Diễn viên Alec Baldwin vừa khóc vừa gọi điện cho ai đó sau khi xảy ra thảm kịch Ảnh: Sky news
Nữ đạo diễn hình ảnh của phim “Rust” Halyna Hutchins, 42 tuổi, thiệt mạng và đạo diễn Joel Souza bị thương nặng trong vụ tai nạn gây ra bởi một khẩu súng đạo cụ, được cho là đã bị vô hiệu hóa trước khi đưa vào trường quay. Vụ việc đang được các nhà chức trách địa phương điều tra.
Như thường lệ sau những sự cố như vậy, có rất nhiều điều khó hiểu về những gì chính xác đã xảy ra. Nếu khẩu súng đã được vô hiệu hóa, làm thế nào nó có thể giết được ai đó. Làm thế nào mà một khẩu súng đạo cụ không đầu đạn có thể gây chết người? Liệu có tội ác nào ở đây không?
Tất nhiên, những chi tiết về thảm kịch trên phim trường “Rust” thì còn phải chờ các nhà điều tra công bố, có thể phải mất vài ngày, hoặc vài tuần, chúng ta mới được biết toàn bộ sự việc. Nhưng chúng ta có thể hiểu thêm về vụ việc khi biết về cơ chế của những khẩu súng đạo cụ, cũng như những bi kịch tương tự từng xảy ra trên phim trường.
Đạo diễn hình ảnh của phim "Rust", Halyna Hutchins thiệt mạng trong vụ việc.
Nam diễn viên kỳ cựu Alec Baldwin.
Trước hết, phải hiểu thuật ngữ “súng đạo cụ” (prop gun) có nghĩa là gì. Mọi người có xu hướng cho rằng nó dùng để chỉ các loại vũ khí phi chức năng, được sử dụng trong các buổi biểu diễn sân khấu, hoặc súng đồ chơi có thể tạo ra khói. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, “súng đạo cụ” cũng là súng thật được sử dụng làm đạo cụ trong diễn xuất phim.
Lý do các nhà làm phim sử dụng súng thật rất đơn giản: tạo cảm giác thật. Một huấn luyện viên sử dụng súng là Dave Brown từng viết cho tạp chí American Cinematographer vào năm 2019, súng thật thực sự mang đến độ chân thực hơn cho các cảnh quay cận. Bất kỳ ai đã từng cầm súng đều có thể xác nhận rằng một khẩu súng thật có bề ngoài, trọng tượng và cảm giác tay cầm khác so với một khẩu súng giả.
Xem video phim trường "Rust" nơi xảy ra thảm kịch (Nguồn: News Nation)
Tuy nhiên, chuyên gia Brown lưu ý rằng họ cũng yêu cầu các chuyên gia trên trường quay đảm bảo rằng, súng đạo cụ luôn được xử lý đúng cách. Bởi nó vẫn là một thứ vũ khí, bất kể có gì bên trong. Và chính điều này đã cho chúng ta thấy, một khẩu súng bên trong rỗng thể giết chết ai đó.
Thuật ngữ “rỗng” hay “trống” (blank) là từ viết tắt của cụm từ đạn rỗng (blank cartridge). Cartridge là một đơn vị đạn được nạp vào nòng súng, bao gồm một số bộ phận: Vỏ đạn, thuốc súng bên trong vỏ; kíp nổ ở dưới cùng; và ở trên cùng là đầu đạn.
Cấu tạo viên đạn. Ảnh: khoahoc.tv
Khi người sử dụng bóp cò, búa được nhả ra, búa sau đó sẽ đập vào kim hỏa. Lực từ búa truyền sang kim hỏa và kim hỏa lao vào đuôi viên đạn, mạnh vào kíp nổ nằm ở đuôi viên đạn. Kíp nổ làm thuốc súng bị đốt cháy và tạo ra lực đẩy đầu đạn lao về phía trước. Vỏ đạn sau đó bật ra khỏi súng và viên đạn mới được nạp vào ổ đạn.
Đạn rỗng là viên đạn có tất cả những bộ phận trên, ngoại trừ đầu đạn. Thay vào đó, phần đầu sẽ được uốn cong hoặc bịt kín bằng giấy hoặc sáp để giữ thuốc súng bên trong. Điều đó có nghĩa là, về mặt lý thuyết, khi bóp cò, súng vẫn có tiếng nổ, giật và phát ra tia lửa ở họng súng, và một vỏ đạn bật ra, mà không có viên đạn gây chết người nào phóng ra.
Nhưng khi nhắc đến tia lửa và khí bị đốt nóng, đó là những thứ vẫn thoát ra khỏi súng, và dù có đầu đạn hay không, chúng có thể gây nguy hiểm với bất kể thứ gì ở gần nòng súng.
Trên thực tế, có một ví dụ đáng ngạc nhiên về hiện tượng này trong phim “El Camino: A Breaking Bad Movie” năm 2019. Trong lúc bế tắc ở cuối phim, Jesse đã bóp cò súng từ bên trong túi áo khoác của mình và áo khoác của anh ta bốc cháy.
Đạo diễn phim "Rust" Joel Souza bị thương nặng trong sự cố trên phim trường. Ảnh: Sky news
Khi đầu đạn được tháo, có một tấm lót được sử dụng để giữ thuốc súng tại chỗ. Tấm lót đó có thể là giấy hoặc sáp, nhưng nếu ai đó ở đủ gần, khi súng nổ vẫn có thể bị thương. Một ví dụ là sự việc dẫn đến cái chết của nam diễn viên Jon-Erik Hexum vào năm 1984.
Hexum đã tham gia serie phim truyền hình “Cover Up” của đài CBS và anh cảm thấy buồn chán trong thời gian dài bị trì hoãn quay phim. Để đùa vui, anh ta nạp đạn rỗng vào khẩu súng ổ xoay của mình, rồi xoay tròn phần ổ như thể đang chơi trò cò quay kiểu Nga. Hexum bóp cò súng mà không biết rằng điều đó thực sự nguy hiểm, bởi viên đạn rỗng đã đập vào đầu anh ta. Do không có đầu đạn, viên đạn không đủ mạnh để xuyên vào cơ thể, nhưng lực va đập đã làm rạn hộp sọ, văng mảnh xương sọ vào não Hexum. Anh ta qua đời 6 ngày sau đó.
Bi kịch cũng có thể xảy ra nếu khẩu súng đạo cụ không được xử lý đúng cách, như sự cố xảy ra với Brandon Lee, con trai của Lý Tiểu Long, vào năm 1993.
Brandon Lee khi đó đang tham gia bộ phim “The Crow”, với một cảnh quay sử dụng một khẩu súng đạo cụ được xử lý sai. Một viên đạn còn đầu đạn đã bị mắc kẹt, và khi một viên đạn rỗng được nạp vào và được kích nổ, nó đã đẩy viên đạn thật ra ngoài, khiến Brandon bị thương và qua đời vài tiếng sau, khi mới 28 tuổi.
Sai lầm có khi xảy ra không phải vì sự kém cỏi hay ác ý. Ngay cả những tính toán sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm tiềm tàng. Đó là lý do tại sao hoạt động sản xuất phim liên quan đến súng ống cần phải có các chuyên gia có năng lực giám sát tất cả các khía cạnh trong việc sử dụng súng trên phim trường.