Thanh tra tổng cục, cục, sở được thành lập khi nào?

Luân Dũng |

Chiều 2/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Các dự án luật vừa thông qua được công bố, bao gồm: Luật Bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Thanh tra tổng cục, cục, sở được thành lập khi nào? - Ảnh 1.

Phó tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm

Không làm phát sinh đầu mối

Trao đổi, thông tin về những điểm mới về Luật Thanh tra năm 2022 , Phó tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, lần sửa đổi này, luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra.

“Việc thành lập các cơ quan thanh tra tổng cục, cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ”, ông Liêm nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, thanh tra tổng cục, cục được thành lập khi đơn vị đó có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, việc thành lập thanh tra sở nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp biên chế, đảm bảo tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả. Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp sở đó có phạm vi quản lý rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Cũng theo ông Liêm, luật vừa được thông qua đã quy định cụ thể, rành mạch thẩm quyền, quy trình, thời hạn các báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng ban hành, công khai kết luận thanh tra.

“Giám sát hoạt động thanh tra cũng là một trong những nội dung mới, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra”, ông Liêm cho hay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 gồm 4 chương, 66 điều, quy định Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Để đáp ứng thực tiễn, luật cũng bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế”, Phó Thống đốc cho hay.

Trao đổi với báo chí về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, Phó Thống đốc cho biết, luật bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Về quy định nội bộ, theo ông Nguyễn Kim Anh, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 làm rõ hơn yêu cầu về quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo, giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

“Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán, đồng thời sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại