Thanh Hóa có văn bản đề nghị chuyển ông Đinh La Thăng về sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH

Hoàng Đan |

Theo ông Phúc, ngoài việc ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt về Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thì Đoàn này cũng có văn bản đề nghị.

Chiều 19/5, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo.

Tại đây, báo chí đặt câu hỏi về căn cứ pháp lý nào để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ông Đinh La Thăng chuyển về sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII vừa qua, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban chấp hành T.Ư đã có Nghị quyết thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng là cảnh cáo.

"Ông Đinh La Thăng có đơn có thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và đã được Ban chấp hành T.Ư Đảng đồng ý. Thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị tức là thôi chức Bí thư Thành phố, thôi Trưởng đoàn Đại biểu TP. HCM.

Bộ Chính trị đã điều điều động ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM.

Đảng Đoàn Quốc hội cũng đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân bầu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM. Đoàn TP.HCM tới đây sẽ họp và bầu Trưởng đoàn mới", Tổng thư ký Quốc hội thông tin.

Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt về Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cũng có văn bản đề nghị cho ông Đinh La Thăng về sinh hoạt tại Đoàn Thanh Hóa.

"Hai đề nghị như thế nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí.Trước đó, UBTVQH đã xem xét đơn xin chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa 14.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa", ông Phúc nhấn mạnh.

Trước đó vào ngày 10/5, Bộ Chính trị đã phân công điều động ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM; điều động ông Đinh La Thăng về giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Vào ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90% vì những vi phạm thời còn công tác tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN. Ông Đinh La Thăng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT.

Về việc chậm ban hành Nghị quyết về việc xử lý cán bộ về hưu, theo ông Phúc, hiện Quốc hội đang chờ Chính phủ trình sang Nghị quyết này.

Tuy nhiên, hiện chúng ta đang sửa Luật về công chức, viên chức nên trong quá trình này sẽ bao hàm cho phép việc xử lý này.

"Nghị quyết thì Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và sau đó sẽ báo cáo lên Chính phủ rồi trình sang Quốc hội", ông Phúc nói.

Đối với Luật Biểu tình chưa được trình ra trong kỳ họp này, theo Tổng thư ký Quốc hội là do chất lượng của Luật và Chính phủ, cơ quan soạn thảo đang hoàn chỉnh.

Liên quan đến việc, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến giờ đã khuyết một số ĐBQH thì Ủy ban TVQH có xem xét việc bầu bổ sung không? Ông Phúc cho rằng, việc khuyết một số ĐBQH là điều không mong muốn.

"Vừa rồi chúng ta có khuyết 5 đại biểu, trong đó, 3 ĐBQH liên quan đến vi phạm nên bãi nhiệm và vì lý do sức khỏe, 2 ĐBQH vì từ trần.

Tuy nhiên, phải có tỷ lệ, ít nhất là 10% thì mới xem xét đến việc bầu bổ sung ĐBQH. Hơn nữa ĐBQH không chỉ đại diện cho địa phương bầu ra mình mà là đại biểu của cả nước.

Vì thế chúng ta không lo ngại việc khuyết một số ĐBQH ở một số đoàn sẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của đoàn ĐBQH đó", ông Phúc nhấn mạnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại