5 năm đóng tàu, không trả được một đồng nợ gốc
Năm 2015, gia đình ông Lê Văn Lực, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa thẩm định cho vay 14,1 tỷ đồng. Cùng với 1,5 tỷ đồng gia đình ông Lực vay mượn được, con tàu vỏ sắt có công suất 829 CV đã được đóng mới.
Tuy nhiên, sau 5 năm đưa tàu vào hoạt động (từ 2015 đến 2020), hầu hết các chuyến ra khơi đánh bắt hiệu quả không cao, thậm chí nhiều chuyến thua lỗ khiến gia đình ông Lực không có khả năng trả nợ ngân hàng. Trong 5 năm, gia đình ông Lực mới trả được 2 kỳ nợ lãi (140 triệu đồng) còn tiền gốc 14,1 tỷ đồng, gia đình ông chưa trả được đồng nào.
Không chỉ tàu cá của gia đình ông Lực làm ăn không hiệu quả, nợ nần, ở Thanh Hóa có 58 tàu cá được đóng mới theo NĐ 67 (bao gồm cả tàu vỏ sắt, vỏ gỗ) ngư dân cũng gặp khó khăn trong trả nợ. Với 58 tàu cá đóng mới đó, ngư dân đã phải vay ngân hàng khoảng 653 tỷ đồng và họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Sau gần 7 năm triển khai nghị NĐ67 và giải ngân đóng tàu mới, các ngân hàng mới chỉ thu được khoảng hơn 87 tỷ đồng nợ. Tổng dư nợ cho đến hiện tại còn khoảng 566 tỷ đồng, trong đó có hơn 479 tỷ đồng nợ xấu.
Ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa cho biết: Do trang thiết bị trên tàu đóng theo NĐ 67 chưa đồng bộ, kỹ năng lao động trên tàu chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác thấp, không đảm bảo nguồn thu để ngư dân trả nợ ngân hàng.
Nguyên nhân khiến nhiều tàu đóng mới theo NĐ 67 khai thác không hiệu quả, nguy cơ bị ngân hàng thu hồi, phát mại, một phần do các ngư trường lớn đang dần cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Năng suất khai thác giảm trong khi chi phí cho mỗi chuyến đi dài ngày như tiền xăng dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, một số chủ tàu khi tiếp nhận tàu mới vận hành chưa tốt; tàu có những trục trặc về trang thiết bị khai thác; hệ thống thiết kế không đồng bộ; việc bảo dưỡng tàu không đảm bảo theo quy định…
Ngư dân phải chịu trách nhiệm với khoản vay
Hiện nay, việc thu hồi nợ đối với các khoản vay đóng tàu cá theo NĐ67 gặp không ít khó khăn. Đa phần các cuộc bán đấu giá tài sản thành công, khoản thu hồi được rất nhỏ so với khoản nợ mà chủ tàu đã vay từ các ngân hàng.
Năm 2017, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hậu Lộc- Bắc Thanh Hóa cho gia đình ông Nguyễn Văn Tươi, tại thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc vay hơn 9,1 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ gỗ mang ký hiệu TH 92886, công suất 829 CV theo NĐ 67. Do đánh bắt không đạt hiệu quả, thua lỗ, không trả được nợ, ông Tươi bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Theo bản án tuyên năm 2021 của TAND huyện Hậu Lộc thì gia đình ông Nguyễn Văn Tươi phải trả nợ gần 10 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 9,1 tỷ và gần 825 triệu đồng lãi cho ngân hàng. Chi cục thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc đã ban hành quyết định 330 (ngày 3/3/2022) thi hành án đối với gia đình ông Tươi.
Tuy nhiên, hiện nay con tàu này đã xuống cấp, nhiều hạng mục không còn hoặc đã hư hỏng, tàu không thể hoạt động bình thường. Hiện tại, Chi cục thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc phải thuê một công ty để trông coi, bảo quản tàu.
Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân có tàu đóng mới theo NĐ67, giúp họ có điều kiện vươn khơi trở lại.
Huyện Hậu Lộc có 15 tàu đóng mới theo NĐ 67, trong đó, có 6 tàu đang được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc thực hiện thanh lý hoặc là thu hồi nợ.
Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động đóng mới, khai thác tàu cá 67, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Các chủ tàu đã tiên phong trong đóng tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào hoạt động, đa số kém hiệu quả.
Ngoài nguyên nhân khách quan, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt… thì có một phần là do ngư dân đang sử dụng tàu nhỏ, quy mô khai thác nhỏ chuyển lên tàu lớn, thiếu kinh nghiệm trong điều hành, quản lý…
Theo ông Giang, các chủ tàu, ngư dân phải chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ, có trách nhiệm với khoản vay của mình, không trông chờ, ỉ lại Nhà nước.
Đối với các ngân hàng xử lý nợ theo quy định và không để ngư dân lâm vào cảnh không nhà ở. Những tàu đang khai thác nhưng do nhiều nguyên nhân chưa trả nợ được, các ngân hàng tính toán cơ cấu nợ, tạo cơ hội cho ngư dân tiếp tục phát triển sản xuất, có phương tiện vươn khơi khai thác hải sản.