Tham vọng lên ngôi giữa Mỹ và Trung Quốc đón đầu cuộc cạnh tranh mạng 6G

Hồng Nhung |

Giới quan sát nhận định cuộc cạnh tranh mạng 6G giữa các quốc gia, đặc biệt là Mỹ-Trung sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Nikkei

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Nikkei

Sau các trải nghiệm tiện ích của công nghệ không dây 5G mang lại, cuộc chạy đua cạnh tranh công nghệ tiếp tục nóng lên liên quan đến 6G.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục phát triển trong năm 2021. Lĩnh vực mạng 6G sẽ tiếp tục là mục tiêu cạnh tranh tìm người chiến thắng trong cuộc cách mạng công nghiệp vào thời gian tới. Giới quan sát nhận định phải ít nhất thập kỷ nữa mọi thứ mới trở thành hiện thực, trong đó sự lên ngôi của mạng 6G được đánh giá là nhanh hơn 100 lần so với tốc độ tối đa của 5G.

Các tranh cãi liên quan đến mạng 6G đang nóng lên và khả năng sẽ có một cuộc cạnh tranh về công nghệ trong thời gian tới, gồm có sự tham gia của hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

"Sự phát triển của công nghệ liên quan đến 6G có thể biến thành một cuộc chạy đua vũ trang trong thời gian tới", ông Peter Vetter tại Bell Labs thuộc chi nhánh nghiên cứu của Nokia Oyj cho biết.

Mỹ từng bỏ lỡ cơ hội dẫn đầu ngôi vương mạng 5G, và lần này họ kỳ vọng sẽ phát triển 6G nhằm lấy lại vị trí đã mất.

"Mỹ sẽ không dễ dàng để trượt mất cơ hội đứng đầu trong cuộc cạnh tranh thế hệ mạng công nghệ mới - 6G. Cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu 6G sẽ khốc liệt hơn nhiều so với 5G, Vikrant Gandhi - Giám đốc cấp cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại công ty tư vấn Frost & Sullivan tại Mỹ nhận định.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump đã khiến các công ty công nghệ của Bắc Kinh chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, điều này không hề ngăn cản Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ mạng 5G. Trung Quốc từng được công nhận thành công trong mạng 5G trong những năm qua. Huawei Technologies Co đã vượt qua các nhà cung cấp 5G trên toàn cầu bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn và được chấp nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, giới quan sát nhận định sự phát triển mạng 6G có thể lấy lại vị trí cho Mỹ vì các cơ hội đã mất sau các ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc liên quan đến 5G.

"Không giống như 5G, Mỹ sẽ không thể để mất đi cơ hội thêm lần nào nữa. Vì vậy, cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu liên quan đến 6G sẽ còn khốc liệt hơn 5G", ông Vikrant Gandhi – Giám đốc cấp cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Công ty tư vấn Frost & Sullivan ở Mỹ cho biết.

Rõ ràng, việc phát triển mạng 6G đã có trong định hướng của các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Bắc Kinh. Chẳng hạn như cựu Tổng thống Donald Trump từng viết tweet vào đầu năm 2019, khẳng định ông muốn quá trình phát triển 6G càng sớm càng tốt.

"Trung Quốc đang đi trước. Huawei có hẳn một trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada", một báo cáo truyền thông của Canada cho biết.

Washintgon đã sẵn sàng phác thảo kế hoạch liên quan đến mạng 6G. Liên minh giải pháp công nghiệp viễn thông Mỹ đã ra mắt Liên minh Next G vào tháng 10 nhằm nâng cao công nghệ mạng 6G. Các thành viên liên minh bao gồm gã khổng lồ công nghệ như Apple Inc, AT&T Inc, Qualcomm Inc, Google và Samsung Electronics Co.

Sự ra đời của liên minh giải pháp công nghệ viễn thông Mỹ phản ánh sự vươn lên của Washington sau cạnh tranh của 5G. Mỹ từng cáo buộc Huawei có nguy cơ gián điệp – điều mà Trung Quốc liên tục bác bỏ. Dẫn đầu là Mỹ, các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Australia, Thụy Điển và Anh đã đóng cửa công ty cung cấp mạng 5G – Huawei. Tuy nhiên, Nga, Philippines, Thái Lan, một số quốc gia ở châu Phi và Trung Đông vẫn chào đón "gã khổng lồ" của Trung Quốc.

Liên minh châu Âu vào tháng 12 cũng đã công bố một dự án không dây 6G do Nokie dẫn đầu, bao gồm các công ty như Ericsson AB và Telefonica SA cũng như các trường đại học. Sự thiếu tin tưởng vào các công ty Trung Quốc như Huawei sẽ khó để các công ty khác đón nhận mạng 6G của họ. Sự phát triển của 6G có thể kích hoạt các công nghệ như máy bay không người lái, sử dụng camera giám sát, AI, nhận dạng khuôn mặt hoặc sinh trắc học như giọng nói cũng như khả năng truy dấu và kiểm soát công dân.

Trong khi mạng 5G ra đời vào năm 2019 thì các quốc gia khác vẫn đang triển khai mạng và phát triển các ứng dụng thu hút doanh nghiệp, từ đó biến công nghệ thành lợi nhuận. Mạng 6G có thể sẽ ra đời trong thời gian tới.

"Các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ trong tương lai và phức tạp như liên lạc vô tuyến 6G nên phát triển cẩn thận hơn", giới quan sát nhận định.

Hiện tại chỉ có khoảng 100 nhà cung cấp dịch vụ không dây trên toàn thế giới cung cấp dịch vụ 5G tại các khu vực hạn chế. Và tham vọng mạng 6G có thể cũng sẽ không đạt được tiềm năng cao trong ít nhất một thập kỷ nữa kể từ thời điểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại