Thanh tra tổng cục và thanh tra sở được thành lập khi nào?

Ngọc Thành/VOV.VN |

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung quy định để rõ các tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ để kiểm soát chặt chẽ.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này vào ngày 14/11.

Thành lập thanh tra tổng cục, cục

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật về việc duy trì hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Thanh tra tổng cục và thanh tra sở được thành lập khi nào? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo nêu rõ, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ thanh tra huyện, đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua.

Về đề xuất thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ, để kiểm soát chặt chẽ, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo luật đã quy định rõ các tiêu chí, nguyên tắc thành lập.

Theo đó, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập trong 3 trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại các tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; (3) Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

"Sau khi Luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc và thực sự cần thiết, có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy" - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; (3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao

Rõ hơn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến đề nghị sửa đổi luật này, một mặt phải tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, mặt khác cũng phải ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, nhất là với nội dung thanh tra liên quan đến an ninh, quốc phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc phức tạp dư luận xã hội quan tâm.

Thanh tra tổng cục và thanh tra sở được thành lập khi nào? - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để quy định rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động thanh tra.

Theo đó, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng cơ quan khác của Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Dự thảo quy định rõ và tăng cường trách nhiệm chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng như với người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên…

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định: “Dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo.

Ngoài ra, luật quy định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh mới phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Còn việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác chỉ thực hiện khi cần thiết, theo quyết định của người ra quyết định thanh tra./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại