"Ốc đảo đen" giữa sa mạc
Giữa những cồn cát nhấp nhô màu vàng của sa mạc Kubuqi xuất hiện một “ốc đảo” lấp lánh màu xanh dưới bầu trời phía bắc Trung Quốc.
Tại nơi cách Bắc Kinh khoảng 500 km, hàng trăm tấm pin mặt trời phủ kín vùng Nội Mông cằn cỗi. Đây là trung tâm của dự án năng lượng sạch có quy mô tương đương 20 Công viên Central Park (Mỹ), cung cấp điện đủ dùng cho 1,1 triệu hộ gia đình.
Địa điểm khổng lồ này chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm triển khai công suất năng lượng nhân tạo lớn nhất từ trước đến nay. Đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng thêm 225 cơ sở năng lượng tái tạo có quy mô tương đương trên khắp các vùng đất rộng lớn trong nội địa.
Chiến dịch này hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực năng lượng: hạn chế nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc, cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và giúp quốc gia đứng trong nhóm phát thải nhiều nhất thế giới sang một con đường khả thi để loại bỏ khí thải nhà kính.
Sau khi hoàn thành, các cơ sở năng lượng tái tạo sẽ có tổng công suất 455 gigawatt từ tua bin gió và tấm pin mặt trời. Đây là công suất sản xuất năng lượng sạch cao hơn mức hiện có ở bất kỳ quốc gia nào ngoài Trung Quốc và gần như bằng quy mô của toàn bộ mạng lưới điện - bao gồm các nhà máy than và lò phản ứng hạt nhân - ở Ấn Độ, nơi có hệ thống điện lớn thứ ba thế giới.
Cosimo Ries, nhà phân tích năng lượng của Trivium China có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Thật đáng kinh ngạc. Không có dự án nào trong lịch sử có thể so sánh được với kế hoạch này.”
Theo phân tích của Bloomberg, việc triển khai năng lượng mặt trời và gió đã đưa Trung Quốc đi đúng hướng để đạt được những kỷ lục trong năm nay, vượt xa thành tựu áp dụng năng lượng xanh vốn đã dẫn đầu thế giới của Trung Quốc. Với mức năng lượng sạch được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều như hiện nay, quốc gia này có thể đạt đỉnh phát thải trước thời hạn vào năm 2030, mang lại cho Trái đất cơ hội tốt hơn trong việc kiểm soát nhiệt độ toàn cầu.
Đây cũng là một ví dụ quan trọng khi Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber thúc đẩy hơn 200 quốc gia tham gia khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai để cam kết tăng gấp 3 lần sản lượng điện tái tạo trong thập kỷ này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đạt mục tiêu này có lẽ là hành động quan trọng nhất mà thế giới có thể thực hiện để đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ nâng công suất năng lượng tái tạo lên khoảng 3,9 terawatt vào năm 2030, gấp hơn ba lần so với năm 2022. Ông Al Jaber đang kêu gọi các quốc gia tham dự tại UAE đặt mục tiêu nâng tổng công suất toàn cầu lên 11 terawatt.
Năng lượng tái tạo
Tốc độ triển khai các dự án đã khiến một số nhà dự báo nâng cấp ước tính của họ về việc áp dụng năng lượng tái tạo trong năm nay. Theo dự báo của Bloomberg, Trung Quốc sẽ lắp đặt hơn 300 gigawatt công suất năng lượng mặt trời và gió vào năm 2023, gần gấp đôi sản lượng một năm trước đó. Để so sánh, toàn bộ tổng công suất toàn cầu vào năm 2022 là 338 gigawatt.
Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: “Trung Quốc đang dựa vào các cơ sở gió và mặt trời lớn này để đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng mới của mình”.
Nhóm dự án ban đầu tập trung chủ yếu vào các sa mạc của Trung Quốc, bao gồm Gobi ở phía bắc và Takla Makan ở phía tây. Cả hai đều đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia, cung cấp các ranh giới tự nhiên bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược bên ngoài và hạn chế sự bành trướng vào đất liền của các đế chế lịch sử.
Các sa mạc này hiện nay mang lại nhiều lợi ích cho năng lượng tái tạo bởi chúng có bầu trời rộng và đồng bằng thoải với ánh nắng mặt trời và gió ổn định nhất ở Trung Quốc. Nơi đây cũng có dân cư thưa thớt, khiến việc xây dựng các dự án quy mô lớn trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Những lợi thế này rất quan trọng vào thời điểm ngành năng lượng sạch của thế giới đang chịu áp lực tài chính lớn nhất trong nhiều năm, ngay cả khi việc lắp đặt trang thiết bị bùng nổ và ước tính khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày chỉ được đầu tư vào năng lượng mặt trời.
