Tham vọng tỉ đô của thái tử Ả Rập Saudi "điêu đứng" vì cái chết của Khashoggi

Thi Anh |

Cơn khủng hoảng chấn động từ vụ sát hại Khashoggi đã xảy ra vào một thời điểm tồi tệ với Ả Rập Saudi.

Sai thời điểm

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MBS) đã khiến cả hội trường toàn các nhà đầu tư toàn cầu phải trầm trồ trước kế hoạch xây dựng một thành phố của tương lai với gần 500 tỉ USD, thu hút những nhân vật ưu tú nhất thế giới trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Nhưng đó là chuyện của năm ngoái.

Năm nay, rất nhiều nhà đầu tư đã né tránh khi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi phủ bóng lên hội nghị đầu tư đáng chú ý của thái tử và những tham vọng cải cách kinh tế lớn lao hơn của ông.

"Đây vừa là khủng hoảng chính trị, vừa là khủng hoảng kinh tế", Karen E. Young - học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói, "Vấn đề cải cách kinh tế phần nào đã bị chệch hướng. Tôi không nghĩ là nó kết thúc nhưng đây rõ ràng là một sự chững lại, đa phần bởi nước này phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và chuyện xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất".

Khủng hoảng Khashoggi bắt đầu khi Ả Rập Saudi đang chống chọi với tình trạng giá dầu thấp và chật vật tạo ra việc làm, cải thiện khu vực tư và duy trì các mức phúc lợi hào phóng trọn đời cho một dân số trẻ ngày càng gia tăng.

Làn sóng phẫn nộ của cộng đồng quốc vế về vụ sát hại nhà báo đã khuếch đại những thách thức. Nó khiến cho nhiều đối tác nước ngoài mà thái tử Mohammed đang cậy nhờ để thực hiện kế hoạch cải cách đầy tham vọng của mình sợ hãi.

Vụ việc có thể khiến ông rơi vào vị trí thỏa hiệp, ngày càng bị cô lập ở quê hương do vươn lên nấc thang quyền lực quá chóng vánh và ít có khả năng sử dụng "cuốn chi phiếu uy lực" của vương quốc để giải quyết các vấn đề trong ngoài nước so với các vương triều trước đó.

Vươn lên đỉnh cao quyền lực của Ả Rập Saudi trong hơn 3 năm qua, thái tử Mohammed đã thu hút được rất nhiều đối tác bằng tầm nhìn biến vương quốc từ một pháo đài thủ cựu với chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo trở thành trung tâm toàn cầu với một nền kinh tế đa dạng.

Để làm được điều đó, ông không chỉ cần thay đổi xã hội Saudi bằng cách kiểm soát các giáo sĩ và cho phép phụ nữ lái xe, mà còn phải lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào kế hoạch của mình.

Tuy nhiên, những lo ngại về phán đoán, cũng như mức độ cam kết vào luật pháp của ông vốn đã chồng chất sau vụ bắt cóc thủ tướng Li-băng, bắt giữ hàng trăm hoàng tử, doanh nhân tại một khách sạn hạng sang ở Riyadh, quyết định theo đuổi cuộc chiến ở Yemen và mâu thuẫn giữa ông với Qatar, Đức, Canada.

Những mối lo ngại ấy thêm sôi sục sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul hôm 2.10. Những lý giải của Ả Rập Saudi từ khi vụ việc xảy ra cũng không khiến hình ảnh của nước này được cải thiện.

Phép thử cho tham vọng của MBS

Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai đã khép lại tại thủ đô Riyadh hôm 25/10 và đóng vai trò như một phép thử thể hiện chỗ đứng cho những nỗ lực cải cách đầy tham vọng của thái tử MBS.

Tham vọng tỉ đô của thái tử Ả Rập Saudi điêu đứng vì cái chết của Khashoggi - Ảnh 1.

Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai tại Riyadh. Ảnh: NYT

Hàng nghìn giám đốc và doanh nhân vẫn xuất hiện nhưng thành phần quan khách vắng mặt nhiều người Mỹ, châu Âu và có thêm những gương mặt từ Nga, châu Âu, Ả Rập.

Điều đó có thể cho thấy một bước dịch chuyển trong đường hướng theo đuổi quan hệ kinh tế của Ả Rập Saudi nếu bê bối liên quan tới ông Khashoggi khiến mối quan hệ với phương Tây bị hủy hoại hoàn toàn, các nhà phân tích nhận định với New York Times.

Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih cho biết, hơn 25 thỏa thuận trị giá 56 tỉ USD đã được ký kết, phần lớn là với các công ty Mỹ. Tuy nhiên những thỏa thuận trị giá 34 tỉ USD là với Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí độc quyền nhà nước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chỉ gắn bó với thứ mà Ả Rập Saudi nổi tiếng nhất.

"Mỹ sẽ vẫn giữ một vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Ả Rập Saudi bởi những lợi ích ràng buộc chúng tôi thì lớn hơn thứ đang bị suy yếu bởi chiến dịch tẩy chay thất bại", ông Falih nhận định.

Một trong số những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ Khashoggi thuộc về lĩnh vực mà thái tử xem là biểu tượng cho một Ả Rập Saudi mới.

