Thành công kinh tế phi thường của Việt Nam trong năm 2020

Hà Nguyễn |

Đó là cách mà chuyên gia Nga hàng đầu về kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giáo sư Vladimir Mazyrin, mô tả về kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Sputnik, giáo sư Vladimir Mazyrin nói: "Quan trọng nhất, chúng tôi thấy kết quả tích cực trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng chung. Ví dụ, trong khối ASEAN, chỉ có ba quốc gia - Việt Nam, Myanmar và Lào - có mức tăng trưởng GDP dương. Tất cả các nước khác đều có màu đỏ: Singapore - âm 6%, Malaysia - cũng âm 6%, Philippines - âm 8,3%, Thái Lan - âm 7,1%, Indonesia - âm 1,5%.

Đến cuối năm, Việt Nam đạt mức +2,91%. Đây là một thành công lớn, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới trong thời gian sắp tới.

Điều quan trọng nữa là Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc một cách ấn tượng, vốn cũng đang có mức tăng trưởng dương 1%.

Vì vậy thành công của Việt Nam có thể được gọi là hiện tượng. Những năm trước, Việt Nam dẫn trước các đối thủ gần nhất ở Đông Nam Á, nhưng không quá nổi bật.

So với mức trung bình toàn cầu, con số chung cho năm 2020 ước tính là âm 4,4% (ở các nước phát triển - âm 5,8%, ở các nước đang phát triển - âm 3,3%), các cơ quan phân tích lớn đã chỉ ra Việt Nam có một số chỉ số tăng trưởng tốt nhất thế giới".

Những thành tựu trong nền kinh tế phần lớn có được là do Việt Nam đã đạt được thành công trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.

Trong nước, hoạt động xã hội diễn ra bình thường, công việc sản xuất vận hành - tất cả những điều này ảnh hưởng đến kinh tế. Nơi nào bị cách ly, ở đó hoạt động kinh tế diễn ra tối thiểu. Và ở Việt Nam, sự suy giảm hoạt động kinh tế diễn ra rất ngắn, chủ yếu vào quý 2 - cao điểm của các biện pháp chống COVID-19.

Quý 3 tăng 2,69%, quý 4 tăng 4,48%. Rõ ràng, trong quý I/2021, các chỉ số sẽ còn cao hơn. Hơn nữa, theo ước tính của tôi, sự sụt giảm tương đối hàng năm trong GDP của Việt Nam chủ yếu là do ngành du lịch thu hẹp lại.

Du lịch là lĩnh vực quan trọng nhất của ngành dịch vụ, đã tăng trưởng mạnh trong một thời gian dài, với mức tăng trưởng hàng năm từ 9 đến 11%. Và vào năm 2020 - chỉ hơn 4% một chút.

"Tuy nhiên, sự sụt giảm của ngành du lịch vào năm 2020 là bức tranh lớn trên toàn thế giới. Chúng ta có thể nói về sự phát triển nào với các biên giới khép kín? Tôi tin tưởng với môi trường chung thuận lợi, khu vực kinh tế và dịch vụ nói chung của Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi", giáo sư Vladimir Mazyrin dự báo.

Lĩnh vực đầu tư cũng là một thành công

Một chủ đề thú vị là đầu tư nước ngoài giảm 25%. Điều đáng ngạc nhiên là không phải đầu tư nói chung giảm mà là đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam.

Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về khối lượng vốn đầu tư đã đăng ký, tức là về con số trần do từng nhà đầu tư công bố.

Đương nhiên, trong một đại dịch, các nhà đầu tư trên thế giới thường thận trọng và cắt giảm các khoản đầu tư của mình. Nhưng chúng ta thấy một thành tựu đặc biệt của Việt Nam là gần 20 tỷ USD đã được đầu tư vào nền kinh tế so với số lượng đăng ký đầu tư nước ngoài, bằng 98% các chỉ tiêu của năm 2019.

Cũng cần phải nói thêm, mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm nhưng tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế cả nước, cả từ nước ngoài và trong nước, vẫn tăng 5,7%. Chúng tôi thấy rằng đầu tư quốc gia Việt Nam, trái với quy trình thông thường, đã tăng trưởng nhiều hơn đầu tư nước ngoài.

Một kết quả thú vị khác trong năm, giáo sư Mazyrin tiếp tục, là các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tức là chính Việt Nam đầu tư vào sự phát triển kinh tế các nước khác. Con số đã tăng 16% trong năm.

Việt Nam, ở một mức độ nào đó thiếu dòng vốn mới từ các nước phát triển, nhưng bản thân họ đã tăng 16% đầu tư vào các nước khác.

Thành công của ngoại thương Việt Nam cũng rất ấn tượng. Kim ngạch, trừ khu vực dịch vụ, không giảm như nhiều nước, nhưng tăng so với năm ngoái: nhập khẩu tăng hơn 5%, xuất khẩu tăng hơn 6%. Kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2020 đạt gần 544 tỷ USD, thực tế bằng 2 lần GDP của Việt Nam.

Chúng ta thấy trong năm 2020 ở Việt Nam mọi sự suy giảm đều không mang tính tiêu cực, không phải con số âm. Do vậy chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 được cả chính phủ đất nước và các tổ chức xếp hạng lớn nhất thế giới đánh giá khá đúng ở mức 6 - 7%, vị chuyên gia Nga kết luận.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại