Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook, cho rằng “cuộc chiến mà thời đại của chúng ta phải đối mặt” chính là đấu tranh chống lại chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa dân tộc. Mark cũng vạch ra một lộ trình chính trị để hướng tới 1 thế giới công bằng và kết nối tốt hơn.
Trong bài diễn văn tốt nghiệp Harvard mà Mark nói là để dành tặng cho mẹ, anh nói rằng đang có “một cuộc chiến về ý tưởng, chứ không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia”. Một bên là những người muốn ủng hộ dòng chảy tự do về thương mại cũng như nhân lực, trong khi bên kia muốn điều ngược lại.
Zuckerberg cho rằng thế hệ trẻ cần phải hành động, kể cả những người đang bị mất việc làm vì công nghệ phát triển. Theo anh, ai cũng có cơ hội thử sức với những ý tưởng kinh doanh của họ.
“Hệ thống của chúng ta có gì đó không ổn, khi mà tôi có thể bỏ dở việc học ở đây [Harvard] và vẫn kiếm được nhiều tỷ USD chỉ trong 10 năm, trong khi hàng triệu sinh viên không thể hoàn trả khoản nợ sinh viên chứ chưa nói gì đến chuyện khởi nghiệp”, ông chủ Facebook nói với đám đông gồm nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và cả gia đình của họ.
Bài phát biểu trong buổi lễ nhận bằng đại học của Zuckerberg củng cố đồn đoán về chuyện anh đang có tham vọng dấn thân vào con đường chính trị, thậm chí một ngày nào đó có thể tranh cử Tổng thống.
Anh còn nhắc đến những chủ đề như thu nhập cơ bản, dịch vụ y tế giá rẻ cho trẻ em hay người lao động; bên cạnh đó thể hiện thái độ ủng hộ cải cách hệ thống xét xử tội phạm, hệ thống giáo dục và việc phân phối lại của cải.
“Cho phép mọi người dân tự do theo đuổi mục tiêu là chuyện khó có thể thực hiện được nếu như không có tiền. Những người như tôi nên chi tiền cho việc đó, và rất nhiều trong số các bạn sắp trở nên giàu có và cũng nên làm như vậy”.
Nhà sáng lập 33 tuổi của Facebook đã bỏ dở chương trình học ở Harvard. Tuy nhiên, ngày hôm qua (25/5), anh được nhận bằng tốt nghiệp danh dự. Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái, Mark đã nhiều lần có những phát biểu mang đậm tính chính trị.
Facebook đã bị chỉ trích về chuyện tin tức trên mạng xã hội lớn nhất thế giới có thể đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử bằng cách đẩy nhanh tốc độ phát tán các thông tin giả mạo (mà phần lớn là ủng hộ Tổng thống Trump), tạo nên những “bong bóng” vây quanh các cử tri và khiến họ không nhìn thấy những tin tức khác biệt với quan điểm của riêng họ.
Đáp lại, Facebook đã xây dựng dự án Facebook Journalism, làm việc chặt chẽ hơn với các nhà xuất bản, hợp tác với các cơ quan kiểm chứng tin tức trên toàn thế giới để phát hiện tin tức giả mạo.
Từ đầu năm nay, Zuckerberg cũng thực hiện chiến dịch tới thăm tất cả các bang của nước Mỹ để hiểu thêm về chuyện cuộc sống của người dân Mỹ đang thay đổi như thế nào trước các tác động từ công nghệ và toàn cầu hóa.
Trên lộ trình của mình, anh tiếp xúc với nhiều nhóm người, từ các câu lạc bộ thể thao đến các giáo đoàn trong nhà thờ. Do đó rộ lên tin đồn có thể anh đang xem xét chuyện tranh cử Tổng thống.
Hồi tháng 2, Mark viết 1 lá thư dài gần 6.000 từ (một số người gọi đây là bản tuyên ngôn của Facebook) giải thích mong muốn Facebook sẽ giúp cải thiện “cộng đồng toàn cầu” bằng cách tăng tính bảo mật, chính xác và tương tác cho Facebook.
Dù luôn bác bỏ nhận định mình có tham vọng chính trị, mới đây nhất anh đã lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump.
Kết thúc bài diễn văn tốt nghiệp, Mark miêu tả hình ảnh một cậu học sinh mới tốt nghiệp phổ thông nhưng là người nhập cư chưa có giấy tờ do đó không chắc có thể vào đại học hay không.
“Nếu một cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông không thể chắc chắn về tương lai của bản thân, liệu cậu ta có thể đóng góp cho thế giới này hay không? Chúng tôi coi những việc mình đang làm chính là nghĩa vụ đối với thế giới”, anh nói.