Các công ty đang gặp vô số thách thức bởi chi phí biến động, lãi suất cao và - đặc biệt là ở Trung Quốc - sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến giá công nghệ năng lượng sạch giảm gần 80% kể từ năm 2010.
Theo Liu Hanyuan, tỷ phú và là nhà sáng lập của Tongwei Group, tập đoàn sở hữu một trong những công ty năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, việc xây dựng các cơ sở năng lượng quy mô lớn có thể giúp tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp năng lượng sạch hiện đã trưởng thành của Trung Quốc. Ông Liu cho biết tại một hội nghị ở Thành Đô: “Ngành này có thể hỗ trợ đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Trung Quốc thậm chí có thể hoàn thành quá trình này trước các nước phương Tây”.
Dự án phát triển sa mạc Kubuqi chỉ là một trong ít nhất hàng chục dự án năng lượng mặt trời và gió mới đang được xây dựng theo chương trình của ông Tập Cận Bình ở Nội Mông, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đợt đầu tiên.
Giảm thiểu phát thải
Thiểm Tây và Thanh Hải – những khu vực cũng có vùng sa mạc rộng lớn – là những nơi được ưu tiên lắp đặt dự án năng lượng mặt trời và gió. Theo ước tính, các tỉnh riêng lẻ của Trung Quốc đã lắp đặt nhiều thiết bị năng lượng tái tạo hơn cả một số quốc gia, ví dụ: tỉnh Tứ Xuyên có công suất gần gấp đôi Vương quốc Anh, tỉnh Hồ Bắc lắp đặt nhiều hơn Nga.
Theo IEA, thế giới có thể sẽ bổ sung thêm 500 gigawatt công suất năng lượng tái tạo trong năm nay và cần tăng gấp ba lần việc triển khai vào cuối thập kỷ này.
Ở một số địa điểm xa xôi, người dân đã nhìn thấy cơ hội làm giàu.
Wen Maohua, một nông dân 61 tuổi, phụ trách cải tạo đất tại dự án năng lượng mặt trời sa mạc Kubuqi. Ông được thuê để thử nghiệm trồng cà chua, khoai tây và dưa trên diện tích khoảng 0,8 hécta dưới những hàng tấm ván lớn.
Trong khi nhiều người hàng xóm nhận những công việc mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Wen có ý định tiếp tục canh tác và nắm bắt cơ hội thuê thêm đất với giá thấp trong khu vực dự án năng lượng. “Năm nay tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn”, ông nói.
Một thách thức đối với chiến lược sa mạc của Trung Quốc là liệu cơ sở hạ tầng của quốc gia có thể bắt kịp với dòng năng lượng mặt trời và gió mới hay không. Đợt bùng nổ trước đó của năng lượng tái tạo vào thập kỷ trước đã khiến các thiết bị năng lượng sạch trị giá hàng tỷ đô la không thể hoạt động vì lưới điện không thể xử lý được mức gia tăng sản lượng điện.
Một số chính quyền địa phương đã hạn chế công suất năng lượng mặt trời trong năm nay và giảm giá điện vào ban ngày khi hoạt động sản xuất quang điện ở mức mạnh nhất. Lĩnh vực lưu trữ pin của Trung Quốc - đang phát triển nhanh chóng nhằm giúp đảm bảo nguồn điện sạch có thể được dự trữ để cung cấp khi cần thiết - đang vật lộn với tỷ lệ sử dụng thấp và các vấn đề về an toàn.
Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của CREA, công suất năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân và thủy điện hiện ở mức có thể đáp ứng và thậm chí vượt xa mức tăng trưởng về nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc. Ông nói: “Nếu tốc độ triển khai được duy trì, lượng khí thải của Trung Quốc sẽ giảm vào năm tới và có khả năng đi vào giai đoạn suy giảm cơ cấu”.
Tại Hangjin Banner, một thị trấn sa mạc với dân số khoảng 112.000 người, các quan chức đang chuẩn bị lắp đặt 12 gigawatt năng lượng tái tạo theo đợt chiến lược thứ hai của ông Tập Cận Bình, tương đương với lượng điện hiện được lắp đặt trên toàn Đan Mạch.
Trước tiên, các nhà phát triển sẽ ưu tiên cơ sở hạ tầng lưới điện, sau đó bổ sung tổ hợp các nhà máy điện gió, than và năng lượng mặt trời mà họ kỳ vọng sẽ góp phần vào hành động vì khí hậu toàn cầu.
Li Lijun, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng địa phương cho biết: “Mọi người có thể thoải mái lái mọi loại xe mà họ muốn. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm cắt giảm khí thải ngay từ đây”.
Dù vậy, đây vẫn chưa phải là tất cả lượng năng lượng sạch được bổ sung theo chiến lược của ông Tập. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai, Bloomberg nhận định.
Tham khảo Bloomberg