Sáng 9-1, UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát lại tất cả bãi giữ xe trên địa bàn quận 1 sau bài viết "Bí mật sau vỉa hè quận 1" đăng trên Báo Người Lao Động cùng ngày.
Phải dành cho giao thông
Theo chỉ đạo của UBND TP, sau khi rà soát sẽ tiến tới chấm dứt việc giữ xe trên vỉa hè. Lý do, vỉa hè phải dành cho giao thông, nếu sử dụng cho mục đích khác thì phải sắp xếp làm sao không ảnh hưởng đến giao thông.
UBND TP đánh giá việc giữ xe trên vỉa hè đang tràn lan, bị trục lợi. Do đó, cần rà soát, chấm dứt ngay trong quý I. "Trừ những nơi thật sự cần thiết giữ xe có thể giao cho thanh niên xung phong tổ chức thực hiện.
Nếu là doanh nghiệp xin giữ miễn phí thì quận có thể cho phép giữ tạm" - UBND TP chỉ đạo.
Đối với 48 bãi giữ xe nằm ở các vị trí vỉa hè - được mệnh danh là đất "vàng" ở quận 1 - do các phòng, ban của UBND quận đã và đang đứng tên, UBND TP giao quận 1 thanh tra việc cấp phép, báo cáo UBND TP.
Hiện UBND TP đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận 1 làm việc với Lực lượng TNXP TP để bàn giao các bãi giữ xe cho TNXP, bãi giữ xe nào ảnh hưởng giao thông thì sẽ dẹp luôn.
Cũng trong sáng 9-1, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi ngắn với Chủ tịch UBND quận 1 - ông Trần Thế Thuận.
Khi phóng viên đề cập Báo Người Lao Động đã có công văn gửi UBND quận 1 để xác minh thông tin hoạt động cấp phép bãi xe 2 bánh trễ hẹn và nhiều bãi do các phòng ban của quận đứng tên hoạt động sai quy định, ông Thuận cho biết chưa nhận được nội dung trên.
Tuy nhiên, ông Thuận thông tin: "Thông thường, khi xử lý những văn bản như thế này, liên quan đến lĩnh vực nào thì lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đó được phân công có trách triệm trả lời trước.
Lĩnh vực đô thị do đồng chí Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải phụ trách. Tôi sẽ kiểm tra lại, xem văn phòng đã báo cáo phó chủ tịch đô thị chưa".
Như Báo Người Lao Động phản ánh, có 48 bãi giữ xe nằm ở các vị trí vỉa hè dạng đất "vàng" này và do các phòng, ban của UBND quận 1 đã và đang đứng tên.
Một cán bộ công tác tại UBND quận 1 cho biết thực trạng này tồn tại từ rất lâu. "Hễ thấy nơi nào đủ điều kiện cấp phép tạm một phần vỉa hè là các phòng, ban giành nhau đăng ký. Thậm chí cấp phường cũng giành" - vị cán bộ này nêu.
Trong khi các bãi giữ xe trên vỉa hè với danh nghĩa "người nhà" dễ dàng được cấp phép và bỏ qua sai phạm thì từ tháng 6-2017 đến nay, đã có gần 700 hồ sơ liên quan đến việc "gia hạn, cấp mới các bãi giữ xe có thu phí và không thu phí trên vỉa hè" của người dân, doanh nghiệp ở quận 1 bị "ngâm".
Một diễn biến khác liên quan là Công an TP HCM đang tiến hành điều tra một số sai phạm liên quan đến hoạt động của Đội Quản lý Trật tự đô thị (TTĐT) quận 1.
Bỏ qua nhiều nội dung rất quan trọng
Tháng 2-2017, Thanh tra quận 1 đã thanh tra hoạt động cấp phép, sử dụng một phần vỉa hè thu phí và không thu phí. Nội dung kết luận do Chủ tịch UBND quận 1 ký nêu rõ hàng loạt sai phạm về chiếm vỉa hè giữ xe trái phép trong nhiềm năm qua.
Ngoài ra, để tồn tại nhiều cá nhân lợi dụng việc cấp phép tạm sử dụng vỉa hè để kinh doanh dịch vụ giữ xe gây thất thu ngân sách nhà nước; chưa thực hiện chặt chẽ việc áp dụng tình tiết tăng nặng đối với 30 bãi xe, điểm giữ xe vi phạm nhiều lần.
Đáng nói nữa là kết luận thanh tra đã "bỏ quên" 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất, tiền thuế truy thu từ việc thuê đất tạm vỉa hè không được nhắc tới và thông tin 48 bãi xe hoạt động sai do các phòng, ban quận 1 đứng tên.
Trong đó, có bãi xe do chính Thanh tra quận 1 đứng ra nhận giữ xe "không thu phí"; bãi xe sau lưng Nhà hát TP rộng hơn 800 m2 do Đội Quản lý TTĐT quận 1 đăng ký giấy phép nhưng hết hạn, thu lợi khoảng 12 tỉ đồng/năm…
Vậy: Số tiền thuê từ vỉa hè đang ở đâu?
Cùng ngày, lãnh đạo quận 1 đã yêu cầu các phòng, ban và đơn vị liên quan giải trình về việc gần 700 hồ sơ và các trường hợp bãi xe mà Báo Người Lao Động nêu.
Trong đó, Phòng Đô thị quận 1 cho rằng đầu và giữa năm 2017 việc tiếp nhận hồ sơ là tại Đội Quản lý TTĐT quận 1, sau đó thay đổi cách làm nên chuyển về Văn phòng UBND quận 1.
Từ đó, các hồ sơ ở đội bị dồn và tăng đột biến. Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 8-2017 có hơn 1.000 hồ sơ phải xử lý. Cán bộ giải quyết chỉ có 2 người dẫn đến việc trễ 611 hồ sơ. Sau đó, việc này đã được xử lý xong từ tháng 10-2017.
Ông Đoàn Ngọc Hải vẫn còn làm việc bình thường
Liên quan đến việc Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải vừa nộp đơn xin từ chức, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói ông không biết trước ý định xin từ chức của ông Hải.
Ông Hải thuộc diện cán bộ do Thường vụ Thành ủy quản lý nên đơn sẽ được chuyển đến để Thường vụ cho ý kiến.
Đánh giá về việc làm của ông Hải trong thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: "Anh Hải thực thi công việc rất năng nổ, có trách nhiệm.
Tất nhiên, hôm trước góp ý thì anh cũng rút kinh nghiệm một số vấn đề về phương pháp, vậy thôi. Nói chung anh ấy có rất nhiều cố gắng trong việc sắp xếp tổ chức lại vỉa hè".
Trong khi đó, người phát ngôn UBND TP - Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan - cho hay trong khi chưa có kết luận xử lý cụ thể thì ông Đoàn Ngọc Hải vẫn làm việc bình thường với những nhiệm vụ được phân công như trước nay.
Vỉa hè vẫn bị chiếm dụng tràn lan
Chiều 9-1, ghi nhận trên nhiều tuyến đường thuộc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận... vỉa hè vẫn bị lấn chiếm một cách "không thương tiếc" để buôn bán, kinh doanh hoặc làm nơi đậu xe.
Điển hình như trên đường Trường Sa và Hoàng Sa lúc khoảng 17 giờ tấp nập các quán nhậu, cà phê dọn sẵn bàn ghế để đón khách. Trước số 782 Trường Sa (phường 14, quận 3), một quán bán nước lớn chiếm trọn vỉa hè để xếp xe cho khách.
Bàn ghế sắp sẵn thành dãy dài trên vỉa hè phía trước quán này, choán hết lối của người đi bộ. Cách đó không xa, dọc đường từ cầu Công Lý tới Lê Văn Sỹ, hàng loạt quán cũng cho nhân viên kê bàn, xếp ghế để chờ khách.
Tương tự, đường Phạm Văn Đồng đoạn kéo dài từ cầu Bình Lợi tới vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (thuộc địa bàn 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh), quán nhậu, cà phê cùng các quầy bán hàng rong mọc dày đặc 2 bên đường.
Phần vỉa hè phía trước các quán này hầu hết đều bị chiếm dụng để làm chỗ giữ xe cho khách.
Chiều 9-1, tại khu vực gần giao lộ với đường Nguyên Hồng, phóng viên ghi nhận nhân viên quán cà phê Th.M cho xe máy của khách xếp thành dãy trên vỉa hè, chỉ để lại một phần nhỏ cho người đi bộ.
Thậm chí, trạm dừng xe buýt phía trước quán cà phê này còn bị "trưng dụng" làm nơi để xe của khách vào buổi tối mỗi ngày.
Tương tự, trên đường Rạch Bùng Binh, Kỳ Đồng, Trần Quốc Thảo (quận 3); đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận)..., tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán cũng diễn ra rất phổ biến.
Nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán kê đồ trên vỉa hè, khi khách hàng đến phải đậu xe dưới lòng đường để mua.
Trên đường Rạch Bùng Binh, nhiều người đi bộ phải len lỏi giữa xe máy dựng trên vỉa hè hoặc đành di chuyển dưới lòng đường chung với các loại xe đang lưu thông vun vút.
Tại quận 1, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ nút giao Lê Duẩn đến Nguyễn Đình Chiểu) nhiều đoạn bị các cơ sở kinh doanh sử dụng để giữ xe 2 bánh.
Đáng chú ý nhất là khu vực trước Công ty CP Đào tạo và Phát triển Sapa Việt Nam, nhân viên giữ xe tận dụng hết 1/2 diện tích vỉa hè để giữ hàng trăm xe máy.
Khi chúng tôi hỏi liệu chiếm vỉa hè để giữ xe như vậy có bị các cơ quan chức năng kiểm tra không thì người giữ xe ở đây cho biết thỉnh thoảng cũng có người tới nhắc nhở chứ không xử phạt.
Tương tự, đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn trước Thảo Cầm Viên Sài Gòn), mới 16 giờ nhưng vỉa hè và một làn đường đã bị ô tô đậu kín.
Đường Song Hành (phường An Phú, quận 2) từ nhiều năm qua bị các nhà hàng hai bên chiếm trọn 2 làn dành cho xe 2 bánh lưu thông để làm nơi đậu xe hơi khiến cho xe 2 bánh qua đoạn đường này phải đi vào làn xe 4 bánh.
Giờ cao điểm, khu vực này thường xuyên ùn tắc.
Chúng tôi gặp một tốp CSGT của quận 2 đang kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm nhưng không hề thấy họ xử lý các trường hợp ô tô đậu dưới lòng, lề đường nói trên.
Một số chủ quán nhậu ở đây cho biết việc đậu xe dưới lòng, lề đường này đã được "cấp phép" (!).
G.Minh - T.Đồng