Thành phố Cần Thơ định chi 30 tỷ đồng diệt chuột: GS Võ Tòng Xuân nói gì?

Cảnh Kỳ |

Liên quan đến kế hoạch phòng chống chuột giai đoạn 2021-2025 với kinh phí gần 30 tỷ đồng của TP Cần Thơ, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NN&PTNT cho rằng số tiền đó là ‘không lớn’, trong khi có ý kiến khác lại cho rằng ‘quá lớn’ và băn khoăn tính hiệu quả…

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2020-2021 vùng Nam Bộ diễn ra hôm nay (24/3) ở Cần Thơ, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng kế hoạch phòng chống chuột cho 5 năm với 30 tỷ đồng là số tiền “không lớn”, thậm chí đưa ra kế hoạch là “quá tốt”.

Thành phố Cần Thơ định chi 30 tỷ đồng diệt chuột: GS Võ Tòng Xuân nói gì? - Ảnh 1.

Nông dân miền Tây bắt chuột. Ảnh: HH

Theo ông Thiệt, đây là kế hoạch tổng hợp nhiều giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng bẫy cây trồng.

“Cần Thơ có khoảng 77.000ha lúa, nếu xảy ra dịch thì số tiền như vậy không đáng là bao để xây dựng biện pháp tổng thể để diệt chuột. TP Cần Thơ dự báo trong tương lai, chuột là loài gây hại nặng, nên kế hoạch vậy là đúng với quan điểm chỉ đạo của ngành. Quá tốt rồi” - ông Thiệt nói.

Khi được hỏi, các địa phương khác tại vùng ĐBSCL vẫn làm tốt công tác diệt chuột nhưng kinh phí không nhiều như ở Cần Thơ, ông Thiệt nói rằng do những địa phương này nhận định chuột là đối tượng chưa gây hại thành dịch trong thời gian tới nên chưa dự trù kinh phí để có kế hoạch quản lý.

Một lý do khác được đại diện Cục BVTV nêu ra là vùng ĐBSCL hiện thiếu lũ, trước đây có lũ về ngập hết đồng ruộng, chuột sẽ tìm những gò hay mô đất cao để trú, nông dân bắt tiêu diệt dễ dàng. “Bây giờ không có lũ thì chuột phân tán đồng đều ra, mà loài chuột sinh sản rất nhanh, theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý thì chắc chắn thiệt hại lớn” – Phó Cục trưởng Cục BVTV nói.

Thành phố Cần Thơ định chi 30 tỷ đồng diệt chuột: GS Võ Tòng Xuân nói gì? - Ảnh 2.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống chuột. Ảnh: HH

Ngược lại với nhận định trên, trước đó, trả lời báo chí, GS Võ Tòng Xuân thì cho rằng, chi phí diệt chuột như trên là “quá lớn”.

Theo ông Xuân, trong các nội dung của kế hoạch, ngành chức năng có tập huấn, hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc sinh học và dụng cụ bẫy chuột. Song, thuốc sinh học diệt chuột có chắc là không độc và không ảnh hưởng môi trường không, còn dụng cụ bẫy chuột thì người dân có bảo quản tốt không?

Với hai cách làm như trên của kế hoạch là tốn tiền nhưng có thể không hiệu quả bằng nông dân tự làm, bởi nông dân có rất nhiều kinh nghiệm, sáng kiến diệt chuột trong rất nhiều năm qua.

“Phải để người dân tự lo, có trách nhiệm với đồng ruộng của mình, chuyện này đa phần nông dân đều chủ động được. Cũng như thời gian qua, sâu rầy, bệnh hại trên lúa thiệt hại rất nhiều, có khi nhiều hơn chuột gây hại nhưng đều do nông dân chủ động phun thuốc…” - GS Võ Tòng Xuân dẫn chứng.

Về cách thức bẫy cây trồng (bẫy cộng đồng) trong kế hoạch diệt chuột của TP Cần Thơ, GS Xuân đồng tình với sự vào cuộc của cán bộ nhà nước, vì thực tế mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cách làm này chỉ thực hiện khi chuột có mật độ cao, có khả năng gây hại nhiều.

“Trên một cánh đồng lúa rộng lớn, nên thuê khoảng 500m2 ruộng ở giữa đồng để làm bẫy cộng đồng, dẫn dụ chuột vào ở rồi bắt, đem bán. Tiền bán chuột có thể bù lại tiền vốn ban đầu thuê 500m2 ruộng lúa đó, thậm chí có lãi, đồng nghĩa không tốn tiền ngân sách. Với cách làm này, một xã có thể có 2 hoặc 3 bẫy cây trồng” - GS Xuân dẫn chứng.

Kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ có tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

Mục tiêu là quản lý đối tượng được chuột gây hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng chính trên địa bàn; tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức về đối tượng dịch hại này để người dân biết rõ và quản lý tốt hơn...

Theo Cục BVTV, vụ Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh phía Nam có 6.294 ha lúa bị ảnh hưởng do chuột, trong đó 6.192 ha là mức độ nhẹ và trung bình, còn 102 ha mức độ nặng. Các tỉnh có chuột xuất hiện và gây hại phổ biến là Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Long An...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại