Nữ diễn viên vào vai Thanh Sói trong Hai Phượng gây ấn tượng là một người giản dị, gần gũi và yêu quý cái nghề của mình một cách chân thành. Thanh Hoa nói với người phỏng vấn rằng, "Đừng gọi tôi là diễn viên! Hãy gọi tôi là cascadeur cũng được".
Gặp Thanh Hoa, chúng tôi khá bất ngờ vì ngoài đời chị là một người thật giản dị từ phong cách ăn mặc cho đến cách nói chuyện. Chị chia sẻ, tâm sự với chúng tôi một cách chân thành.
Khá ngạc nhiên, những câu chuyện mà chị chia sẻ nhìn chung cũng chỉ xoay quanh ước mơ, niềm đam mê của chị dành cho nghiệp "đóng thế" chứ Thanh Hoa không có tham vọng nổi tiếng.
Có vẻ như ánh hào quang từ vai diễn Thanh Sói còn đang làm khó và gây áp lực cho chị nữa là đằng khác.
Câu chuyện của chị dừng lại ở ước mơ được theo đuổi cái nghề hành động mang tên "diễn viên đóng thế" và việc trở thành Thanh Sói và được mọi người yêu mến là ngoài tưởng tượng của chị mà sau khi sự yêu mến ấy tìm đến, Thanh Hoa chia sẻ rằng mình vẫn còn đang "sốc".
Một Thanh Sói khi trở về với đời thường
Cuộc sống của Thanh Sói sau khi rời khỏi trường quay thật giản dị. Buổi sáng thì chị ra chợ với cái sạp cá, tối thì đi học tiếng Anh, tối thì đi luyện võ cùng anh em trong võ đường. Sự nổi tiếng và báo giới ùa tới làm chị bị "sốc" nhưng chị vẫn khẳng định mình không hề hối hận khi nhận vai Thanh Sói.
Chị đóng phim được bao lâu rồi?
Tôi xuất thân là một cascadeur, đóng thế cho người ta thì nhiều nhưng toàn tham gia những vai nhỏ nhỏ không hà. Chỉ có đến phim Hai Phượng thì mới có được một vai có đất diễn.
Đi đóng phim thì thường tốn nhiều thời gian, điều này có ảnh hưởng đến kinh tế gia đình chị không, sạp cá thì sao, vì thu nhập của cascadeur chị từng chia sẻ là "không đủ sống"?
Công việc chính của tôi vẫn là buôn bán. Đi phim thì khi nào rảnh, hoặc sắp xếp được thời gian đi mới đi. Còn chuyện buôn bán cá nhân, kinh tế, doanh thu của gia đình tôi thì cho phép tôi được giữ riêng và không nhắc đến.
Phải thường xuyên đi đóng thế, đi dạy, rồi chị bán cá lúc nào? Ngày chị bận thì có ai phụ?
Bây giờ thì tôi không còn dạy võ nữa, buổi sáng thì tôi chỉ buôn bán ngoài sạp, chiều nghỉ ngơi còn thì tuần 3 lần tôi đi học ở trường ngoại ngữ. Các buổi tối còn lại tôi duy trì tập võ cùng các anh em ở võ đường với anh Quốc Thịnh.
Với một người luôn cận kề mạo hiểm tính mạng như vậy, những người thân bên cạnh chị phản ứng và hoà hợp với chị ra sao?
Lúc đầu tôi mới theo nghề đóng thế thì ba mẹ tôi cũng lo lắng, nhưng vì thích quá nên tôi cũng cố gắng thuyết phục ba mẹ cho tôi theo nghề miễn tôi đừng để mình bị thương. Cũng may là khi tập luyện, tôi và anh em ở võ đường tập rất kỹ và có tính toán trong kỹ thuật tập nên cũng ít bị tai nạn.
Vì là diễn viên cascadeur nữ, nên khi té ngã cũng có mấy anh em lo lắng giúp đỡ. Đặc biệt trước mỗi pha mạo hiểm, các anh em cũng đã thử trước, chắc chắn an toàn rồi mới đến tôi thực hiện.
Lúc đầu xin thì ba mẹ không cho nên cũng thôi không làm nữa nhưng sau một thời gian vì muốn làm với nghề quá nên cũng đành phải năn nỉ ba mẹ cho đi làm. Cũng nhờ xuất thân là người học võ, nên khi xin ba mẹ cũng dễ hơn vì họ tin là bản thân tôi luôn biết cách tự vệ trước những nguy hiểm.
Có phân cảnh đóng thế nào trong sự nghiệp từng đủ khiến chị gần như đánh đổi cả tính mạng của mình không?
Tai nạn thì cũng có nhưng tôi chưa gặp phải trường hợp nào tới mức phải đánh đổi cả tính mạng. Là cascadeur thì cũng phải bảo đảm an toàn cho anh em, mọi người chứ không phải làm cascadeur nghĩa là liều mạng đâu! Chúng tôi luôn có sự tính toán trong mọi cảnh quay để đảm bảo an toàn, chứ không phải làm việc thiếu suy nghĩ, tính toán.
Những người em chị nghĩ như thế nào khi chị đi đóng phim suốt ngày?
Tôi là con cả trong nhà, khi mà tôi theo cái nghề này từ 14 năm trước những đứa em của tôi vẫn còn nhỏ. Em tôi lúc đó chưa có ý thức về công việc tôi làm lúc ấy, khi các em lớn lên thì tôi đã có thâm niên trong công việc, cũng cứng cáp để bảo vệ an toàn cho bản thân rồi nên em út trong nhà cũng không đặt nặng quá về công việc của tôi.
Nếu chẳng có một Thanh Sói nào, chị nghĩ cái đam mê của chị sẽ kéo dài đến bao lâu?
Đối với vai Thanh Sói, tôi đến với nó vì công việc. Nghĩa là vai này cần một người đảm nhiệm vì tính chất hành động của vai thì tôi nhận, chứ tôi không đặt nặng chuyện đóng vai này để được mọi người yêu thích. Nếu không có vai diễn này, tôi vẫn là một cascadeur bình thường, chẳng sao cả. Sau vai Thanh Sói, mọi người vẫn có thể gọi tôi là cascadeur chứ không nhất thiết phải gọi tôi là diễn viên Thanh Hoa hay Thanh Sói gì cả. Đối với tôi không quan trọng, tôi tự hào là một cascadeur nên vai Thanh Sói không phải là động lực để tôi bám với nghề mà bản thân công việc đóng thế này là động lực, đam mê của tôi.
Đam mê không giới hạn nhưng sức người có hạn, chị nghĩ cái hạn đó nằm ở đâu?
Cũng giống như bạn nói đó! Sức người và tuổi tác có giới hạn. Đối với tôi, hiện tại thì tuổi tác và sức khỏe cho phép thì mình cứ "chơi". Đến một lúc nào đó, sức khỏe của tôi không có phép nữa thì tôi sẽ phải dừng lại thôi! Cái gì cũng có giới hạn, buổi tiệc nào cũng phải tàn thôi. Tôi đến và ở lại với nghề là vì đam mê, và tình cảm mà anh em trong đoàn dành cho nhau. Chúng tôi luôn chia sẻ những khó khăn trong nghề, trong cuộc sống nên rất khắng khít và hiểu nhau. Đó là lí do tôi vẫn theo được nghề cho đến ngày hôm nay.
Chị có nghĩ rằng đóng thế là một nghề quá rủi ro cho những thành viên còn lại trong gia đình chị không, khi mà bản thân chị và những người trong nghề luôn phải đối mặt với những pha nguy hiểm?
Lựa chọn theo nghề cascadeur là do chính tôi đưa ra, không phải bị áp đặt từ phía gia đình. Việc tôi làm phải do chính tôi chịu trách nhiệm nên tôi phải tự biết bảo vệ bản thân để người thân không phải lo lắng cho mình.
