Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đã nêu thực trạng trên trong hội thảo về bộ chỉ tiêu đánh giá người nộp thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức.
Ngoài ra còn có một thực tế đáng lo là có những DN tuân thủ chính sách thuế rất tốt nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại không được đánh giá là tốt.
Thậm chí có những DN không có sai phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế không truy thu được gì nên… buồn.
Lý do đơn giản, theo bà Cúc, là các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế thường được giao “chỉ tiêu”.
Có nghĩa là mỗi đoàn thanh tra, kiểm tra thuế khi trở về đều phải… có số thu, nếu không đoàn sẽ bị đánh giá là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Chính vì vậy mới có chuyện nghịch lý: Không ít công ty đành phải để ra một số sai phạm nào đó để khi cơ quan thuế vào kiểm tra thì có cái mà thu!?
“Tôi nghĩ rằng đó là những DN tuân thủ tốt chính sách về thuế, cần phải được biểu dương, tôn vinh. Không nên cảm thấy buồn khi đi thanh tra, kiểm tra mà không thu được gì từ các đơn vị này” - bà Cúc nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng đối với các DN làm ăn tốt, không có sai phạm về thuế thì phải được khen thưởng và ưu đãi.
Còn đối với đơn vị yếu kém thì phải có cách xử lý hợp lý hoặc có biện pháp vực dậy. Mặt khác thực tế cho thấy có những công ty nhỏ nộp thuế ít nhưng lại tuân thủ chính sách thuế rất tốt.
Cho nên chính sách thuế phải cân nhắc để không biến người tốt thành người xấu và ngược lại.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, người từng lắng nghe nhiều bức xúc của DN, thẩm định và cọ xát nhiều chính sách thuế, nhìn nhận rằng trong việc hoạch định chính sách thuế cần phải loại bỏ tư duy “một người đau mắt bắt cả làng uống thuốc”.
Để làm được điều này thì một trong những vấn đề quan trọng là chính sách thuế cần phải minh bạch, hiệu quả, có tính ổn định và dự báo được.
Qua đó nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích để DN tồn tại và hoạt động, ngân sách nhà nước có nguồn thu ổn định, việc làm và thu nhập cho người lao động bền vững.
Một chính sách thuế như vậy thì mới khuyến khích DN làm ăn chân chính, đàng hoàng, đóng góp nhiều cho đất nước.
Quả thật, trên thực tế có một số DN lợi dụng chính sách thuế để trục lợi với những hình thức như làm hai sổ sách, làm giả hợp đồng, chuyển giá...
Nhưng phần còn lại là các DN mong muốn có một chính sách thuế minh bạch, rõ ràng vì chính bản thân họ cũng rất rõ ràng, minh bạch.
Do đó, chính sách thuế cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị làm ăn đàng hoàng, tránh tình trạng DN làm ăn chân chính mà cứ phập phồng lo sợ, như lời đại diện một DN phát biểu: “Chúng tôi muốn đóng thuế xong rồi thì tối về ngủ ngon, không lo sáng mai bị phạt”.