"Làm công ăn lương, thì dù có là Giám đốc, CEO... cũng bị sa thải như thường. Không thể biết trước ngày mai ra sao, nên khi còn kiếm được tiền thì nhất định phải tích lũy để phòng thân. Khá hơn nữa thì mua đất, mua vàng, hoặc gửi ngân hàng. Để sau này có thể kê cao gối ngủ, đi du lịch mà không cần ôm laptop, đi nhậu, ăn chơi với bạn bè không cần xem điện thoại..." - Đây là chân lý mà Trần Minh Khoa (SN 1996, Hà Nam) rút ra được kể từ sau khi bị sa thải. Đã phải trải qua cú sốc này một cách ngẫu nhiên, rơi vào vòng xoáy thất nghiệp cả nửa năm. Nên đối với Minh Khoa, hiện tại không gì hơn việc tích lũy tiền bạc và kiến thức.
Kiếm 100 triệu/tháng bỗng dưng bị sa thải: Ảnh hưởng tinh thần, buộc từ bỏ lối sống tự do
Mình cũng từng là một người trẻ lựa chọn sống theo hướng YOLO (bạn chỉ sống 1 lần duy nhất). Nên kế hoạch mình theo đuổi là tiền lương ổn định hàng tháng, thuê nhà tiện hơn mua, đề cao trải nghiệm hơn tiết kiệm, và chưa có kế hoạch cụ thể cho tài chính tương lai. Cuộc sống trước khi bị sa thải của mình gần như là vậy, làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Nhưng khi có cú sốc đó, bản thân mình gần như phải suy nghĩ lại lối sống này.
Bão sa thải ảnh hưởng đến suy nghĩ và định hướng của nhiều người trẻ. (Ảnh minh họa Pinterest)
Công việc trước đây của mình chuyên về kỹ thuật máy tính, kèm theo đó là dẫn dắt một đội ngũ 6 người. Nhưng bộ phận của mình làm có tận 3 nhóm, cùng nhau phát triển những dự án. Thường thì ý tưởng nhóm nào tốt sẽ được dẫn cả đoàn, và 2 nhóm còn lại buộc phải theo sát kế hoạch mà nhóm trúng thầu đề ra. Một môi trường cạnh tranh khốc liệt, nên áp lực đè lên vai của người dẫn dắt nhóm như mình càng kinh khủng. Bù lại thì mức lương mình nhận được hàng tháng lên tới gần 100 triệu đồng. Tháng nào cả đội trúng thầu dự án, mức thù lao nhận được thậm chí còn vượt qua con số đó. Với mức thu nhập khá ổn, và một vị trí chắc chắn, bản thân mình không bao giờ nghĩ tới, có một ngày công ty buộc phải cắt giảm nhân sự.
Năm 2022 có thể nói là một năm kinh khủng đối với những doanh nghiệp nước ngoài như tụi mình. Dự án chuẩn bị xong nhưng không thể đẩy ra thị trường vì những bất cập sau đại dịch. Mà kinh phí 1 tháng để duy trì là con số không nhỏ. Riêng đoàn đội của mình đã là con số hàng tỷ đồng. Khoảng thời gian tệ hại nhất, công ty mình còn phải ngâm nợ tiền điện lên tới 3 tháng trời. Thật sự lúc đó, tụi mình còn không dám đòi hỏi tiền lương. Nhiều ngày đi làm với tâm thế chỉ mong chờ được ra mắt sản phẩm. Nhưng người tính không bằng trời tính, chưa đợi được lúc đó, đội ngũ của mình đã phải cắt giảm nhân sự.
Và những người đầu tiên bị cho vào danh sách, là vị trí lương cao và tạm thời không cần đến. Đội ngũ gần 20 người, nhưng chỉ giữ lại vài người để chạy thử sản phẩm trước khi ra mắt. Với lời cam kết: "Đến khi sản phẩm được đẩy ra thị trường, chắc chắn công ty sẽ liên hệ lại với cậu!" - Và đó là mình. Không chỉ mình, mà cả 2 người dẫn nhóm, và hơn một nửa nhân sự. Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân cũng có ngày này! Thật sự nếu ai từng làm cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ hiểu văn hóa sa thải đột ngột: Không kịp chia tay đồng nghiệp, không bàn giao việc làm, lập tức nghỉ ngay sau khi có thông báo. Việc duy nhất mình được làm lúc đó là xóa dữ liệu cá nhân.
Khoảng thời gian sau khi nghỉ việc, mình cảm tưởng bản thân có chút không ổn về tinh thần. Bởi vì rõ ràng mình chưa chuẩn bị gì cho trường hợp này cả: Không việc dự phòng, không thu nhập ngoài, không có kế hoạch gì mới cho tương lai. Hoang mang trong khoảng nửa năm trời, mình buộc phải đứng dậy. Vì nếu không, cứ duy trì tình trạng không có thu nhập thế này, thì ngày chết đói chắc cũng không còn xa.
Đứng vững hơn giữa bão sa thải
Thất nghiệp đôi khi cũng là một lợi thế. Khi rơi vào tình trạng này, đừng vội mất bình tĩnh, hay quay sang nghi ngờ bản thân. Điều bạn cần làm nhất bây giờ, là chuẩn bị một kế hoạch để quay trở lại đường đua công việc - với tâm thế chấp nhận rủi ro.
Minh Khoa chia sẻ: "Nếu không có lần sa thải đó, có lẽ cả cuộc đời này mình sẽ chỉ làm văn phòng. Dù cho công việc có thuận lợi đến đâu, mình cũng sẽ chỉ mãi ở trong vòng luẩn quẩn: Sáng đi làm - Tối về lại tiếp tục nghiên cứu cho công việc - Cuối tháng thì nhận lương. Thậm chí đến năm 40-50 tuổi, vẫn ngồi làm báo cáo. Lúc nào cũng phải làm hài lòng cấp trên, tâm thế của người làm thuê nên cứ nơm nớp lo sợ. Và rồi không dám thoát ra khỏi vòng an toàn mà chính mình xây dựng nên.
Khi thất nghiệp, đừng vội mất bình tĩnh, hay quay sang nghi ngờ bản thân. Điều bạn cần làm nhất bây giờ, là chuẩn bị một kế hoạch để quay trở lại đường đua công việc. (Ảnh minh họa Pinterest)
Bản thân mình của hiện tại cũng thầm cảm ơn lần sa thải đột ngột đó. Thất nghiệp khi còn khá trẻ, tuy sẽ có khó khăn khi nhìn về phía trước, tài chính kém ổn định, lo lắng và nghi ngờ bản thân... Nhưng đây cũng chính là cú huých để mở ra cơ hội khác. Mình đã thay đổi bản thân rất nhiều sau lần nghỉ việc: Biết lên kế hoạch ngắn hạn, học cách đa dạng thu nhập, trích phần trăm tiền tiết kiệm để đầu tư, và học thêm rất nhiều kiến thức bên lề. Cái kết lần này mình hướng đến, là cho đến năm 50-60 tuổi, bản thân vẫn sẽ được làm việc mình yêu thích. Chứ không cần phụ thuộc vào 1 câu nói "Đồng ý hay không" của bất kỳ một ai”.
Bất cứ vị trí nào cũng sẽ bị thay thế. Không phải cứ lương cao, chức vị quan trọng là khả năng bị đào thải thấp. Vậy nên, hãy chuẩn bị thêm hành trang tiếp theo cho những trường hợp bất ngờ này. Minh Khoa rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình, không còn sống chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập nhất định nữa.
Anh chàng chia sẻ thêm: "Điều mình thấy may mắn lúc này, là bản thân có kinh nghiệm và kiến thức đủ để có thể xin việc bất cứ khi nào. Chỉ là công việc mới có khi sẽ không bằng đãi ngộ ở chỗ cũ, nhưng mình đã không còn lo lắng quá nhiều về điều đó. Khi đã đối diện với khó khăn đó một lần, mình đã học được cách để đối diện thêm nhiều lần tiếp theo!”.