Richard Branson, chủ tịch Virgin Group, đã hủy các cuộc đàm phán với Quỹ đầu tư Công cộng của Ả Rập Saudi về dự án đầu tư dự kiến trị giả 1 tỉ USD vào lĩnh vực không gian của Virgin.

Hồi đầu tháng này, thái tử MBS đã tuyên bố rằng "một thỏa thuận tuyệt vời ngoài dầu mỏ" sẽ được công bố trong hội nghị. Nhưng chuyện đó không xảy ra, khiến nhiều người phải thắc mắc thỏa thuận nào đã bị lọt lưới.

Mặc dù nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, Ả Rập Saudi vẫn chật vật giũ bỏ hình tượng như một nơi nhận viện trợ tài chính, chứ không phải tập hợp nguồn vốn.

Khi một số nhân vật hàng đầu của nước ngoài bỏ qua hội nghị, Ả Rập Saudi đã mời Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Nhưng trước khi tới Riyadh, ông Khan nói với các nhà báo rằng ông phải đi bởi "hiện giờ chúng tôi đang ở trong cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất lịch sử". Và ông quay trở về với một gói viện trợ 6 tỉ USD.

Quốc vương Jordan Abdullah II cũng xuất hiện, chỉ vài tháng sau khi ông nhận 2,5 tỉ USD viện trợ tài chính từ Ả Rập Saudi và các nước láng giềng vùng Vịnh để xoa dịu tình hình kinh tế.

Tham vọng tỉ đô của thái tử Ả Rập Saudi điêu đứng vì cái chết của Khashoggi - Ảnh 2.

Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai vắng mặt nhiều nhân vật từ Mỹ và châu Âu. Ảnh: NYT

Sự xuất hiện chính thức của thái tử Mohammed bin Salman cho thấy một sự xuống cấp.

Năm ngoái ông đã công bố kế hoạch xây thành phố 500 tỉ USD có tên NEOM, với mô hình phục vụ bằng robot và hoạt động dựa trên năng lượng mặt trời. Trên sân khấu là Masayoshi Son, giám đốc điều hành của Softbank. Tuy nhiên, năm nay, ông Son bay tới Riyadh và nói với thái tử rằng ông không muốn phát biểu, rồi rời đi.

Thay vào đó, thái tử MBS đứng cùng sân khấu với thái tử Bahrain, một quốc đảo nhỏ bé phụ thuộc chủ yếu vào Ả Rập Saudi, và thủ tướng Li-băng.

"Người ta vẫn rất quan tâm tới Ả Rập Saudi và hội nghị thu hút nhiều người bởi họ muốn tiền của Saudi, họ muốn bán đồ cho Saudi, họ muốn thu phí ở Saudi", Steffen Hertog, học giả tại Đại học Kinh tế London nhận định, "Và họ sẽ tiếp tục làm như vậy".

Tham vọng có bị hủy hoại?

Mặc dù vụ giết hại ông Khashoggi có thể gây ra một tác động đáng sợ đối với một số lĩnh vực nhưng nó cũng có thể chuyển hướng chú ý khỏi những dự án đầy mơ mộng như NEOM sang tăng cường phát triển những thế mạnh kinh tế sẵn có của vương quốc, vốn gắn liền với dầu mỏ.

"Có một mức độ rủi ro nói chung đã phần nào tăng cao đối với những người đang làm ăn với Ả Rập Saudi", ông Hertog nói, "Có những nghi vấn về giới lãnh đạo, sự ổn định và những bất ngờ. Nếu vụ Khashoggi không ảnh hưởng tới họ thì cú shock nào có thể xảy ra tiếp theo?"

Trước tình hình hiện tại, thái tử MBS không hề tỏ ra lo lắng và khẳng định không có thách thức nào là quán lớn đối với "nhân dân Ả Rập Saudi vĩ đại" và tất cả kế hoạch đều đang tiến triển. Ông cho rằng trong vòng 5 năm, các nước Ả Rập có thể là một "châu Âu mới".

Các nhà kinh tế cũng chỉ ra một số dấu hiệu tích cực. Luật mới về phá sản cho thấy cải cách lớn về luật lệ, tình trạng thất nghiệp được duy trì ổn định và có sự gia tăng về lao động nữ, cũng như nỗ lực thay thế các công nhân nước ngoài bằng người Ả Rập Saudi ở một số khu vực.

Một số người thì nghi ngờ về khả năng vụ ông Khashoggi sẽ làm thay đổi cách các doanh nhân nước ngoài nhìn nhận vương quốc.

Lâu nay vẫn có nhiều người chỉ trích Ả Rập Saudi về vấn đề nhân quyền nhưng không gây ra mấy tác động tới ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước cũng như khả năng mua bán vũ khí của nước này với các nước khác như Mỹ. Nhiều doanh nhân cũng sẽ không ngần ngại làm ăn với Ả Rập Saudi nếu giá cả không đến nỗi tồi.

"Trên thực tế, chuyện này có khiến tham vọng của thái tử MBS bị trì hoãn hay không ư? Có chứ. Liệu có hủy hoại không ư? Không đâu", Denis Florin thuộc công ty tư vấn Lavoisier Conseil đánh giá, "Tôi không nhận thấy một cuộc cách mạng trong thái độ kinh doanh đối với các triển vọng trung hạn và ngắn hạn của Ả Rập Saudi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại