Thành phố nhiều rủi ro nhất thế giới

Bảo Hạnh |

TP Manizales - Colombia phải hứng chịu 6 trận động đất lớn trong thế kỷ XX, trong đó có một trận cấp độ 6,2 khiến 2.000 người thiệt mạng

Vào buổi tối định mệnh ngày 13-11-1985, bà Luz Estrella Arías đang ở nhà cùng con gái ở Rio Claro, một ngôi làng nhỏ tại TP Manizales, thủ phủ tỉnh Caldas - Colombia. Đột nhiên những tiếng ầm ầm vang lên khiến bà tưởng rằng có một chiếc xe tải gặp nạn. Ngay sau đó, những tiếng kêu la thảm thiết bắt đầu vang vọng khắp nơi.

Thảm họa tồi tệ

"Suy nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi là phải ở yên trong nhà. Nhưng sau đó, dòng nước bắt đầu tràn vào nên tôi ôm lấy con gái và bước ra ngoài. Dòng nước xiết làm tôi suýt trượt chân nếu không kịp chụp lấy cây cà phê gần đó" - bà Arías kể lại.

Có thể nói, bà đã rất may mắn khi sống trong ngôi nhà nằm tại vị trí khá cao ở Rio Claro. Tuy nhiên, hơn 250 người hàng xóm ở thung lũng của bà lại không được tốt số như vậy. Họ thiệt mạng trong dòng nước xiết và lớp đất đá tạo ra bởi vụ phun trào núi lửa Nevado del Ruiz - một ngọn núi cách Rio Claro 15 km về phía Đông. Phải mất hàng tháng trời, đội cứu hộ mới dọn sạch được đống đổ nát và tìm được các thi thể.

Tuy nhiên, ở khu vực phía Đông của núi lửa, những thiệt hại gây ra bởi vụ phun trào còn nghiêm trọng hơn. Khi một phi công gọi điện báo cho tổng thống khi đó, ông Belisario Betancur, rằng thị trấn Armero đã "bị quét sạch khỏi bản đồ", ông Betancur còn cho rằng đây chỉ là sự phóng đại. Dù vậy, thực tế là có đến 2/3 trong 29.000 người dân thị trấn Armero bỏ mạng trong trận lở bùn nói trên. Đây được xem là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Colombia.

Tọa lạc gần núi lửa Nevado del Ruiz, TP Manizales phải đối mặt với những hiểm nguy từ thảm họa thiên nhiên nhiều hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Địa phương này đã phải hứng chịu 6 trận động đất lớn trong thế kỷ XX, trong đó có một trận cấp độ 6,2 khiến 2.000 người sống gần thị trấn Armenia thiệt mạng. Những đợt núi Ruiz phun trào mạnh mẽ như năm 1985 là khá hiếm nhưng ngọn núi lại thường xuyên phun tro bụi bao trùm cả thành phố và khiến các sân bay đóng cửa. Trong khi đó, địa hình đồi núi của khu vực lại tạo ra một vùng khí hậu thường có mưa nặng hạt và sạt lở.

Vì vậy, 400.000 cư dân thành phố đã học cách làm quen với điều kiện sống đầy rủi ro của họ. Không những thế, họ còn được trui rèn nhờ sự cứng rắn được truyền lại từ tổ tiên. Sau những bài học cay đắng từ thảm họa Armero, thành phố lại trở nên nổi tiếng nhờ một yếu tố khác. Cụ thể, TP Manizales là nơi được nhắc đến nhiều về khả năng giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trên những bức tường của văn phòng Cơ quan Địa chất Colombia, hàng chục màn hình plasma liên tục cập nhật hoạt động địa chấn, hình ảnh vệ tinh và video trực tiếp về núi lửa Ruiz. Với gần 150 máy cảm biến và điểm dữ liệu, Ruiz là một trong những núi lửa được giám sát chặt chẽ nhất thế giới.

Cần chính sách đúng

Trong khi đó, tại những khu dân cư nghèo khó ở ngoại ô thành phố, chính quyền đang tiến hành kiên cố hóa các đồi cỏ bằng bê-tông và đào kênh thoát nước để giảm nhẹ lũ lụt. Thậm chí thành phố còn có cả bản đồ đánh giá rủi ro cho từng tòa nhà. Bộ cảm biến sẽ tự động cung cấp kết quả phân tích theo thời gian thực về nguy cơ xảy ra lũ và động đất.

"Trong trường hợp xảy ra chấn động, mức độ thiệt hại đối với các tòa nhà sẽ được tính toán tự động, cho phép nhà chức trách vận chuyển hàng cứu trợ đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ trong vài phút. Manizales đã được thế giới công nhận về cách tiếp cận sáng tạo trong việc ngăn chặn và ứng phó thiên tai" - ông Mario Salgado-Galvez, một chuyên gia về rủi ro địa chấn ở Colombia, nhận định.

Thành công đặc biệt của TP Manizales dựa nhiều vào chính sách chứ không phải công nghệ tiên tiến. Colombia đã yêu cầu tất cả đô thị tiến hành đánh giá và giảm thiểu rủi ro nhưng hoạt động giảm nguy cơ thiên tai lại đối mặt rào cản từ chính trị. Vấn đề là các thống đốc, thị trưởng có xu hướng xem những dự án hữu hình, như trường học hoặc sân vận động, là những khoản đầu tư tốt hơn cho tương lai sự nghiệp chính trị của mình thay vì chi tiêu để cải thiện khả năng mau hồi phục sau thảm họa.

Tuy nhiên, tại TP Manizales, những trải nghiệm đau thương đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân. "Chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học từ những thảm họa trước đây. Việc ngăn chặn rủi ro đã biến thành một phần văn hóa của địa phương. Các cư dân đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa" - ông Jose Octavio Cardona, thị trưởng thành phố, chia sẻ. Chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án thông qua nhiều phương pháp đa dạng, như thuế môi trường, miễn giảm thuế… Vào tháng 10 hằng năm, thành phố sẽ tổ chức "Tuần lễ phòng ngừa" để các lực lượng diễn tập cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa thiên nhiên, tai nạn giao thông hoặc hỏa hoạn.

Ngay cả khi có hệ thống phòng ngừa thiên tai tiên tiến, cư dân TP Manizales chưa bao giờ tỏ ra lơ là cảnh giác. "Những gì chúng tôi làm sẽ không bao giờ đủ" - ông Cardona khẳng định. Vào tháng 4-2017, những trận mưa lớn đã gây ra hơn 300 vụ sạt lở và khiến 17 người thiệt mạng. Nhờ hệ thống cảnh báo và ứng phó chính xác, thành phố đã trở lại nhịp sống bình thường chỉ trong một tuần.

Dù vậy, những bài học về sự thiếu chuẩn bị vẫn hiện diện khắp nơi. Trước đó một tháng, một cơn bão ập vào TP Mocoa và trở thành một trong những thiên tai chết chóc nhất Colombia trong một thập kỷ vừa qua khi khiến hơn 250 người thiệt mạng vì sạt lở. Công tác tái thiết, phục hồi thành phố đã kéo dài đến gần 6 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại