những cảm xúc như tôi phải chịu.
Gần đây nhất là câu chuyện về một người bố mười mấy năm trời đưa con đi chữa bệnh với biết bao nhiêu ca đại phẫu. Bây giờ 2 cha con đang đón nhận những thành quả đầu tiên, dù nhỏ thôi nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn lao của bất kì ông bố bà mẹ nào.
Thế mà có những bình luận vô cùng ác như: "Mặt mũi con xấu xí thế đưa lên truyền hình làm gì?", "Bố mẹ ăn ở như thế nào con mới bị quả báo như thế"...
Không phải chuyện mình, nhưng tôi đau lắm bạn ạ. Đó là một câu chuyện không có gì phải bàn cãi nữa, như mặt trời phải mọc đằng Đông ấy, thế mà người ta còn có thể nhìn nhận bằng một tâm hồn xấu xí đến như thế.
Tôi nghĩ không phải riêng tôi, không phải riêng người bố ấy, mà còn rất nhiều ông bố bà mẹ khác cũng đã từng phải nếm chịu những điều tương tự.
Tôi nói ra những điều này với hy vọng những người đó nếu có theo dõi câu chuyện này hãy mở rộng trái tim của mình hơn, hãy nhân hậu hơn một chút, đừng cay nghiệt với cuộc đời như thế.
Cuộc đời này tưởng dài nhưng thực ra rất ngắn. Nếu chúng ta cứ hằn học đố kị như thế thì thời gian đâu để hạnh phúc, để yêu thương nhau nữa.
Tôi mong các bạn hạnh phúc, thật sự. Và tôi nghĩ các bạn chỉ có thể hạnh phúc khi chúng ta chân thành với nhau, nhìn nhau bằng một trái tim rộng mở và một tấm lòng nhân văn. Tôi nghĩ vậy!
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện của một nhà văn trẻ vô cùng nổi tiếng trên mạng cách đây không lâu. Thời điểm đó, chị đang mang bầu đứa con thứ 3 trong bụng. Những cơn mệt mỏi đau nhức của những tháng cuối thai kì khiến chị không thể ngủ được nên đã tâm sự vài lời trên Facebook.
Một dân mạng vào bình luận: "Chị ngủ sớm đi, thức khuya không tốt cho em bé đâu ạ". Lập tức gặp phải phản ứng vô cùng dữ dội của nữ nhà văn.
Có thể với nhiều người, cách phản ứng có phần hơi "quá khích" của nhà văn đó là điều không thể chấp nhận nổi. Thế nhưng, nếu bạn cũng đang là một người mẹ, bạn cũng từng là nạn nhân của những lời phán xét chủ quan trên mạng, bạn sẽ hiểu và thông cảm cho cô ấy phần nào.
Một người mẹ luôn mong muốn dành những điều tốt nhất cho con, phải đối mặt với lời quy kết rằng hành động mình đang làm có thể gây hại đến em bé là một điều rất khó để chấp nhận. Kể cả khi đó là một lời khuyên nghe có vẻ đúng đắn.
Nhiều người tâm sự, họ cảm thấy việc làm mẹ bây giờ trở nên khó khăn và ngột ngạt hơn bởi phải đối mặt với quá nhiều lời phán xét.
Bởi xã hội có quá nhiều người tự nhận mình là "bà mẹ biết tuốt", bà mẹ thông thái", "bà mẹ văn minh"... và tự cho mình cái quyền phán xét những bà mẹ khác khi không có cùng quan điểm về cách nuôi dậy con với họ.
"Tại sao lại để con còi thế, không biết cách nuôi con à?", "Sao thằng bé đó lại không chào hỏi, mẹ nó không biết dạy con sao?", "Cho con ăn cái này có khác gì giết con không?", "Tại sao bà mẹ Thảo Vân lại keo kiệt và bủn xỉn với con như thế?"...
Nhưng những người thản nhiên viết những điều khiến người khác đau lòng đó không hề biết rằng cái em bé còi cọc mà mẹ nó không biết nuôi đó mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và 2 mẹ con vẫn hàng ngày cùng nhau chiến đấu một cách kiên cường, bền bỉ.
Họ cũng không thể biết rằng đứa bé không chào hỏi đó bị câm bẩm sinh. Bé không thể nói, nhưng miệng luôn mỉm cười vui vẻ và có một trái tim ngập tràn yêu thương. Bởi bé luôn được mẹ giao tiếp bằng những cái ôm thật chặt, những cái vuốt tóc dịu dàng và những kí ức tuổi thơ ngập tràn yêu thương, dù không có một lời nào mẹ nói ra bé nghe được.
Tất nhiên họ cũng không thể biết mỗi chuyến công tác, dù trong nước hay nước ngoài, hành lý của MC Thảo Vân quá nửa là những món đồ mua về cho cậu trai đáng yêu, có những thứ khó đến mấy cô cũng cố mang về vì cô biết con cô thích.
Và câu chuyện tự nhiên "thèm nhỏ rãi một cái bánh mì" cũng chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện đáng yêu Tít cảm thấy mỗi ngày mang về kể cho mẹ, và nếu không phải là bà mẹ yêu thương con, là bạn của con thì làm sao con trai của MC Thảo Vân có thể chia sẻ cảm giác ấy của mình với mẹ….
Khi một trái tim đầy ắp sự hằn học, khó chịu, ghanh tức, thì sẽ không còn chỗ để đựng những yêu thương, ấp áp, dịu dàng.
Có một sự thật là, những đứa trẻ dù thế nào rồi cũng sẽ lớn lên và trái tim chúng sẽ hướng về cha mẹ với sự biết ơn. Những người mẹ dù thế nào vẫn sẽ yêu thương con của họ, bằng tất cả đúng đắn và thiếu sót của mình.
Một người mẹ đừng bao giờ phán xét một người mẹ. Hãy cho họ có quyền thiếu sót, có quyền không hoàn hảo, hoặc đơn giản là quyền được làm mẹ theo cách mà họ chọn lựa.
Cách đây không lâu, lá thư của một blogger Úc tên Laura Mazza đã chạm đến trái tim tổn thức của rất nhiều người mẹ trẻ khác khi đề cập đến câu chuyện tương tự. Cô đã viết ra những lời này: "Nếu tôi phàn nàn về các con, đừng nói rằng tôi không yêu chúng.
Nếu tôi nói các con tôi thật hoàn hảo, đừng nói rằng tôi quá kiêu căng, tự phụ. Bạn không nhìn thấy những giờ đồng hồ tôi đã bỏ ra để ôm ấp và yêu thương chúng. Nếu tôi thành thật chia sẻ về việc làm mẹ, đừng nói rằng tôi huênh hoang những lời cường điệu.
Biết bao năm trời tôi đã không thể nói với bất cứ ai cảm giác của mình chỉ vì tôi đã quá sợ hãi".
Không chỉ riêng MC Thảo Vân, blogger Laura Mazza, hay nữ nhà văn từng bị chỉ trích phía trên, mà có lẽ tất cả chúng ta đều mong muốn được sống trong một xã hội nhân văn - nơi những bà mẹ luôn mỉm cười với nhau, để mỗi em bé đều được nuôi lớn bằng những cảm xúc lành mạnh, bình an và không có trái tim nào bị tổn thương vì những lời phán xét.