Vài ngày nữa mới đến rằm tháng bảy, một số vườn nhãn ở thành phố Hưng Yên đã và đang cho thu hoạch.
Ông Ngô Văn Sinh ở xã Hồng Nam phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi trồng hơn 2 mẫu nhãn, chủ yếu là giống nhãn Hương Chi. Để tăng hiệu quả kinh tế, từ cuối năm 2018, tôi đã xử lý kỹ thuật đối với 15% số cây để nhãn ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch sớm, còn lại xử lý cho ra hoa đậu quả để thu hoạch chính vụ.
Kết quả vườn nhãn, nhất là nhãn trà sớm đạt tỷ lệ đậu quả cao hơn so với mọi năm.
Hiện nay, trà nhãn chín sớm đang cho thu hoạch được hơn 3 tấn, chủ yếu là nhãn Hương Chi, giá nhãn quả bán tại vườn dao động từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ và gấp 5 – 6 lần so với nhãn chính vụ năm trước. Tuy giá bán cao nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các hộ sản xuất, năm nay thời tiết không thuận lợi nên tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả thấp. Tuy nhiên, do áp dụng tốt kỹ thuật thâm canh, nhiều vườn nhãn vẫn đạt năng suất, chất lượng cao.
Từ đầu tháng 6 đến nay, một số chủ vườn đã thu hoạch nhãn chín sớm, giá bán tại vườn cho khách dao động từ 30 – 60 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhãn đầu vụ chủ yếu bán cho khách mua làm quà biếu...
Hiện tại, trong vườn ông Sinh có 2 loại nhãn chính, nhãn Hương Chi có giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg ; còn nhãn đường phèn có giá ổn định và cao hơn dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg, do nhãn này hiếm và khó trồng.
Nhãn được trồng ở nhiều nơi tại nước ta nhưng hiếm nơi nào lại cho những quả thơm ngon và ngọt đặc biệt như ở Hưng Yên. Có lẽ vì hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây mà loại nhãn lồng Hưng Yên thơm ngon đến lạ thường
Hiện nay, toàn tỉnh trồng hơn 4 nghìn ha nhãn, trong đó 3 nghìn ha đến kỳ thu hoạch
Nhãn cho thu hoạch vào 3 trà: Trà nhãn chín sớm thu hoạch từ tháng 6 đến đầu tháng 8. Trà nhãn chín chính vụ trồng tập trung chủ yếu ở thành phố Hưng Yên, các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ và Kim Động, cho thu hoạch rộ từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9
Trà nhãn chín muộn trồng chủ yếu ở huyện Khoái Châu, cho thu hoạch rộ trong tháng 9. Để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, những năm qua, tỉnh và các địa phương cùng ngành chuyên môn quan tâm xây dựng các mô sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGap
Ông Chi đang thu hoạch nhãn Hương Chi, ông cho biết đã tiêu thụ hơn 3 tấn nhãn trong tháng 7
Riêng Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu thuộc xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã tiêu thụ được 12 tấn nhãn quả vào hệ thống siêu thị, các cơ sở kinh doanh hoa quả trong và ngoài tỉnh
Hiện tại xã Hồng Nam có diện tích trồng nhãn khoảng 200ha với gần 1.200 hộ dân, trong đó có khoảng 54ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Tương truyền rằng, cây nhãn tổ (Hưng Yên) là đặc sản quý của vùng, vì thế, hàng năm cứ vào tháng bảy hàng năm, khi quả nhãn đã chín, các vị quan dân địa phương cùng các vị tiền bối trong làng liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú trong làng để trèo cây hái nhãn. Đây là cây nhãn có cùi dày, mùi thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng nên được lựa chọn lựa để cúng thành hoàng làng, dâng lên Đức Phật và làm sản vật tiến vua nên giống nhãn này bây giờ còn gọi là giống nhãn tiến.(Trong ảnh là những cây nhãn cổ trải dài nằm ven đê ở TP.Hưng Yên).