Tham vọng đánh bại công nghệ Mỹ của người Trung Quốc

Du Lam |

Trung Quốc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng trên con đường thay thế Mỹ thống trị thế giới công nghệ.

Công nghệ là một mặt trận quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Trung mà Tổng thống Donald Trump đặt ra. Ông đã mở cuộc điều tra cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ đầu năm nay. Tuy nhiên, vài chuyên gia cho rằng lo ngại lớn hơn nằm ở các ván bài lớn của Bắc Kinh vào các công nghệ tương lai.

Chính phủ Trung Quốc dồn toàn lực vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xe điện và chip máy tính, rót tiền nhằm tạo ra các nhà vô địch công nghệ quy mô toàn cầu.

Các doanh nghiệp phương Tây cũng tỏ ra lo lắng về kế hoạch, cảnh báo chúng có thể mang lại lợi thế phi công bằng trên cả thị trường nội lẫn ngoại cho công ty Trung Quốc. Trong khi đó, một số nhà phân tích kêu gọi Mỹ tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu công nghệ nhằm giữ được nhịp độ.

Nhân chuyến thăm Trung Quốc tuần này của Tổng thống Trump, cùng nhìn lại một số lĩnh vực trọng điểm mà quốc gia châu Á đang đầu tư mạnh mẽ.

Trí tuệ nhân tạo

Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự đoán ai dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) "sẽ trở thành quân chủ thế giới". Trung Quốc muốn là vị quân chủ đó. Mùa hè năm nay, chính phủ vạch ra kế hoạch trở thành cường quốc trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Theo John Choi, nhà phân tích theo dõi các doanh nghiệp Internet Trung Quốc, ngành AI nước này nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ mà hầu như mọi nước khác không có.

Kế hoạch 2030 của chính phủ Trung Quốc là xây dựng ngành công nghiệp AI nội địa trị giá gần 150 tỷ USD. Chwee Kan Chua, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu về AI của IDC, nhận định: "Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực vì một nguyên nhân đơn giản: được chính phủ thúc đẩy".

Trung Quốc đang đổ nhiều nguồn lực vào video thông minh. Nó bao gồm phát triển các camera thông minh có khả năng phát hiện những mẫu bất thường rồi báo cáo cho quan chức hoặc nhà hành pháp.

Không chỉ nhận được ủng hộ từ khu vực công, AI còn được các công ty tư nhân như Alibaba, Baidu, Tencent đầu tư mạnh mẽ, thậm chí còn thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Mỹ.

Xe điện

Không phải ngẫu nhiên mà Tesla háo hức muốn mở nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới nhờ trợ giá từ chính phủ và chính sách thuế rộng rãi.

Nhờ nỗ lực của chính phủ, các thương hiệu nội đang nằm trong danh sách những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới và người tiêu dùng trong nước cũng tỏ ra hứng thú.

Bắc Kinh không hề xem nhẹ ngành này. Kế hoạch "Made in China 2025" kêu gọi sản xuất xe lai và xe điện trong nước chiếm tỉ lệ ít nhất 70% vào năm 2025. Các nhà sản xuất xe hơi lớn của thế giới như Volkswagen, Ford gần đây thông báo kế hoạch phát triển xe điện ở Trung Quốc cùng với các đối tác nội.

Chính phủ còn xây dựng mạng lưới các trạm sạc công cộng trên toàn quốc. Số lượng lên tới 150.000 trạm vào cuối năm 2016 và nhà chức trách đặt mục tiêu bổ sung 100.000 trạm nữa vào năm nay.

Chip máy tính

Theo PricewaterhouseCoopers, Trung Quốc là nguồn tiêu thụ bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 60% trên thị trường trị giá 354 tỷ USD toàn cầu năm 2015. Tuy nhiên, Mỹ lại sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất, các doanh nghiệp Mỹ chiếm khoảng một nửa thị trường, theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn.

Nếu Bắc Kinh làm được, cục diện có thể thay đổi. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, đổ hàng tỷ USD nhằm phát triển một ngành bán dẫn cạnh tranh.

Sau hai lần cố gắng đầu tư vào các công ty Mỹ và đều bị chặn đứng, tập đoàn Tsinghua đã được chính phủ đầu tư 22 tỷ USD để giúp xây dựng các nhà máy chip nhớ hiện đại đầu tiên của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ đã gọi tham vọng của Trung Quốc là "nguy cơ dài hạn thực sự đối với không chỉ các công ty Mỹ mà với cả hệ sinh thái bán dẫn thế giới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại