Thành phố trẻ nhất Việt Nam chọn một phường rộng 33km2 với hơn nửa vạn dân là trung tâm phát triển

Nhật Minh |

Thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, sau các TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An sẽ phát triển theo 5 cực.

Tân Uyên là một thành phố nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, giáp các thành phố, thị xã và huyện lớn của gồm TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai; TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương.

Ngày 10/4/2023, Nghị quyết thành lập TP Tân Uyên chính thức có hiệu lực. Từ đây, Tân Uyên trở thành thành phố trẻ nhất Việt Nam. 

TP Tân Uyên mới được thành lập trên cơ sở toàn bộ 191km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 466.000 người của thị xã cũ; cùng 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. 

Đây là thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, sau các TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An. Qua đó, Bình Dương trở thành địa phương thứ hai sau Quảng Ninh có 4 thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy, Quảng Ninh và Bình Dương là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất cả nước.

Thành phố đa cực lấy 1 phường rộng 33km2 là trung tâm

Cuối tháng 1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký Quyết định số 182/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Tân Uyên đến năm 2040. 

Theo đó, đến năm 2030, thành phố này là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Đến năm 2040 là đô thị dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Theo quy hoạch đã được duyệt, đô thị Tân Uyên tiếp tục phát triển theo mô hình đa cực với trung tâm là phường Uyên Hưng hiện hữu. Phường này có diện tích tổng cộng là 33,34 km², và dân số vào năm 2021 là 52.873 người, với mật độ dân số đạt 1.586 người trên mỗi km².

Hướng Đông Bắc phát triển khu đô thị công nghiệp trên cơ sở KCN Nam Tân Uyên mở rộng kết nối với VSIP III. Khu vực phía Đông Nam hình thành khu đô thị cảng trên cơ sở phát triển cảng Thạnh Phước kết nối với cảng Thái Hòa. Khu vực phía Tây Nam cải tạo chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu và khu vực dọc 2 bên tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, trong đó ưu tiên phát triển dọc trục chính đô thị theo các tuyến đường ĐT.746, ĐT.742. Khu vực phía Tây Bắc giữ nguyên KCN VSIP II, phát triển đô thị mới dọc theo Vành đai 4 và đường ĐT.742, hai xã Thạnh Hội và Bạch Đằng phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, phát triển cảng dọc sông Đồng Nai.

Quy hoạch cũng định hướng, TP Tân Uyên có 6 khu đô thị, trong đó khu đô thị trung tâm hành chính - dịch vụ rộng hơn 1.990 ha (vùng lõi trung tâm khoảng 390 ha) gồm một phần phường Uyên Hưng và Khánh Bình. Khu đô thị này lấy trung tâm TP Tân Uyên làm hạt nhân phát triển lan tỏa thông qua các tuyến giao thông chính đô thị. Từ đó phát triển dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí.

Tân Uyên cũng quy hoạch khu đô thị cảng - dịch vụ logistics với diện tích khoảng 2.286 ha tại phường Thạnh Phước và một phần phường Thái Hòa, Khánh Bình. Chức năng khu đô thị cảng và logistics phục vụ cho các KCN của tỉnh và các vùng lân cận. Đặc biệt, khu vực lõi đô thị 330 ha đầu tư cảng Thạnh Phước, cảng Thái Hòa và phát triển các dịch vụ thương mại cấp khu vực, dịch vụ logistics, phát triển các loại hình ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh dọc sông Đồng Nai, suối Cái…

Thành phố trẻ nhất Việt Nam chọn một phường rộng 33km2 với hơn nửa vạn dân là trung tâm phát triển- Ảnh 1.

Thành phố đặt mục tiêu sớm được công nhận là đô thị loại II trước năm 2025, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I năm 2030, tiến tới xây dựng TP Tân Uyên trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đang ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng đô thị nhằm kiến tạo bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại.

Loạt dự án hạ tầng là cú hích cho sự phát triển

Theo định hướng phát triển, đến 2025 thành phố sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung như cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4, đường đi cảng Thạnh Phước và cầu Bạch Đằng 2, mở rộng ĐT.742, ĐT.747A, đầu tư các công trình dịch vụ, công cộng bảo đảm các tiêu chí đô thị loại II.

Đến năm 2030, thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên, đường đi cảng Thạnh Phước, cầu Thạnh Hội 2, xây dựng các khu vực phát triển đô thị dọc Vành đai 4, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics kết hợp cảng sông. 

Đến năm 2040, xây dựng đường sắt TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và hệ thống ga ở Phú Chánh; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các khu vực phát triển đô thị, chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất ngoài KCN thành các khu dịch vụ thương mại, các công trình phúc lợi xã hội.

Về các chỉ tiêu kinh tế, năm 2023, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo đúng định hướng: Công nghiệp (62,3%) - Dịch vụ (36,61%) - Nông nghiệp (1,09%). Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước thực hiện tăng 13,14% so với năm 2022. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện tăng 23,27%. Ước đến ngày 31/1/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99% kế hoạch.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền kinh tế Tân Uyên gắn liền với hoạt động của các khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chế biến gỗ, logistics…

Tân Uyên hiện có hai dự án Khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước là Khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045 ha và Khu công nghiệp VSIP III hơn 1.000 ha, với tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại