Khu vực ngõ 328 Nguyễn Trãi đã được cách ly y tế. Ảnh: Hoàng Hải.
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến 6h sáng 1/9, "ổ dịch" Covid-19 ở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã ghi nhận thêm 23 ca dương tính SARS-CoV-2.
Tổng số ca dương tính ở "ổ dịch" này từ ngày 23/8 đến nay đã lên tới 371 ca trên tổng số khoảng 1.800 người dân.
Đây được xem là "ổ dịch" nóng nhất và nguy hiểm nhất ở Hà Nội hiện nay, tập trung chủ yếu ở 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi.
Trao đổi với PV vào sáng 1/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, tính đến hôm nay là ngày thứ 10 kể từ khi phát hiện 2 ca mắc đầu tiên ở "ổ dịch" này là 2 mẹ con đi khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh phát hiện dương tính.
Ông Tuấn nói, ổ dịch này đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm và sở dĩ lây lan nhanh vì mật độ dân cư cao, đất chật, người đông, môi trường một số khu ẩm thấp. Đặc biệt người dân còn sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng tại các tập thể cũ, điển hình là ở tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Khu vực ngõ 328 Nguyễn Trãi. Ảnh: Hoàng Hải.
Tại đây, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều người dân còn xếp hàng chờ nhau dùng nhà vệ sinh chung ở khu tập thể cũ, nên lây nhiễm là điều không thể tránh khỏi.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhận định, hiện nay, mới là ngày thứ 10 nên ít nhất phải sau 14 ngày mới có thể xác định được hết F0 tại ổ dịch này.
Từ thực tế "ổ dịch" này, Phó Giám đốc CDC Hà Nội chỉ rõ, cần phải làm ngay 3 việc sau đây để nhanh chóng xác định, "bóc tách" các F0.
Thứ nhất, cần tiếp tục xét nghiệm cho người dân sống tại các khu vực ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi với chu kỳ 3 ngày/lần, để nhanh chóng phát hiện các F0.
Thứ hai, CDC Hà Nội đã kiến nghị quận Thanh Xuân tìm phương án giảm bớt mật độ dân cư ở đây, bằng cách di chuyển bớt người dân đi nơi khác và nếu làm được điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm.
Thứ ba, tăng cường giãn cách tối đa người dân trong khu vực, kể cả người cùng nhà bằng cách tuyên truyền, yêu cầu người dân phân chia giờ ăn cơm, không sinh hoạt chung. Chia giờ sử dụng đối với các nhà vệ sinh chung của khu nhà tập thể cũ, tránh để tình trạng tập trung đông, chờ đợi, cùng sử dụng...
Đại diện CDC Hà Nội cũng nêu rõ, người dân cần tự theo dõi sức khỏe và nếu có các vấn đề bất thường, các dấu hiệu như đã được thông tin phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, ngành y tế đã thông báo những ai có liên quan đến người nhà hoặc người dân ở đây trước khi phong tỏa phải liên hệ với y tế nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với các "ổ dịch" ở phường Văn Chương, Văn Miếu, Thổ Quan của quận Đống Đa, lãnh đạo CDC Hà Nội đánh giá, dù đã được phong tỏa nhưng vẫn đáng lo ngại vì dịch đã có dấu hiệu lây lan rộng và vẫn tiếp tục còn ca mắc mới.
"3 phường của quận Đống Đa có nhiều ngõ ngách, các ngõ ngách có nhiều đường ra, nếu không kiểm soát chặt thì sẽ có nguy cơ lây lan dịch ra ngoài", ông Tuấn chỉ rõ.
Liên quan đến vấn đề, liệu Hà Nội có tiếp tục thực hiện giãn cách tiếp sau ngày 6/9 không, ông Tuấn nhấn mạnh, cơ quan y tế sẽ có báo cáo đánh giá cụ thể về tình hình dịch trên địa bàn thành phố và các nhận định, kiến nghị về việc này.
"Việc quyết định cụ thể sẽ do thành phố xem xét. Tuy nhiên, khả năng tiếp tục thực hiện giãn cách trên địa bàn thành phố sau ngày 6/9 là rất cao", ông Tuấn nhấn mạnh thêm.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn khá căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Nếu không bóc tách triệt để được các F0 ở cộng đồng thì rất nguy hiểm. Việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly giữa người với người phải được thực hiện nghiêm túc.
"Việc này Thành uỷ và UBND thành phố sẽ quyết định, xem xét dựa trên cả yếu tố phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tuy nhiên, thành phố cần phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bây giờ nếu không giãn cách nữa thì không thể phòng, chống dịch bệnh ", ông Tuấn nói thêm.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.298 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.547 ca, số mắc là người đã được cách ly 1.751ca.