Chị nghĩ lí do lớn nhất của việc tình cảm mình tan vỡ là gì, liệu có phải là vì đam mê theo nghề quá lớn, đến nỗi chị không thể lo lắng, chăm sóc cho tình yêu của mình?
Nói chung là cũng có liên quan đến công việc và đam mê. Người đàn ông có lẽ luôn muốn được thể hiện bản lĩnh đàn ông của mình, còn bản thân tôi thì lại quá mạnh mẽ. Có thể điều đó là một cản trở trong tình cảm cả hai. Đối với tôi, nếu đã chọn yêu Thanh Hoa thì xin hãy yêu hết mọi thứ thuộc về bản thân tôi chứ không phải vì một vài khía cạnh nhỏ của con người mình.
Về chuyện cũ, nếu tình yêu không đủ thì thôi chứ biết làm thế nào bây giờ? Lúc trước tôi cũng thấy khá chạnh lòng về con đường tình duyên của mình, nhưng bây giờ thì tôi không còn thấy vậy nữa. Cái gì cũng có giá của nó, khi chọn con đường làm cascadeur thì tôi đã chấp nhận và đánh đổi những "cái giá" để trở thành một diễn viên đóng thế. Đến bây giờ tôi cũng không hối hận vì đã chọn lựa như vậy.
14 năm làm nghề để có một vai diễn lớn, chị nghĩ đó là may mắn hay nghĩ thực sự cố gắng trong nghề sẽ được Tổ đền đáp?
Vai diễn này đối với tôi là một may mắn, bất ngờ rất lớn. Tôi không hề nghĩ mọi người lại yêu thích nhân vật của mình đến như vậy luôn đó. Khi đi thử vai tôi chỉ biết là phải cố diễn hết mọi điều mà đạo diễn yêu cầu, để tròn vai nhân vật thôi! Thực sự đến ngày hôm nay tôi vẫn còn rất bất ngờ và chưa hòa nhập được vào cảm giác này luôn!
Cuộc sống của chị trước và sau vai Thanh Sói có khác nhau gì không?
Cuộc sống của tôi bị xáo trộn rất là nhiều. Tôi không còn sự tự do nhiều như trước, bạn bè lúc trước nói chuyện thoải mái nhưng gần đây cứ "Thanh Sói" này, "Thanh Sói" nọ! Biết là ai cũng có ý chúc mừng mình nhưng vẫn có cảm giác không thoải mái. Mấy hôm nay thì phóng viên báo đài cũng liên lạc với tôi rất nhiều. Thực sự trước giờ tôi không tiếp xúc với truyền thông nhiều thế này nên cũng làm cho tôi bị sốc lắm. Tôi không biết diễn tả như thế nào nhưng lúc này tôi đang thấy rất áp lực sau khi nhận vai Thanh Sói.
Có điều tôi không cảm thấy hối hận vì đã nhận vai diễn này. Vì tôi đến với nghề cascadeur và điện ảnh là vì đam mê. Làm tròn vai và được khán giả yêu mến thì tôi phải thích chứ sao có thể hối hận được? Tôi chỉ là chưa hòa nhập được với không khí, môi trường thế này thôi.
Nếu đã quen với môi trường này rồi thì chị có ý định tiếp tục với vai trò diễn viên không?
Vai Thanh Sói vẫn chưa đủ để gọi tôi là một diễn viên, hoặc đánh dấu những thành quả của tôi đối với nghệ thuật đâu! Tôi phải làm được nhiều cái nữa, nếu có cơ hội, Tổ cho thì tôi sẽ để mình thử sức mình với những vai diễn khác. Để khán giả và bản thân tôi có thể nhận định là mình có thể hiện được những vai diễn khác hay không.
Khá nhiều khán giả khi xem phim nhận xét chị có gương mặt khá giống diễn viên hài Lâm Vĩ Dạ phiên bản... "gân guốc" hơn, chị đã từng nghe qua lời nhận xét này sau khi phim công chiếu chưa?
Có tôi có xem qua. Lúc đó tôi nghĩ mình đâu có giống Lâm Vỹ Dạ lắm đâu ta? Không hiểu sao mọi người nghĩ như vậy nữa.
Một Thanh Hoa khi là "cascadeur"
Thanh Hoa nhắc đến từ "cascadeur" với tất cả niềm tự hào. Mặc cho các câu hỏi được đặt ra dùng linh hoạt từ "diễn viên đóng thế", "stunt"... Chị vẫn một mực trung thành với cách dùng từ của chị. Cứ như thể đó là từ mà chị yêu mến, như chính cái nghề của mình. Thanh Hoa kể về công việc của mình một cách đam mê nhất có thể.
Chị sợ điều gì nhất khi làm cascadeur?
Dĩ nhiên điều tôi lo sợ cho bản thân và anh em nhất đó là bị tai nạn. Đó là điều không thể tính trước đó, dù có tập luyện nhiều hoặc tự tin bao nhiêu thì khi ra hiện trường cũng không thể đoán trước được. Có thể do tâm lý mình hôm đó không ổn hay do khí hậu gì đó, nhưng bản thân tôi phải luôn bảo đảm an toàn cho mình, và cho các anh em trong nghề tới mức tối đa. Tránh gây chấn thương hay tổn hại đến tính mạng.
Có lần tôi tập đánh kiếm với bạn diễn, do sơ xuất nên tôi bị một cây đao bằng sắt chém trúng đầu. Cũng may hết 5, 6 mũi đó! Có lần tôi đi diễn, do sơ suất trên hiện trường mà tôi bị lệch khớp vai. Đó là một số tai nạn nặng nhất đến với tôi.
Chị là một trong số hiếm người anh em cascadeur có cơ hội từ đóng thế thành một diễn viên có đất diễn, chị nghĩ cái nghề này có bạc quá không?
Nói thật thì cũng có hơi bạc, nhưng do bản thân tôi đã chọn nghề này, chọn đứng sau ánh hào quang của người khác. Khi đã chọn nghề này, thì tôi chỉ biết là làm tròn phần công việc của mình thôi chứ không mong mỏi trở thành người này người kia. Tôi chỉ mong mình làm tốt phần việc của mình là được rồi chứ không phải tôi nhận làm cascadeur để tìm cơ hội để trở thành một người nổi tiếng. Đó không phải là đam mê của một cascadeur.
Sự phân biệt đối xử giữa diễn viên đóng thế với diễn viên theo chị quan sát thì việc này đang ở mức độ nào?
Đôi lúc tôi cũng có hơi chạnh lòng khi mình không được như những diễn viên chính. Một số người diễn viên cũng có quan tâm, hỏi han, lo lắng cho mình. Sau khi quay xong họ cũng có đến cảm ơn, nhưng cũng có một số người coi việc chúng tôi làm là trách nhiệm, là công việc chúng tôi phải làm khi đã nhận tiền công mà không có một hành động nào cả. Đôi lúc như vậy tôi cảm thấy khá buồn, nhưng tôi luôn tâm niệm là mình chỉ cần làm tốt công việc của mình thôi, chuyện khác tôi không để tâm.
Làm phim là một nghề rất cực, tổ cascadeur có lẽ là tổ cực khổ hơn cả. Có một số chia sẻ rằng khi cascadeur bị thương vẫn phải ra sơ cứu rồi đóng tiếp còn đoàn phim thì không nghĩ tới người diễn viên đóng thế mà chỉ biết quay sao cho kịp lịch trình. Chị có thường gặp chuyện này không?
Thực lòng mà nói thì bây giờ người ta coi trọng cascadeur hơn, không như ngày xưa. Ví dụ có xảy ra chấn thương thì đạo diễn cũng sẽ cho ngừng để chăm sóc vết thương, vì có cố ép quay nữa cũng không được, không những vậy còn ảnh hưởng nhiều hơn đến tiến độ quay.
