Ngoài xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone, Bộ TT&TT đã tịch thu 6.900 SIM được đăng ký thông tin thuê bao và kích hoạt sẵn dịch vụ.
Sáng 4/6, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Đây là đợt thanh tra được thực hiện rộng khắp trên cả nước từ ngày 1/10/2019 - 20/11/2019.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, tại thời điểm thanh tra, tổng số thuê bao trên mạng của 5 doanh nghiệp viễn thông là 129,9 triệu thuê bao. Trong đó, VNPT có 31,8 triệu thuê bao, Viettel có 67,4 triệu thuê bao, MobiFone có 26 triệu thuê bao, Vietnamobile có 4,4 triệu thuê bao, Gtel có 230.000 thuê bao.
Hội nghị tổng kết việc thanh tra quản lý thông tin thuê bao di động. Ảnh: Trọng Đạt
Sau quá trình thanh tra, các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 417,25 triệu đồng. Thanh tra Bộ TT&TT đã phối hợp với Cục Viễn thông xử phạt 4 doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, mỗi doanh nghiệp 90 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng là 777,25 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, Bộ TT&TT cũng đã tịch thu 6.900 SIM đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Đợt thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh các vi phạm hoạt động trong cung cấp dịch vụ thuê bao di động trả trước.
Các sai phạm của nhà mạng viễn thông
Kết quả thanh tra cho thấy, cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đều xuất hiện tình trạng sử dụng cùng một ảnh chụp để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vào các thời điểm khác nhau. Khách hàng không trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để chụp ảnh nhưng vẫn thực hiện giao kết hợp đồng bằng ảnh chụp từ CMND/CCCD.
Một số nhà mạng vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao trên hệ thống khác với thông tin trên giấy tờ tuỳ thân của chủ thuê bao. Nhiều điểm cung cấp dịch vụ viễn thông chưa niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch.
Bộ TT&TT đang tích cực vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn.
Tại Viettel, MobiFone và Vietnamobile, đoàn thanh tra ghi nhận việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Một số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được MobiFone ủy quyền đã sử dụng các cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể thông qua hình thức Hợp đồng phát triển thuê bao trả trước để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu.
Với Viettel, tập đoàn này đã ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân (không phải là nhân viên của Viettel) để triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Nhà mạng này còn dùng dữ liệu thông tin thuê bao có sẵn của khách hàng để nhập thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng nhiều chủ thuê bao VNPT sử dụng số thuê bao thứ 4 trở lên nhưng doanh nghiệp không thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tại Vietnamobile và Gtel, thanh tra Bộ phát hiện chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã sử dụng thông tin của người khác để đăng ký số lượng lớn thuê bao di động trả trước. Trang thông tin điện tử của Vietnamobile cũng chưa đăng tải đầy đủ các nội dung theo quy định.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký văn bản nhắc nhở lần 1 đối với lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông về việc chấn chỉnh tình trạng bày bán SIM rác.
Quản lý SIM rác sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp
Tổng kết công tác thanh tra, ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT kiến nghị các Sở TT&TT phối hợp với công an và quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, mua bán, tàng trữ, vận chuyển SIM rác, đăng ký thuê bao không đúng quy định.
Theo ông Trí, người dân sẽ rất dễ bị mất số thuê bao, thường xuyên phải nhận các cuộc gọi rác, tin nhắn rác nếu vẫn còn sử dụng SIM rác.
Ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Đối với doanh nghiệp viễn thông, Thanh tra Bộ đề nghị các nhà mạng tiếp tục phát triển phần mềm AI để nhận diện người sử dụng một cách thống nhất và đồng bộ.
Bộ TT&TT khuyến khích các nhà mạng tăng cường kiểm tra, không cho sử dụng dịch vụ đối với những chủ thuê bao có dấu hiệu bất thường. Thanh tra Bộ đề nghị nhà mạng chủ động đưa ra các giải pháp và cam kết cùng thực hiện nhằm xử lý triệt để vấn đề SIM rác.
Dư địa cho phát triển thị trường viễn thông không còn nhiều, cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn tới tình trạng chi phí tăng lên trong khi lợi nhuận giảm sút. Do đó, theo thanh tra Bộ TT&TT, việc siết chặt công tác quản lý SIM rác sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho chính doanh nghiệp.