Thành phố Rotterdam: Sống chung với lũ 800 năm, trở thành đô thị lớn thứ 2 Hà Lan và cảng biển lớn nhất Châu Âu

AB |

Khẩu hiệu "Sống chung với lũ" (Living with Water) đã trở thành biểu tượng của người dân thành phố Rotterdam.

Chuyên viên tư vấn Eveline Bronsdijk của thành phố Rotterdam-Hà Lan đang cảm thấy vô cùng tự hào khi người dân nơi đây chấp nhận ý tưởng điên rồ của cô là nuôi heo trên nóc nhà. Đây là giống ăn tạp và rất hôi nên chẳng mấy người thích thú khi cho chúng lên nóc nhà.

Ban đầu khi được đề xuất vào năm 2012, chả có ai quan tâm đến kỹ thuật mà cô Eveline khởi xướng dù vị chuyên viên này đã chứng minh rằng việc chăn nuôi gà lợn cũng như trồng nhiều loại cây trên nóc nhà là phù hợp với thời tiết ở Rotterdam. Mưa nhiều và thường xuyên có khiến ngành nông nghiệp nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng nếu di chuyển lên nóc nhà với hệ thống thoát nước hợp lý, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Giờ đây, Rotterdam đã có hơn 40,5 ha diện tích nóc nhà dùng để canh tác và nuôi trồng, cho thấy người dân hoàn toàn có thể sống chung với mưa lũ.

Thành phố Rotterdam: Sống chung với lũ 800 năm, trở thành đô thị lớn thứ 2 Hà Lan và cảng biển lớn nhất Châu Âu - Ảnh 1.

Thành phố sống cùng lũ

Tương tự như nhiều vùng ngập trong mưa lũ khác trên thế giới, Rotterdam thường xuyên có mưa to cùng vô số những cơn bão ghé thăm. Sự thay đổi khí hậu khiến lượng mưa lũ tại đây ngày một nhiều hơn. Trong 100 năm qua, lượng mưa tại Hà Lan nói chung đã tăng tới hơn 20%, làm ảnh hưởng nặng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Riêng tại Rotterdam, khoảng 80% diện tích thành phố này nằm dưới mực nước biển và một số khu vực thậm chí thấp hơn đến gần 6m. Bởi vậy việc ngập úng diễn ra quanh năm tại đây, nhất là khi nước từ các con sống lớn tại Châu Âu như Rhine, Schedlt hay Meuse đổ về.

Như một hệ quả tất yếu, việc chống lũ giờ đây không còn là yếu tố duy nhất người dân cần quan tâm mà vấn đề là phải làm sao sống cùng mưa lũ. Ý tưởng bơm thoát hết nước ra khỏi thành phố trong mùa lũ giờ đã không còn hiện thực và các chuyên gia bắt đầu có những ý tưởng mới để người dân sống trong cảnh nước ngập dâng cao mà vẫn sinh hoạt được.

Nói về sống chung với lũ, có lẽ người dân Rotterdam đã làm khá tốt khi thành phố này được thành lập khoảng 800 năm về trước và dù chịu mưa lũ vẫn phát triển trở thành đô thị lớn thứ 2 tại Hà Lan và là cảng biển lớn nhất Châu Âu.

Sau nhiều năm xây dựng hệ thống đê kè, đập chắn ngăn nước hiệu quả từ biển và sông, thành phố Rotterdam vẫn chẳng ngăn được những trận ngập úng hay mưa lũ do địa thế quá thấp.

"Chúng tôi cứ như một cái bồn tắm luôn bị ngập nước vậy. Thành phố này thiếu những không gian ngầm dưới đất để thoát nước do địa thế quá thấp, bởi vậy việc hướng lên nóc nhà sinh hoạt có thể là một giải pháp", Chuyên gia Eveline nhận định.

Bởi vậy thay vì tiếp tục xây dựng những công trình đê kè, Rotterdam hướng tới tận dụng những cơ hội kinh tế nhờ thay đổi khí hậu và mưa lũ. Năm 2008, thành phố này thực hiện dự án RCP, nhằm hướng đến việc giúp người dân sống chung với thiên tai hơn là cố chống lại chúng.

Cụ thể, dự án này ưu tiên đầu tư công nghệ, phát triển các kỹ thuật và tận dụng mọi nguồn lực để người dân có cuộc sống an toàn, đảm bảo sinh hoạt trong mùa lũ. Bên cạnh đó, dự án còn tập trung phát triển các cơ hội về kinh tế, sản xuất, du lịch nhờ mưa lũ và địa thế thấp của Rotterdam mà một trong số đó là chăn nuôi, canh tác trên nóc nhà.

Để cổ vũ người dân nuôi trồng canh tác trên nóc nhà, chính quyền Rotterdam sẽ hỗ trợ thiết kế cũng như dạy các kỹ thuật liên quan miễn phí. Họ cũng thường xuyên tổ chức hội chợ nóc nhà (Rooftop Days Festival), thu hút hàng nghìn người tham gia để thảo luận và ứng dụng kỹ thuật mới.

Thành phố Rotterdam: Sống chung với lũ 800 năm, trở thành đô thị lớn thứ 2 Hà Lan và cảng biển lớn nhất Châu Âu - Ảnh 2.

Hiện nay, những mảnh vườn nóc nhà tại Rotterdam đã giúp thành phố này hấp thụ khoảng 6.057 m3 nước mỗi ngày, qua đó giảm bớt tình trạng ngập úng do mưa lớn. Chính quyền thành phố Rotterdam lên kế hoạch sẽ tăng hơn 100% diện tích nuôi trồng trên nóc nhà trong 10 năm tới và đặt mục tiêu hấp thụ 18.927 m3 nước vào năm 2030 nhờ công nghệ này.

Tất nhiên con số này chẳng thấm là bao so với lượng nước đổ về thành phố mùa mưa lũ nhưng mục tiêu chính của dự án là giảm áp lực cho cho hệ thống thoát nước cũng như duy trì sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Ngoài ra, dự án còn giúp duy trì hệ sinh thái với nhiều loài sinh vật tồn tại được trong mùa mưa lũ. Đồng thời việc trồng cây trên nóc cũng giúp các tòa nhà giảm khoảng 5 độ C và tiết kiệm 7% chi phí điều hòa.

Biến công viên, bãi để xe thành bể chứa nước

Rotterdam không chỉ dựa vào dự án trồng cây trên nóc để giảm tải cho hệ thống thoát nước, họ còn đầu tư xây dựng những quảng trường cùng hầm để xe có thể làm bể chứa nước trong mùa lũ. Thông thường, các thành phố thường đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước hay kênh rạch để giảm tải cho hệ thống thoát nước nhưng việc này quá tốn diện tích và không thích hợp cho những vùng địa thế thấp như Rotterdam.

Bởi vậy, chính quyền thành phố nơi đây luôn tìm cách tận dụng và sống chung với lượng nước lớn quanh năm mùa mưa lũ.

Dự án quảng trường Benthemplein nằm giữa 2 trường học và một nhà thờ là một dự án như vậy. Quảng trường này có thể chứa hơn 1.817 m3 nước. Quảng trường này có những khu trũng làm sân bóng rổ hay khu thi đấu với các bậc cao. Vào mùa mưa, chúng thành nơi chứa nước và có thể làm bể bơi nếu thiết kế thêm hệ thống lọc nước.

Hiện thành phố đang có khoảng 10 quảng trường cùng hầm để xe có thể chứa nước như vậy và dự định sẽ xây thêm 5 dự án nữa vào năm 2023.

Khẩu hiệu "Sống chung với lũ" (Living with Water) đã trở thành biểu tượng của người dân thành phố Rotterdam. Từ một khu làng nhỏ được thành lập gần một con đập trên sông Rotte vào năm 1270, thành phố Rotterdam đã trở thành đô thị lớn thứ 2 tại Hà Lan và là cảng biển lớn nhất Châu Âu.

Vùng đô thị Rotterdam–Den Haag (Rotterdam-The Hague Metropolitan Area) có khoảng 2,7 triệu người sinh sống và là khu đông dân nhất Hà Lan, đồng thời đông thứ 13 tại Liên minh Châu Âu (EU).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại