Nước Pháp chia rẽ
Macron giành được chiến thắng áp đảo trong vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp với 65,8% phiếu bầu.
Thế giới thở phào với các lời chúc mừng nhanh chóng không chỉ đến từ các đối tác chính trong Liên Minh Châu Âu (EU), mà còn cả từ Tổng thống "dân túy" của Mỹ Donald Trump và Thủ tướng "Brexit" Anh Theresa May.
Tuy nhiên, bản thân Emmanuel Macron và những người ủng hộ ông đều hiểu rõ đây mới là lúc bắt đầu chặng đường khó khăn nhất.
Có hai vấn đề chính phải giải quyết ngay trong những ngày tới. Trước hết cố gắng làm sao xóa bỏ được sự chia rẽ trong xã hội Pháp, giữa thành thị sung túc và ngoại ô/nông thôn khó khăn; thứ hai là từ đó phong trào Tiến Bước (En Marche) có thể đạt được đa số ghế trong kỳ bầu cử địa phương và quốc hội vào tháng 6/2017.
Những số liệu bầu cử kỷ lục thể hiện rõ sự chia rẽ: Số lượng cử tri vắng mặt 25,3 % cao nhất kể từ năm 1969; số lượng phiếu trắng hay không hợp lệ ở mức cao 12%; số lượng bầu cho ứng viên cực hữu Marine Le Pen là 34,2% (chiếm khoảng 10 triệu trên tổng số 47 triệu cử tri đăng ký).
Trong số 65,8% cử tri bầu cho Macron thì một bộ phận quan trọng đã dồn phiếu cho ông để ngăn chặn đảng cực hữu chứ không phải vì ủng hộ chương trình hành động của Tổng thống đắc cử.
Tất nhiên, cũng một bộ phận quan trọng đã bầu cho Marine Le Pen để thể hiện sự phẫn nộ với tình trạng hiện tại của nước Pháp chứ không phải vì lý tưởng cực hữu. Tuy nhiên điều này cho thấy sự chia rẽ của nước Pháp.
Ông Macron thắng bà Le Pen trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 với tỷ lệ áp đảo (Ảnh: Ipsos)
Khát vọng thay đổi
Nhận thức được điều này, trong bài phát biểu chính thức trên truyền hình ngay sau khi có kết quả sơ bộ và trước những người ủng hộ tại sân Bảo tàng Louvre vào 22 giờ, khẩu hiệu chính của Macron là "Ensemble, la France!" (Hãy cùng nhau, nước Pháp!).
Ông nhấn mạnh đến những người đã bỏ phiếu cho Marine Le Pen và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise) của Jean Luc Mélanchon về nhu cầu đoàn kết để xây dựng ngôi nhà chung nước Pháp.
Việc chọn vị trí cho việc ăn mừng thắng cử cũng rất được phong trào Tiến Bước lưu ý, thay vì các quảng trường Trocadéro hay Concorde thiên cánh hữu, hoặc République và Bastille thiên cánh tả, sự chọn lựa sân Bảo tàng Louvre thể hiện sự trung tính và tính tập hợp rộng rãi.
Trong khi đó, dù chúc mừng đối thủ, Marine Le Pen đã lộ rõ ý định chuyển hóa Mặt trận Quốc gia (Front National) thành một đảng khác dưới khẩu hiệu "Người yêu nước" nhằm cố gắng xóa bỏ cái đuôi cực hữu và tận dụng số lượng cử tri đông đảo để đạt kết quả cao nhất cho kỳ bầu cử sắp tới.
Còn về việc đạt được đa số ghế ở quốc hội cho phong trào Tiến Bước để làm nền móng cho các cải tổ của Macron sẽ có thể còn khó khăn hơn kỳ bầu cử tổng thống, bởi sự chống đối mạnh của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất như phát biểu của Jean Luc Mélanchon ngay sau khi có kết quả bầu cử; mong muốn hồi phục lại vai trò cánh hữu dẫn dắt bởi đảng Những người Cộng Hòa (Les Républicains); hay sự chia rẽ hoặc tan vỡ của đảng Xã hội (parti Socialiste) làm giảm sự ủng hộ cho phong trào Tiến Bước.
Nhận thức được điều này, nhiều nhân vật chính trị quan trọng của cánh tả (Ségolen Royal, cựu ứng viên tổng thống năm 2007), cánh hữu (cựu thủ tướng Dominique de Villepin), cánh trung (chủ tịch đảng Modem François Bayrou), và những nhà hoạt động xã hội dân sự uy tín như Nicolas Hulot, tất cả đều kêu gọi cử tri Pháp hãy đáp ứng điều này để Macron có thể thực hiện được các cải cách cho đất nước và tiến lên.
Nếu như các nhân vật chính trị quan trọng đều khẳng định sự thắng cử của một tổng thống trẻ trung đã đem lại năng lượng mới cho Pháp, thì khát vọng thay đổi và mong muốn sức trẻ được tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước còn được nhận thấy qua thành phần tham dự mít-tinh mừng chiến thắng ở sân bảo tàng Louvre với đa số là thanh niên, đa chủng tộc, thậm trí còn rất trẻ chỉ mới 17, 18 tuổi.
Họ đã nhìn thấy ở Macron hình ảnh của chính họ !
*Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Lê Sơn, Tiến sĩ - Kiến trúc sư DPLG, Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Paris-Malaquais, Paris, Pháp.