Ngày trước thì khác, nhưng tôi không nhớ những chuyện đó. Tôi lúc đó chỉ thấy vui khi được đi đây đi đó, gặp gỡ nghệ sĩ này nọ... Dù sao thì tôi cũng là phụ nữ, mọi người cũng lo lắng cho tôi khá nhiều. Bản thân tôi chưa trải qua những trải nghiệm như vậy nhiều vì tôi luôn được mọi người chăm lo.
Lúc thấy chị trên màn ảnh, anh em cascadeur đồng nghiệp có nghĩ Thanh Sói sẽ là tiền đề cho nhiều người trong giới tự tin tham gia casting phim?
Sau khi đóng phim xong thì anh em cũng chúc mừng tôi khá nhiều. Mọi người còn hỗ trợ tôi trong những lần đi quay lại cảnh luyện tập này nọ cho các kênh truyền hình nữa. Đối với tôi thì đội cascadeur giống như một gia đình thứ hai ấy. Vì vậy tôi hy vọng rằng vai diễn của mình có thể thành niềm cảm hứng để các anh em cascadeur tìm cho mình một cơ hội thể hiện bản thân trong các vai diễn chứ không chỉ mãi làm người đóng thế.
Khi bị các đoàn phim phân biệt đối xử với diễn viên chính, tại sao chị vẫn tiếp tục làm nghề?
Đó là đam mê. Cụ thể ở đây là đam mê khi bản thân chúng tôi làm được những điều mà người khác không thể làm, không dám làm. Dù biết là nguy hiểm nhưng khi thực hiện xong một cảnh quay mạo hiểm, cho dù bị chấn thương nhưng chỉ cần nghe đạo diễn nói "OK!" thì tôi và anh em liền cảm thấy rất sung sướng, rất đã. Cảm giác đã ở đây là vì mình cùng với anh em đã thực hiện được một cảnh quay khó, nhưng vẫn hoàn thành tốt yêu cầu của đạo diễn.
Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về một cảnh "khó" mà chị từng thực hiện không?
À đó là một cảnh tôi đóng thế cho một nữ diễn viên. Cảnh đó quay ở một lò gạch dưới Vĩnh Long, cảnh đó người nữ diễn viên sẽ phải bị té từ trên đỉnh lò gạch xuống dưới đất. Trên đường té lăn xuống, người diễn viên bị va vào đủ thứ chỗ, cái ống khói, rồi những mảng tường...
Lúc đó có một đàn em vô sau, vì cảnh nguy hiểm nên cậu ấy nói với tôi rằng "Chị ơi cảnh này nguy hiểm nên em sẽ làm mẫu chị xem, chị nhìn theo em rồi làm theo cho an toàn nghe!". Tôi cũng muốn tự mình làm thử nhưng để đảm bảo an toàn cho tôi, cậu em đó đã không đồng ý vì thực sự là rất nguy hiểm. Tới lúc thực hiện xong cảnh quay, tôi nằm bất động trên mặt đất để giữ được độ chân thật cho cảnh quay chứ không phải tôi bị tổn thương nặng nề gì, vậy mà lúc đạo diễn hô "cắt!" mọi người ùa vào xem tôi có bị sao không? Nhiều người còn tưởng tôi nằm yên là tại vì tôi đã... xỉu rồi.
Nhưng khi đạo diễn nói rằng cảnh quay đó chúng tôi đã làm đúng và làm tốt thì lúc đó mới thấy rất "đã". Vì công sức mà chúng tôi bỏ ra, những trải nghiệm, đau đớn và rủi ro mà chúng tôi đối mặt đã được đền đáp bằng một cảnh quay đẹp, đúng yêu cầu và chân thật. Không có gì mãn nguyện hơn!
Cám ơn chị đã chia sẻ với chúng tôi nhiều điều trong hôm nay!